Cổ phiếu nông nghiệp tăng trần 9 phiên: Ban Giám đốc nhận thù lao 0 đồng
Tăng trần 9 phiên liên tiếp
Ngày 18/3/2020, cổ phiếu ABS của Công ty cổ phần Dịch vụ Nông nghiệp Bình Thuận chào sàn và được dự báo sẽ phải đối diện với muôn vàn khó khăn vì đại dịch Covid-19 đang hoành hành trên toàn cầu. Thế nhưng, điều đó đã không xảy ra, ngay trong phiên đầu tiên, ABS đã tăng trần, tăng 2.150 đồng/CP, tương đương 19,91% lên 12.950 đồng/CP.
Kể từ đó đến ngày 30/3, ABS miệt mài giao dịch trong sắc tím. Nghĩa là, ABS đã trải qua 9 phiên tăng trần liên tiếp. Sau nửa tháng giao dịch, ABS tăng 11.250 đồng/CP, tương đương 104% lên 22.050 đồng/CP. Vốn hóa thị trường ABS có thêm 324 tỷ đồng.
Điều đáng nói, trong giai đoạn này, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng như thế giới đua nhau "lao dốc". Đóng cửa phiên 30/3, VN-Index giảm 83,52 điểm, tương đương 11,2% so với ngày 17/3. Vốn hóa thị trường sàn TP.HCM giảm 289.726 tỷ đồng (khoảng 12,2 tỷ USD).
Tới sáng 31/3, khi thị trường chứng khoán đảo chiều sau chuỗi ngày giảm sâu, ABS càng có lý do tăng trần. ABS tăng 1.500 đồng/CP lên 23.550 đồng/CP. Chỉ riêng hôm nay, vốn hóa thị trường ABS cộng thêm 43,2 tỷ đồng.
Doanh thu, lợi nhuận tăng vọt
Là "tân binh" nên thông tin của ABS khá nhỏ giọt. Trước khi niêm yết, các chỉ tiêu kinh doanh khá mờ nhạt. Doanh thu năm 2018 giảm từ 564 tỷ đồng xuống chỉ còn 472 tỷ đồng. Tuy nhiên, do giá vốn giảm mạnh hơn nên lợi nhuận sau thuế đi ngang quanh mức hơn 29 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trước khi lên sàn, ABS đã có bước chuyển mình ngoạn mục. Doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2019 đạt 791 tỷ đồng, tăng 319 tỷ đồng, tương đương 67,5%, lợi nhuận sau thuế đạt 33,4 tỷ đồng, tăng 3,8 tỷ đồng, tương đương 12,8% so với năm 2018.
Dù lợi nhuận có tốc độ tăng trưởng tốt nhưng tỷ suất lợi nhuận của ABS tương đối thấp. Trong năm 2019, tỷ suất lợi nhuận/doanh thu và tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu chỉ đạt 4,2% và 8,5%.
Ban giám đốc công ty nhận thù lao 0 đồng
Bên cạnh chuỗi 10 phiên tăng trần liên tiếp, ABS còn gây chú ý khi trả lương 0 đồng cho Ban Giám đốc.
Cụ thể, bà Trần Thị Hoa giữ chức vụ Giám đốc công ty từ tháng 12/2018 đến nay. Nhưng thù lao và các khoản lợi ích bà nhận được từ ABS là 0 đồng. Bà cũng không có lợi ích liên quan đến công ty. Cùng với bà Hoa, ông ông Nguyễn Văn Thủy, Kế toán trưởng cũng trong tình trạng "Không có lợi ích".
Trong khi đó, các Phó Giám đốc Trần Bá Mai Anh Vũ và Phạm Mạnh Hùng kiêm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị. Vị trí này mang về cho hai ông Vũ và Hùng thù lao 3 triệu đồng/tháng, tương đương 36 triệu đồng/năm.
3 triệu đồng/người/tháng cũng là số tiền mà các Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị khác của ABS như ông Đinh Quang Sáng, ông Mai Quốc Hưng nhận được trong năm 2019.
Ông Trần Văn Mười, Chủ tịch Hội đồng quản trị ABS có thù lao cao nhất, đạt 20 triệu đồng/tháng, tương đương 240 triệu đồng/năm. Đứng sau là Trưởng ban Kiểm soát Trương Thùy Linh (15 triệu đồng/tháng). Các thành viên Ban Kiểm soát còn lại nhận 2 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, thu nhập bình quân của người lao động công ty trong 9 tháng đầu năm 2019 là 10,07 triệu đồng/người/tháng, tăng mạnh so với các năm trước đây. Trong năm 2016, 2017 và 2018, người lao động ABS lần lượt được trả 7,47 triệu đồng/người/tháng, 8,22 triệu đồng/người/tháng và 8,48 triệu đồng/người/tháng.
Chờ… chuỗi ngày giảm sàn?
Với các chỉ tiêu kinh doanh không có gì ấn tượng, việc ABS có chuỗi phiên tăng trần liên tiếp khiến nhà đầu tư chú ý. Gần đây, nhiều cổ phiếu cũng đua nhau bứt phá như ABS. Hai đại diện tiêu biểu nhất là QCG của Công ty cổ phần Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai và AMD của Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone.
Sau khi có thông tin sáp nhập vào GAB, AMD bứt tốc với chuỗi 14 phiên tăng trần liên tiếp. Sau chuỗi ấn tượng đó, AMD tăng 3.000 đồng/CP, tương đương 136% lên 5.200 đồng/CP. Nhờ đó, vốn hóa thị trường ADM có thêm 491 tỷ đồng.
Thế nhưng, từ ngày 19/3, AMD cắm đầu đi xuống. Đến ngày 30/3, AMD đánh dấu chuỗi 8 phiên giảm sàn liên tiếp. Sang tới ngày 31/3, AMD đang hướng tới phiên thứ 9 khi giảm thêm 200 đồng/CP xuống 2.740 đồng/CP. Như vậy, AMD giảm 2.460 đồng/CP, tương đương 49,2%. Vốn hóa thị trường AMD giảm 402 tỷ đồng.
Trong khi đó , QCG có chuỗi 15 phiên tăng trần liên tiếp trước khi ghi nhận chuỗi 9 phiên giảm sàn liên tiếp. Sau 9 phiên, QCG giảm 4.860 đồng/CP, tương đương 47,6% xuống 5.340 đồng/CP. Vốn hóa thị trường Quốc Cường Gia Lai "bốc hơi" 1.469 tỷ đồng.
Những "tấm gương" tăng trần nhưng nội tại bản thân doanh nghiệp không tốt như AMD và QCG cho thấy một tương lai ảm đạm có thể chờ ABS. Có thể là một chuỗi ngày giảm sàn kéo dài.