Chính phủ Anh cứu ngành nhà hàng trong Covid-19 thế nào

26/08/2020 14:06 GMT+7
Để thuyết phục người dân ra ngoài và tiêu tiền, Anh trợ giá 50% bữa ăn ngoài trong các ngày đầu tuần tháng 8.

Để thuyết phục người dân ra ngoài và tiêu tiền, Anh trợ giá 50% bữa ăn ngoài trong các ngày đầu tuần tháng 8.

Trong tháng này, chính phủ Anh sẽ trả 50% cho tất cả các bữa ăn ở nhà hàng, quán rượu, quán cà phê, tối đa 10 bảng (13 USD) mỗi người trong các ngày thứ Hai, Ba và Tư. Dĩ nhiên, người Anh rất chào đón chính sách này.

"Thứ Tư tuần trước đúng là kinh khủng", David Williams – đồng sở hữu Baltic Market – một địa điểm tập trung hàng chục quầy bán rong đồ ăn và nước uống tại Liverpool cho biết, "Số người xếp hàng còn đông hơn số người trong nhà nữa".

Trong 3 tuần đầu thực hiện chương trình có tên Eat Out to Help Out này, 64 triệu bữa ăn (đủ cho gần như toàn bộ dân số 67 triệu người của Anh) đã được giảm giá, tiêu tốn của chính phủ 336 triệu bảng (441 triệu USD).

Chính phủ Anh cứu ngành nhà hàng trong Covid-19 thế nào - Ảnh 1.

Bên trong Baltic Market ở Liverpool (Anh). Ảnh: NYT

Khi Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak công bố chương trình này tháng trước, ông gọi đây là chính sách kích thích "chưa từng có tiền lệ", nhằm hỗ trợ 1,8 triệu người đang làm việc trong ngành nhà hàng, khách sạn. Trong quý II, sản lượng kinh tế của ngành này giảm 87%. "Họ cần sự hỗ trợ của chúng ta", Sunak cho biết.

Theo số liệu của hãng tư vấn CGA, trong ngày đầu thực hiện – 3/8, doanh số bán thực phẩm đã tăng 100% so với thứ Hai tuần trước đó. "Mọi người, kể cả tôi nữa, đều đã đánh giá thấp hiệu quả của chính sách này", Williams cho biết, "Phần lớn nhà hàng ở Liverpool giờ không có bàn trống trong cả ngày thứ Hai, Ba và Tư".

Trước khi Anh bị phong tỏa, Baltic Market chỉ mở từ thứ Năm đến Chủ Nhật. Đầu tháng 8, họ mở thêm ngày thứ Tư để tận dụng chính sách trợ giá. Sau 2 tuần, họ quyết định mở cả tuần trong suốt tháng.

Dù vậy, nhiều người vẫn lo ngại chính sách tạm thời này khó tạo ra đà phục hồi bền vững. Nếu sau này, người dân lại quay về ăn tại nhà khi trời quá lạnh, hoặc tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, hay chương trình hỗ trợ tiền lương chấm dứt vào tháng 10 thì sao? "Hiện tại tôi vẫn thấy thực sự vui mừng", Williams cho biết, "Nhưng tôi không thể không nghĩ rằng đây chỉ là tuần trăng mật ngắn ngủi. Đến tháng 10, mọi thứ sẽ khác hoàn toàn".

Vào một buổi tối thứ Ba, khu Soho tại trung tâm London có không khí như một lễ hội. Đường phố biến thành phố đi bộ để các nhà hàng kê thêm bàn ghế bên ngoài. Cờ trang trí giúp các bàn ăn sinh động hơn dù phải kê xa nhau. Ở đây gần như chẳng có dấu hiệu nào của một đại dịch.

Nhiều con phố thậm chí không có một bàn trống. Không khí sôi động như một buổi tối mùa hè bình thường trước đại dịch. Chẳng mấy người nhận ra sự thật là London gần như vắng bóng dân văn phòng và khách du lịch, khi các rạp phim và điểm du lịch khác vẫn đóng cửa.

Kinh tế Anh chịu tác động mạnh hơn nhiều so với các nước khác ở châu Âu trong quý II năm nay, do phong tỏa kéo dài và phụ thuộc lớn vào tiêu dùng. Để thoát khỏi hố sâu này, họ cần người dân quay trở lại các quán bar, nhà hàng, café với số lượng lớn. Anh đã dành ra 500 triệu bảng cho chính sách trợ giá ăn ngoài. Đây là con số mà các nhà kinh tế học không cho là lớn so với 190 tỷ bảng chính phủ Anh dự định chi ra để kích thích kinh tế trong đại dịch.

Sau nhiều tháng cảnh báo người dân về rủi ro khi ở trong các địa điểm công cộng đóng kín, chính phủ Anh giờ lại phải thuyết phục người dân rằng quay về thói quen cũ đã an toàn rồi. Họ đã phải tìm đến các nhà kinh tế học hành vi để đưa ra chính sách.

"Có 2 diễn biến tâm lý nền tảng trong việc này", Ivo Vlaev – Giáo sư Khoa học hành vi tại Trường kinh doanh Warwick cho biết.

Đầu tiên là tạo ra thói quen. Khi ai đó làm điều gì đó và được thưởng, ví dụ được giảm nửa tiền, trong nhiều lần, ký ức về việc được thưởng sẽ khuyến khích họ lặp lại hành động. Việc này sẽ tiếp tục cho đến lúc chỉ cần hoàn cảnh, không cần tiền thưởng, cũng có thể khuyến khích hành vi.

Thứ hai là tạo ra tiền lệ. Để mọi người tuân thủ theo một yêu cầu lớn, bạn cần thuyết phục họ chấp nhận cái nhỏ trước. Ở Anh, người dân có thể ra ngoài vì muốn tận dụng trợ giá. Nhưng khi họ đã ở bên ngoài rồi và tận hưởng dịch vụ ăn uống, chính phủ sẽ dễ thuyết phục họ quay trở lại văn phòng, phòng gym hay rạp phim hơn.

Và đến hiện tại, chính sách này vẫn đang phát huy tác dụng. Một khảo sát của CGA cho biết gần 40% người sử dụng chương trình Eat Out to Help Out cho lần ăn ngoài đầu tiên kể từ khi Anh phong tỏa cuối tháng 3. Đây là tín hiệu tích cực, cho thấy những người quen ở trong nhà đã bị thuyết phục. Chính sách này cũng khuyến khích cả gia đình và người già ra đường trở lại. Hiện chưa có báo cáo về trường hợp lây nhiễm nào liên quan đến chương trình này.

Dù vậy, kể cả khi khách hàng đã quay lại, các nhà hàng vẫn đang gặp nhiều thách thức. Nửa số nhà hàng tại Anh vẫn đang đóng cửa, Nicholls cho biết. Số cửa hàng mở cửa cũng chỉ kiếm được 70% doanh thu so với tiền đại dịch. Chính phủ Anh đã giảm thuế VAT với thực phẩm và đồ uống không cồn. Tuy nhiên, chính sách này sẽ hết hạn vào tháng 1.

Chính phủ Anh cũng cho phép các doanh nghiệp hoãn nộp tiền thuê nhà đến hết tháng 9. Khỏa nợ tiền thuê nhà tích lũy suốt 6 tháng qua, "là vấn đề lớn nhất hiện tại" với các doanh nghiệp ngành này, Kate Nicholls - Giám đốc tổ chức KUKHospitality nói.

Và dù chính sách Eat Out to Help Out có thể thay đổi hành vi người tiêu dùng, các nhà hàng cũng không thể tận dụng tối đa mặt bằng như trước đây, do các quy định giãn cách xã hội, hoặc họ sẽ gặp khó khi thời tiết quá lạnh để ăn bên ngoài. Một khảo sát gần đây của Văn phòng Thống kê Anh cho thấy chỉ 43% người dân cảm thấy thoải mái khi ăn ngoài.

Baltic Market hiện chỉ phục vụ được 150 – 200 người, bằng một phần ba công suất thông thường. Họ dự định lắp thêm các phòng sưởi ngoài trời để có nhiều khách hơn trong mùa thu - đông.

"Đó là mối lo lớn của chúng tôi", Williams cho biết, "Chúng tôi không sống ở California hay Dubai, mà ở Anh. Vì thế, không phải lúc nào anh cũng muốn ăn một bát mỳ ống ngoài trời".

Hà Thu/Vnexpress
Cùng chuyên mục