Cho vay bất động sản: Giới chuyên môn hé lộ không phải tất cả các ngân hàng đều "đóng cửa"

29/04/2022 15:23 GMT+7
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho biết, đối với việc một số ngân hàng dừng cho vay là do một số ngân hàng đã hết hạn mức tín dụng cho vay bất động sản trong quý I.

Ngân hàng đang siết cho vay đầu tư bất động sản?

Tại Hội nghị Góp ý sửa đổi Luật Nhà ở - Luật Kinh doanh bất động sản, để phát triển nhà ở và thị trường bất động sản, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV chia sẻ quan điểm về những thông tin ngân hàng, tín dụng siết cho vay đầu tư vào lĩnh vực bất động sản.

Trước những thông tin về việc các ngân hàng, tổ chức tín dụng đang siết cho vay đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, TS. Cấn Văn Lực cho biết: "Không phải tất cả các ngân hàng đều đóng cửa cho vay bất động sản, hiện nay Ngân hàng Nhà nước không có công văn này".

Vì sao các ngân hàng siết cho vay đầu tư vào lĩnh vực bất động sản? - Ảnh 1.

TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV. Ảnh: CTV

Theo TS. Cấn Văn Lực, đối với việc một số ngân hàng dừng cho vay là do một số ngân hàng đã hết hạn mức tín dụng cho vay bất động sản trong quý I.

Bên cạnh đó, do một số chủ đầu tư có sai phạm và đang bị điều tra, xử lý cho nên ngân hàng phải khoanh lại các đối tượng cho vay. Còn việc cho vay mua nhà, sửa nhà vẫn rất tích cực. Các doanh nghiệp phải sáng tạo hơn huy động các nguồn vốn khác chứ không chỉ dựa vào nguồn vốn ngân hàng.

TS. Cấn Văn Lực cho hay: "Việc cho vay nhà ở xã hội nông thôn, tôi đồng ý với việc người dân ở nông thôn không ai thuê nhà ở xã hội làm gì?. Nếu có là do một số chủ đầu tư có dự án cho công nhân tại khu vực nông thôn thuê. Việc cho đối tượng này vay để mua, thuê nhà ở xã hội là trách nhiệm chủ đầu tư, của địa phương.

"Chúng ta hiểu về nhà ở xã hội chưa chuẩn. Nhà ở xã hội không phải là nhà từ thiện, cho không vì nếu thế thì không ai ở được, do đó mức phí chi trả nhà ở xã hội như vậy là đã thấp hơn nhà ở thương mại rồi",  TS. Cấn Văn Lực cho hay.

Về những quy định cần sửa luật, TS. Cấn Văn Lực chia sẻ, Luật Kinh doanh bất động sản, nên chờ sửa Luật Đất đai. Trong lúc chờ nên có các nghị định tháo gỡ những vướng mắc hiện nay. Về các vấn đề vướng mắc liên quan đến condotel, officetel, cũng nên có nghị định sửa đổi.

Đố với đầu cơ thì có 2 mục đích, thông thường nếu nâng giá bất chấp pháp luật là xấu, tuy nhiên cũng có những đầu cơ giúp cơ quan nhà nước cảnh giác, điều chỉnh lại.

Hiện nay, cực kỳ khó để phân biệt đầu tư và đầu cơ, tuy nhiên không phải mọi đầu cơ là xấu. Và không bao giờ triệt tiêu được việc đầu cơ mà chỉ có thể giảm thiểu đầu cơ liên quan đến thuế, phí. Còn vấn đề bất động sản có bán qua sàn hay không cũng đang rất tranh cãi. "Đây là vấn đề tôi nghĩ cần phải bàn kỹ hơn để có những kiến nghị phù hợp và chính xác", TS. Cấn Văn Lực để nghị.

Vì sao các ngân hàng siết cho vay đầu tư vào lĩnh vực bất động sản? - Ảnh 2.

Dự án của Tân Hoàng Minh. Ảnh: Minh Khôi

Vì sao phải sửa Luật Nhà ở, kinh doanh bất động sản

Trong khi đó, Luật sư Trương Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng: Việc sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản nhằm phát triển thị trường bất động sản".

Đồng thời, để đáp ứng các yêu cầu Quyết định số 2161/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tôi nhận thấy có một số vấn đề phải bàn.

Theo Luật sư Trương Anh Tuấn, GDP của Việt Nam thấp nhưng giá đất lại thuộc top đắt hàng đầu thế giới. Thị trường bất động sản của chúng ta đang không đi theo quy luật cung - cầu. Cầu cao, cung ít, giá tăng cao, nên vấn đề then chốt nhất là tăng nguồn cung của thị trường bất động sản. Do đó, tôi kiến nghị cần phải có giải pháp để gia tăng nguồn cung trên thị trường.

Ngoài ra, thị trường bất động sản nóng lên bởi yếu tố đầu cơ. Làm thế nào để giải quyết vấn đề này? Tôi kiến nghị Luật Kinh doanh bất động sản phải ngăn chặn vấn đề đầu cơ bằng việc đánh mạnh vào vấn đề tài chính như thuế, phí và biện pháp kỹ thuật.

Vấn đề then chốt nhất để đạt mục tiêu tại Quyết định số 2161 là tăng nguồn cung và giảm đầu cơ.

Luật sư Trương Anh Tuấn cho rằng, một vấn đề nữa đặt ra là phát triển bất động sản theo hướng nào? Nhà ở là nhu cầu then chốt của con người nhưng còn nhiều nhu cầu khác chưa giải quyết được như sự đồng bộ của các công trình, chưa thành tổng thể; từ đó gây áp lực lên giao thông đô thị.

Do đó, cần phát triển những công trình phụ trợ liên quan đến nhà, đặc biệt là giao thông. Hiện giao thông của chúng ta chưa giải quyết được vấn đề nội tại nên thời gian tới, cần phải thể chế hóa thành các quy định cụ thể.

Thế Anh
Cùng chuyên mục