Bình Định: Hỗ trợ thu mua nông sản cho nông dân

16/10/2023 08:32 GMT+7
HTX Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân (Bình Định) là HTX chuyên ngành được thành lập vào cuối năm 2020 với 7 thành viên là đoàn viên thanh niên. Mặc dù, hoạt động chỉ hơn 2 năm, nhưng với sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, HTX Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân (Bình Định) đã trở thành chỗ dựa vững chắc của nông dân.

Hỗ trợ cùng nông dân vượt khó

Vừa đi vào hoạt động, HTX Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân đã khẳng định vai trò không thể thiếu của mình ở một địa phương đang phát triển mạnh diện tích cây ăn quả. 

Theo chị Nguyễn Thị Thu Thủy, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân, khi mới đi vào hoạt động, các thành viên của HTX không tránh khỏi bỡ ngỡ. Tuy nhiên, với nhiệt huyết của tuổi trẻ, thành viên của HTX đã năng động bắt tay ngay vào công việc khó nhằn, đó là lo khâu tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả của nông dân trên địa bàn huyện.

Năm đầu tiên hoạt động, HTX đã tiêu thụ được 50 tấn trái cây cho nông dân, trong đó có hơn 20 tấn bưởi da xanh. 

"Chinh phục" con đường hỗ trợ nông sản cho nông dân - Ảnh 1.

Vườn bưởi trĩu quả của nông dân trung du Hoài Ân, Bình Định. Ảnh: TB.

Qua quá trình quan hệ với các đầu mối tiêu thụ cây ăn quả, HTX nắm bắt được thị hiếu của người tiêu dùng đang tiêu thụ mạnh sản phẩm hữu cơ nên HTX đã liên kết với 30 hộ trồng bưởi để tổ chức sản xuất theo VietGAP, hướng hữu cơ để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Bước sang năm 2022, HTX tiến thêm một bước nữa là áp dụng công nghệ thông tin vào tiêu thụ sản phẩm. Kết quả rất bất ngờ, trong năm HTX đã tiêu thụ được 80 tấn trái cây các loại, trong đó có 56 tấn bưởi da xanh.

Trái cây của Hoài Ân bắt đầu thâm nhập được vào hệ thống các siêu thị, cửa hàng trái cây sạch, các chợ đầu mối không chỉ trên địa bàn tỉnh Bình Định mà còn đi xa đến Kon Tum, Gia Lai, Đà Nẵng thông qua hệ thống bưu điện.

"Chinh phục" con đường hỗ trợ nông sản cho nông dân - Ảnh 2.

Mô hình sản xuất bưởi hữu cơ của nông dân huyện Hoài Ân. Ảnh: TB.

Năm 2023, HTX Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân mở rộng thêm hoạt động. Hiện HTX đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho 100ha bưởi của 67 hộ nông dân, 50ha dừa xiêm và 20 hộ trồng các loại rau củ quả, thời hạn thực hiện hợp đồng là 3 năm.

"Từng bước, HTX sẽ hướng nông dân canh tác cây ăn quả theo hướng VietGAP, hữu cơ để đáp ứng xu thế của thị trường hiện nay. Có như vậy sản phẩm cây ăn quả của Hoài Ân mới thong dong vào được hệ thống siêu thị, cung ứng cho người tiêu dùng khó tính", chị Thuỷ bộc bạch.

Huyện trung du Hoài Ân hiện có trên 3.120ha cây ăn quả với các loại cây có giá trị kinh tế cao như:Bưởi da xanh, dừa xiêm, bơ sáp, mít thái, quýt đường… Riêng bưởi da xanh ở Hoài Ân đã trồng được hơn 420ha, trong đó hiện có khoảng 100ha đang cho thu hoạch, sang năm 2024 diện tích này sẽ tăng lên trên 200ha.

Đó là chưa kể 50ha dừa xiêm cũng đang trong thời kỳ kinh doanh cùng với nhiều loại cây ăn quả khác. 

Diện tích cây ăn quả cho thu hoach càng nhiều thì nỗi lo về đầu ra của nông dân càng lớn. Thế nhưng từ khi HTX Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân đi vào hoạt động, nỗi lo này của nông dân đã được giải tỏa.

"Chinh phục" con đường hỗ trợ nông sản cho nông dân - Ảnh 3.

Máy sấy lạnh tại HTX. Ảnh: TB.

Sát cánh vì quyền lợi của người nông dân

Anh Thái Thành Việt, chuyên viên của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân và là thành viên của HTX Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân cho hay, năm 2023, HTX ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm 100ha bưởi trên địa bàn 10 xã gồm: Ân Nghĩa, Ân Hữu, Ân Tường Tây, Ân Tường Đông, Ân Đức, Ân Thạnh, Ân Mỹ, Ân Hảo Đông, Ân Hảo Tây, Ân Tín và 50ha dừa xiêm.

Về quy trình kỹ thuật canh tác bưởi, HTX chia các xã nói trên thành 3 tiểu vùng khí hậu khác nhau để xây dựng 3 quy trình khác nhau cho cây bưởi, đảm bảo bưởi được chăm sóc tốt nhất, cho hiệu quả cao nhất.

Ví như các xã phía bắc huyện Hoài Ân nằm ven sông Kim Sơn và sông An Lão được bồi đắp lượng phù sa hàng năm rất lớn, đất màu mỡ nên trong quy trình canh tác phải tăng bón phân kali để cây phát triển chậm lại, "chặn" không cho cây ra hoa, đậu quả sớm. 

"Chinh phục" con đường hỗ trợ nông sản cho nông dân - Ảnh 4.

HTX Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân sát cánh cùng nông dân. Ảnh: TB.

Vùng ở giữa như các xã Ân Thạnh, Ân Đức, Ân Phong và thị trấn Tăng Bạt Hổ… với đặc thù là đất gò đồi nên cần tăng cường bón canxi để kích cây ra hoa, đậu quả. Vùng thứ 3 như các xã Ân Hữu, Ân Nghĩa, Ân Tường Đông, Ân Tường Tây… có độ ẩm cao, cần phải bón phân cân đối để cây phát triển ổn định.

Hàng tuần, HTX cập nhật lên nhóm zalo dự báo sâu bệnh, hướng dẫn cách phòng trừ; cập nhật quy trình chăm sóc, bón phân cho cây trồng từng vùng, đặc biệt là cây bưởi để nông dân nắm bắt, thực hiện. 

Qua thực tiễn sản xuất, hàng năm HTX sẽ đúc kết, bổ sung quy trình canh tác cho những năm sau.

Công việc ngày càng nhiều nên từ 7 thành viên ban đầu, hiện nay số thành viên của HTX đã tăng đến 25 người, riêng bộ phận phụ trách khâu tiêu thụ bưởi da xanh có 4 người. 

Đến vụ thu hoạch, bộ phận "chuyên trách bưởi" của HTX tăng đến 13 người để đảm trách việc thu hoạch bưởi nhập về kho và tiêu thụ, chế biến.

Vẫn theo anh Việt, vườn bưởi đến kỳ thu hoạch chủ nhà vườn chụp ảnh gửi vào nhóm zalo, HTX sẽ cử người đi khảo sát và ấn định ngày hái. Vào vụ thu hoạch bưởi, đội ngũ chuyên hái bưởi đánh xe, chở giỏ đi cả ngày, hái hết vườn này đến vườn kia. 

Bưởi chở về kho sẽ có bộ phận khác phân loại, bưởi loại 1 và loại 2 được chọn thị trường tiêu thụ; bưởi loại 3 được lột vỏ, tách múi, lên men để làm rượu nếp bưởi (sản phẩm này HTX đang đăng ký an toàn thực phẩm và sản phẩm OCOP). "Do sản xuất rượu nếp bưởi nên HTX thu mua cả những quả bị nứt vỏ không bán được ra thị trường, nông dân đỡ thất thu", anh Việt nói.

Hành trình tìm kiếm, phát triển thị trường tiêu thụ trái cây cho huyện Hoài Ân của HTX gặp không ít gian nan. 

"Chinh phục" con đường hỗ trợ nông sản cho nông dân - Ảnh 5.

Thành viên HTX Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc bưởi cho nông dân. Ảnh: TB.

Các thành viên HTX phải tranh thủ những ngày cuối tuần hoặc những ngày nghỉ lễ, bởi hầu hết thành viên của HTX đều là công chức nhà nước, hàng ngày có công việc của cơ quan. Trong tỉnh, anh em dong xe máy đến từng cửa hàng bán trái cây sạch, từng chợ đầu mối, siêu thị để liên hệ tiêu thụ.

Anh Huỳnh Văn Duy, thành viên HTX phụ trách mảng kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm cho rằng, với những thị trường xa như Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng và các tỉnh Tây Nguyên, thành viên HTX phải vận dụng các mối quan hệ bạn bè, người thân để tiếp cận với đầu mối tiêu thụ. Nhờ đó, sản phẩm cây ăn quả của Hoài Ân, nhất là bưởi da xanh hiện nay đã có mặt tại thị trường 7 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Việc đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử đã giúp HTX có thêm thông tin đánh giá từ người tiêu dùng để kịp thời điều chỉnh các chỉ tiêu kỹ thuật của sản phẩm tùy theo khu vực khách hàng, thị trường. 

"Chinh phục" con đường hỗ trợ nông sản cho nông dân - Ảnh 6.

HTX Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân trang bị nhiều thiết bị hiện đại phục vụ công việc. Ảnh: TB.

"Ví như những phản hồi về độ ngọt của bưởi, màu tép bưởi, thông tin của nhà vườn, bao bì sản phẩm… Ngoài những thị trường trong và ngoài tỉnh, từ đầu năm 2022, chúng tôi đã mở thêm nhiều cửa hàng để bày bán, giới thiệu sản phẩm ngay tại địa phương", anh Duy tiết lộ.

Hiện HTX Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân vừa xây dựng xong nhà kho tại xã Ân Đức để phục vụ thu mua bưởi và các loại trái cây khác, lắp đặt máy sấy lạnh để chế biến các sản phẩm nông nghiệp thu mua của nông dân. Được sự ủng hộ của lãnh đạo địa phương cộng với sức trẻ của các thành viên, càng ngày HTX càng đưa các sản phẩm chủ lực của Hoài Ân đi xa, đến gần hơn với người tiêu dùng.

Thăng Bình
Cùng chuyên mục