Chính phủ yêu cầu giảm khâu trung gian trong phân phối xăng dầu

25/02/2023 09:47 GMT+7
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương truyền đạt ý kiến của lãnh đạo Chính phủ về sửa đổi Nghị định kinh doanh xăng dầu.

Giảm trung gian phân phối xăng dầu

Theo đó, Văn bản của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương về nội dung sửa đổi nghị định quản lý kinh doanh xăng dầu phải giảm được khâu trung gian trong lưu thông, phân phối, giảm đầu mối quản lý, tăng tính công khai minh bạch.

Bộ Công Thương cần giảm khâu trung gian trong phân phối xăng dầu - Ảnh 1.

Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu giảm khâu trung gian trong phân phối xăng dầu

Đối với các kiến nghị của doanh nghiệp bán lẻ, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, cơ quan, doanh nghiệp liên quan nghiên cứu kỹ các kiến nghị của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trong quá trình hoàn thiện dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương khẩn trương trình Chính phủ dự thảo nghị định trong tháng /-2023 theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Mục tiêu là đảm bảo tiến độ, chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, khoa học, hài hòa, hợp lý, hiệu quả.

Đáng chú ý, Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu việc sửa đổi nghị định phải giảm được khâu trung gian trong lưu thông, phân phối và kinh doanh xăng dầu.

Giảm đầu mối quản lý, tăng tính công khai minh bạch trong quản lý, điều hành xăng dầu, tháo gỡ được vướng mắc và những phát sinh thời gian qua. 

Việc gửi báo cáo này được Văn phòng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương "không được để chậm trễ".

Ngày 28/2, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội sẽ tổ chức phiên giải trình của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương về thị trường xăng dầu cũng như quá trình điều hành xăng dầu. Nhiều doanh nghiệp bán lẻ, doanh nghiệp đầu mối được mời tham dự phiên giải trình nhằm đưa ra những ý kiến khách quan, đa chiều để sửa đổi chính sách về xăng dầu.

Hiện, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương rà soát, tiếp thu ý kiến các cơ quan, bộ ngành, địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp để sửa đổi, bổ sung Nghị định 84/2014, Nghị định 95/2021 về kinh doanh xăng dầu, báo cáo Chính phủ.

Mới đây, trong văn bản gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đã điều chỉnh hàng loạt chi phí kinh doanh đối với xăng dầu, trong đó, tăng chi phí đưa xăng dầu đối với xăng RON 92 và dầu diesel.

Cụ thể, xăng RON 92 (loại để pha chế xăng sinh học E5) từ mức 640 đồng lên đến 730 đồng, tăng 90 đồng/ lít; dầu diesel tăng từ mức 730 đồng lên đến 1.230 đồng, tăng mạnh 500 đồng/ lít. Các loại xăng RON 95 có chi phí giảm từ 1.280 đồng xuống còn 1.100 đồng, giảm 180 đồng/ lít; dầu mazut từ mức 1.290 đồng, xuống còn 1,220 đồng, giảm 70 đồng/ lít, dầu hoả giữ nguyên 1.740 đồng/ lít. Chính việc điều chỉnh tăng chi phí kinh doanh nói trên đã giúp giá xăng dầu giảm mạnh so với dự đoán.

Hiện Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp theo dõi, nắm bắt, cập nhật các số liệu, diễn biến để rà soát và công bố vào kỳ tiếp theo theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng và Phó Thủ tướng theo các văn bản chỉ đạo hiện hành.

An Linh
Cùng chuyên mục