Chờ hết đại dịch Covid-19, săn cổ phiếu nào kiếm lời nhiều nhất?
Đại dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp. Dù vậy, dù phức tạp đến đâu, đại dịch Covid-19 cũng phải qua đi. Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đã đưa ra lời khuyên cho nhà đầu tư muốn tận dụng thời điểm " trong nguy có cơ" này.
Rủi ro phần nào giảm bớt
VDSC nhận định cho đến những ngày đầu tiên của tháng 3, tâm lý thị trường vẫn phần nào ổn định khi dịch Covid-19 đã gần như được kiểm soát tại Việt Nam và không có ca nhiễm mới trong một thời gian tương đối dài.
Tuy nhiên, ca nhiễm thứ 17 và nhanh chóng theo sau là các ca nhiễm mới khác đã mang đến sự hoảng loạn trên thị trường. "Cú đổ đèo" của giá dầu cũng góp phần đổ thêm dầu vào lửa: OPEC và Nga thất bại trong việc đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng trong khi dịch bệnh làm giảm nhu cầu dầu lửa của thế giới. Kết quả là VN-Index giảm tới 25% trong tháng 3 và các nhà đầu tư nước ngoài cũng bán ròng đạt mức cao kỷ lục.
Trong khi các chỉ số đều giảm mạnh, thanh khoản vẫn không cho thấy sự cải thiện. Thực tế là mặc dù lực bán rất dồi dào, tiền bắt đáy vẫn tương đối yếu do các nhà đầu tư giữ tâm lý thận trọng trong một thị trường nhiều rủi ro.
Giao dịch tự doanh duy trì trạng thái tích cực. Khối này đã mua ròng 124 tỷ đồng, tập trung vào MSN (+468 tỷ) và CCQ E1VFVN30 (+255 tỷ) trong khi bán ròng nhiều nhất ở MBB (-128 tỷ), MWG (- 81 tỷ) và VHM (-81 tỷ).
Độ rộng thị trường rất tiêu cực trong tháng 3 với một phần ba số cổ phiếu trên sàn HOSE và HNX mất hơn 20% giá trị. Trong rổ VN30, không có cái tên nào tăng trong tháng 3 và 14/30 số cổ phiếu giảm nhiều hơn 30%. Những mã giảm mạnh nhất: ROS (-55%), MWG (-45%), PNJ (-43%) và SBT (41%).
Nhìn chung, không mấy ngạc nhiên khi Dược phẩm và Tiêu dùng thiết yếu là 2 nhóm ngành giảm ít nhất trong tháng 3. Mặt khác, Tiêu dùng không thiết yếu, đại diện bởi nhóm Bán lẻ, là ngành giảm mạnh nhất khi người dân hạn chế đến các nơi công cộng trong mùa dịch và một số nhà bán lẻ phải tạm đóng các cửa hàng do lệnh giới nghiêm. Năng lượng là ngành giảm nhiều thứ 2 với nguyên nhân từ đà lao dốc của giá dầu thô.
"Chúng tôi nhận thấy rủi ro của thị trường đã phần nào giảm bớt khi mà các chỉ số VIX và chỉ số 5 năm CDS của Việt Nam đã lao dốc 38% và 12% so với mức đỉnh trong tháng Ba. Cùng thời điểm đó, mức độ bán ròng của khối ngoại cũng đang có xu hướng chậm lại, thậm chí có phiên chuyển sang trạng thái mua ròng trên sàn HOSE. Chúng tôi không kỳ vọng khối ngoại có thể chuyển sang mua ròng ngay trong tháng Tư khi mà các chỉsố rủi ro còn đang ở mức cao, tuy nhiên mức độ bán ròng tháng Tư có thể bớt rát hơn so với tháng Ba", VDSC đánh giá.
Mua vào cổ phiếu bị định giá thấp so với giá trị thực
Tình hình phong tỏa, không chỉ ở Việt Nam, mà tại các quốc gia là đối tác thương mại chính của Việt Nam có thể dẫn đến cú sốc cầu ngắn hạn. Hoạt động kinh tế chậm lại sẽ tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh của các công ty trong năm 2020.
Để phán ảnh tác động của đại dịch, các chuyên gia phân tích của VDSC đã đánh giá lại triển vọng ngành, đồng thời điều chỉnh ước tính về kết quả kinh doanh năm 2020 của các công ty. Với kịch bản cơ sở là dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát vào cuối quý 2/2020 trên toàn cầu, VDSC rút ra các kết luận sau:
Các ngành sẽ bị ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch bao gồm hàng không, dệt may, bảo hiểm, dầu khí, chứng khoán, bán lẻ, logistics và xây dựng.
Cú sốc cầu mạnh hơn cú sốc cung. Một số doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn những doanh nghiệp khác. Các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ sẽ chỉ giúp các công ty vượt qua giai đoạn khó khăn, hơn là thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận trong dài hạn.
Trong khi đó, VDSC tin rằng hầu hết các lĩnh vực có thể phục hồi nhanh chóng sau khi kết thúc đại dịch, đặc biệt là các lĩnh vực như bán lẻ, bảo hiểm, thực phẩm và đồ uống (sữa) và điện.
Dự báo tăng trưởng lợi nhuận sau thuế và EPS của VDSC cho năm 2020 lần lượt là 11% và 7%, thấp hơn đáng kể so với mức tăng trưởng dự phóng là 22% và 18% vào đầu năm.
Công nghiệp, dịch vụ tiêu dùng, tài chính và ngân hàng là những ngành sẽ có sự điều chỉnh giảm mạnh. Sau một năm 2020 đầy khó khăn, năm 2021 sẽ là một năm tăng trưởng cao cho các lĩnh vực như công nghiệp, dịch vụ tiêu dùng và ngân hàng.
"Sự biến động mạnh của thị trường sẽ mở ra nhiều cơ hội mua vào cổ phiếu bị định giá thấp so với giá trị thực. Đối với hầu hết các nhà đầu tư, chúng tôi tin rằng chiến lược mua và nắm giữ ở mức giá thấp vẫn có thể áp dụng trong thời điểm này. Các ý tưởng đầu tư cho tháng 4 bao gồm cổ phiếu có tỷ suất cổ tức cao hoặc các công ty có nền tảng vững chắc và bị bán quá mức", VDSC đưa ra lời khuyên.