Cho vay ngang hàng: Loại trừ “biến tướng” bằng cách nào?

03/07/2020 10:20 GMT+7
Ở Việt Nam có nhiều mô hình cho vay ngang hàng (P2P lending) đang hoạt động, có mô hình hoạt động đúng nghĩa, song cũng có những mô hình biến tướng. TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, cần sớm có hành lang pháp lý áp dụng để bảo vệ cả người đi vay lẫn đảm bảo các doanh nghiệp P2P hoạt động đúng hướng.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất triển khai giải pháp thử nghiệm cho vay ngang hàng (P2P Lending) để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn vay.

Hiểu một cách đơn giản, cho vay ngang hàng (P2P Lending) cho phép các cá nhân có thể vay tiền trực tiếp từ các cá nhân khác dựa trên nền tảng cho vay trực tuyến mà không cần phải có vai trò của các trung gian tài chính như ngân hàng.

Các công ty cung cấp dịch vụ cho vay ngang hàng dựa trên nền tảng cho vay trực tuyến ở đây có thể là website hoặc app online cho phép kết nối người có tiền với người có nhu cầu vay tiền phù hợp ở bất kỳ nơi đâu, giúp cho việc vay vốn trở nên dễ dàng hơn.

"Bật đèn xanh" cho vay ngang hàng

Thực tế, trên thế giới cho vay ngang hàng khá phát triển và đang cạnh tranh trực tiếp với các ngân hàng thương mại. Còn tại Việt Nam, hoạt động cho vay này thời gian qua cũng đã phát triển khá, có điều hoạt động này chưa được cơ quan quản lý chấp nhận, nên nó còn ẩn chứa khá nhiều rủi cho người có nhu cầu vay vốn.

Tuy nhiên, hiện NHNN đang lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Nghị định về Cơ chế thử nghiệm Fintech trong hoạt động ngân hàng, trong đó có hoạt động cho vay ngang hàng. Đó là một tín hiệu tích cực cho những người có xu hướng lựa chọn hình thức vay vốn này.

Bởi thực chất, hoạt động vay vốn này khá tiện lợi, phù hợp với nhiều người không có tài sản đảm bảo để vay vốn tại ngân hàng, hoặc không có đủ điều kiện chứng minh thu nhập, công việc ổn định để vay vốn tại công ty tài chính. Với họ, việc tiếp cận vay vốn theo hình thức này là một giải pháp tài chính hiệu quả, nay lại được sự bảo vệ của NHNN thì họ sẽ không phải chịu những rủi ro tài chính như lãi suất vay cao, đòi nợ, siết nợ, hăm dọa…

Theo Dự thảo Nghị định về Cơ chế thử nghiệm Fintech trong hoạt động ngân hàng, các doanh nghiệp sẽ đăng ký tham gia Cơ chế thử nghiệm. NHNN sẽ tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia của doanh nghiệp và xét duyệt dựa trên bộ tiêu chí riêng. Chỉ những doanh nghiệp thỏa mãn các điều kiện như có giải pháp sáng tạo, có khả năng quản lý rủi ro tốt... mới được cấp phép chạy thí điểm.

NHNN đã nêu rõ quan điểm, những doanh nghiệp trong quá trình chạy thí điểm cho vay ngang hàng nếu không làm tốt sẽ phải gia hạn thử nghiệm hoặc thậm chí là dừng thử nghiệm, không được cấp phép hoạt động chính thức.

Đánh giá chung về cơ chế hoạt động thử nghiệm tại bản dự thảo, các chuyên gia đều thừa nhận, những quy định đưa ra khá đầy đủ và cần thiết trong bối cảnh các hoạt động cho vay ngang hàng, vay qua App thời gian qua biến tướng với đủ chiêu trò, gây bất ổn cho xã hội.

Tuy nhiên, liên quan đến thời gian thử nghiệm như dự thảo đưa ra là kéo dài khoảng 1-2 năm, theo quan điểm TS. Nguyễn Trí Hiếu chỉ nên dừng lại ở mức 1 năm là đủ chứ không nên kéo dài thêm. Bởi sau 1 năm thử nghiệm, NHNN có thể đánh giá được mặt nào được, mặt nào chưa được. Từ đó rút kinh nghiệm để đưa ra quy định pháp luật chính thức để quản lý hoạt động cho vay ngang hàng và các hoạt động của Fintech khác. Việc kéo dài thêm thời gian thử nghiệm càng lâu càng khiến cho hình thức cho vay trá hình, lừa đảo… có cơ hội gây thiệt hại nặng nề hơn cho người dân.

Ngoài ra, NHNN có thể bổ sung thêm quy định cho phép các công ty tham gia hoạt động cho vay ngang hàng được truy cập thông tin tín dụng từ cổng thông tin kết nối khách hàng vay của Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC). Khi được truy vấn thông tin khách hàng trên hệ thống này, các công ty hoạt động trong lĩnh vực cho vay ngang hàng sẽ biết người vay có bị nợ xấu hay không để cho vay với mức phù hợp.

Cần khung pháp lý để loại trừ biến tướng?

Xét về cơ chế hoạt động, P2P Lending hấp dẫn nhiều nhà đầu tư nhờ đặc tính dễ dàng, chỉ yêu cầu số vốn tối thiểu thông thường từ 10 triệu đồng, lãi suất linh hoạt tuỳ kỳ hạn và có thể lên đến 15-20%/năm.

Tuy nhiên, hiện nay xuất hiện một số người đã lợi dụng mô hình P2P Lending để thực hiện hành vi bất hợp pháp như hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi, cho vay cầm đồ biến tướng, hoạt động tài chính đa cấp…

Thậm chí trong một số trường hợp, công ty P2P Lending và công ty làm dịch vụ cầm cố có dấu hiệu vi phạm Điều 8 Luật Các TCTD 2010 khi thực hiện hoạt động ngân hàng dưới hình thức huy động vốn và cấp tín dụng trái với các quy định của pháp luật.

Cho vay ngang hàng: Loại trừ “biến tướng” bằng cách nào? - Ảnh 2.

Hiện nay xuất hiện một số người đã lợi dụng mô hình P2P Lending để thực hiện hành vi bất hợp pháp như hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi, cho vay cầm đồ biến tướng, hoạt động tài chính đa cấp…

Chẳng hạn như gần đây, Công an TP HCM đã tiến hành điều tra đường dây cho vay nặng lãi, "tín dụng đen" và đòi nợ thuê liên quan đến Công ty TNHH Cashwagon và Công ty THHH Lendtech.

Theo điều tra, Công ty TNHH Cashwagon tiếp nhận, thẩm định hồ sơ vay qua trang web www.cashwagon.vn hoặc ứng dụng Cashwagon trên các ứng dụng của điện thoại di động và chấp thuận cho khách hàng vay với các khoản tiền từ 500.000 đến 10 triệu đồng, nhưng lại đưa ra lãi suất cao cùng hành vi "khủng bố" khi khách hàng chưa trả nợ đúng hạn.

Theo NHNN, các cơ quan quản lý đang gặp phải nhiều thách thức mới trong công tác quản lý do chưa có quy định pháp lý cụ thể, rủi ro phát sinh chưa được kiểm soát đầy đủ.

Vì vậy, cần sớm có một khuôn khổ cơ chế thử nghiệm có kiểm soát cho hoạt động Fintech, P2P Lending, các mô hình thanh toán mới, chuyển tiền xuyên biên giới… nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hạn chế cạnh tranh không lành mạnh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật.

Về vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, do hạ tầng công nghệ còn yếu, hoạt động lừa đảo, gian lẫn vẫn hoành hành chưa kiểm soát triệt để nên chúng ta không thể "vội vã". Do đó, phương án thí điểm cho vay ngang hàng với dự kiến đưa loại hình kinh doanh này vào nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện cần sớm được ban hành.

Không chỉ cấp phép, cơ quan quản lý còn giám sát kiểm tra như thực hiện đối với các TCTD. Còn nếu phát hiện đối tượng cá nhân, công ty nào tham gia P2P không có giấy phép, hoạt động trá hình phải được xử lý rất nghiêm, có thể hình sự hóa truy tố nếu phạm luật ở mức độ cao...

Bên cạnh đó, người vay lẫn người cho vay ở hoạt động theo mô hình này dù hiện tại hay tương lai vẫn nên có những tính toán cẩn trọng và tỉnh táo ở mọi giao dịch. Từ đó có thể giảm thiểu được rủi ro tài chính cũng như giúp cho thị trường tài chính có thêm một dịch vụ tài chính minh bạch và tiện ích.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục