Chổi đót 20 USD, giỏ mây 3,5 triệu: Nông dân ngồi nhà thu tiền bên Mỹ
Vào cuộc chơi 3.300 tỉ USD
Trong bối cảnh Covid-19, các kênh bán hàng trực tuyến như Amazon đóng vai trò ngày càng quan trọng. Từ đầu năm đến nay, nhiều mặt hàng của Việt Nam tạo tiếng vang trên Amazon như nước mắm, cà phê hay ay các mặt hàng bún, phở, bánh tráng khô.
Nhiều mặt hàng xuất xứ Việt Nam đang được bán trên Amazon với giá cao gấp 10-15 lần giá bán ở trong nước. Trên trang web Amazon Mỹ, mỗi chiếc chổi đót giá khoảng 460.000 đồng (20 USD), gáo dừa có giá gần 180.000 đồng (8 USD). Trên Amazon UK, giá mỗi chiếc giỏ mây giá 3,5 triệu đồng, mỗi chiếc lược sừng hay hộp bút bằng vải có giá gần 400.000 đồng...
Theo chia sẻ của đại diện Amazon tại Việt Nam, chuyện chổi đót, đèn lồng Việt Nam,... ra thế giới giờ đây không còn khó nữa. Doanh nghiệp có thể ngồi nhà nhưng vẫn tiếp cận được 300 triệu khách hàng của Amazon trên toàn thế giới. Chỉ cần chuyển hàng vào kho của Amazon, việc còn lại của doanh nghiệp đơn giản là đăng sản phẩm, quản lý đơn hàng, không cần lo vận chuyển, chăm sóc khách hàng.
Hiện “gã khổng lồ” về thương mại điện tử này có hệ thống hạ tầng giao vận lớn nhất toàn cầu với 175 trung tâm hoàn thiện đơn hàng trên toàn thế giới, 100.000 robot và 40 máy bay tham gia giao hàng.
Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho hay, nhiều làng nghề sau khi làm ra sản phẩm lại phải cất vào kho. Thương mại điện tử chính là kênh giúp cho các doanh nghiệp giải quyết đầu ra, vượt qua khó khăn.
Ông Trần Xuân Thủy, Giám đốc Amazon Global Selling Việt Nam, nhận định: “Quy mô thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ vượt quá 3.300 tỷ USD trong 2 năm tới, tạo xu hướng mới trong tiêu dùng và kinh doanh toàn cầu. Chúng ta có thể ngồi tại Việt Nam kinh doanh tại Mỹ và châu Âu thông qua nền tảng điện tử của Amazon”.
Ông Đào Trần Nhân, nguyên Tham tán công sứ thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, khuyến nghị thương chiến Mỹ - Trung và Covid-19 là cơ hội cho doanh nghiệp Việt chen chân vào thị trường Mỹ. Do phải chuyển thị trường sang Việt Nam và Đông Nam Á, bản thân người đi mua hàng của Mỹ cũng bị áp lực tìm nguồn hàng nên họ sẽ nhượng bộ nhất định cho hàng Việt Nam.
Mỹ là một thị trường lớn với hơn 328 triệu dân và thu nhập bình quân đầu người 65.760 USD/người/năm - cao hàng đầu thế giới, cùng với văn hóa tiêu dùng, tạo nên một thị trường với sức mua lớn nhất thế giới. Do đó, thị trường này còn rất nhiều dư địa cho doanh nghiệp Việt Nam khai thác.
Chọn giá rẻ và thiết yếu
Tại hội thảo, gần 300 doanh nghiệp đã kết nối và đang có nhu cầu kết nối, xuất khẩu hàng hóa vào kênh bán lẻ trực tuyến của Amazon. Con số này chứng tỏ nhu cầu xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam thông qua kênh thương mại điện tử là rất lớn và rất cần thiết.
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), đánh giá, Amazon đang trở thành công ty thương mại điện tử hàng đầu trên thế giới, là cơ hội để các doanh nghiệp Việt nhanh chóng đặt hàng cũng như tiếp cận khách hàng ở những khối thị trường lớn, khó tính như Bắc Mỹ, Nhật Bản, EU,... Do đó, doanh nghiệp muốn đẩy mạnh bán hàng trên Amazon thì việc hiểu rõ sàn thương mại điện tử này là một yêu cầu cấp thiết.
Đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp khi muốn bán hàng trên đất Mỹ, ông Đào Trần Nhân cho rằng, doanh nghiệp cần tập trung vào mặt hàng thiết yếu và giá rẻ, phân khúc cao cấp rất khó bán. Doanh nghiệp Việt cần có quyết tâm cao, ngày càng chuyên nghiệp và minh bạch hơn trong xuất khẩu. “Chúng ta phải coi khi chinh phục được thị trường Mỹ thì ta tự làm cho mình giỏi hơn, mạnh hơn”, ông nói.
Ông Trần Xuân Thủy - Giám đốc Amazon tại Việt Nam, lưu ý, còn rất nhiều việc mà các doanh nghiệp phải tìm hiểu, áp dụng để có thể xuất khẩu thành công bởi kiến thức kinh doanh trên kênh thương mại điện tử tương đối khác so với kênh truyền thống. Theo đó, phải xây dựng kế hoạch kinh doanh đầy đủ, sản phẩm phải được sự chấp nhận của người tiêu dùng.
Dưới góc độ là doanh nghiệp trực tiếp đầu tư phát triển lâu năm tại thị trường Mỹ, ông Đỗ Quang Vinh, Tổng giám đốc T&T Mỹ (chi nhánh của Tập đoàn T&T Group tại Mỹ), khuyên doanh nghiệp có thể lựa chọn sản phẩm, đưa ra chiến lược phù hợp nhất khi tham gia vào sân chơi xuất khẩu trên nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới.
“Hiện khi gặp sự cố tại Việt Nam, các DN đã nhận được sự giúp đỡ của nhiều cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, khi hàng đã sang tới Mỹ, chỉ có những đơn vị có công ty, chi nhánh tại Mỹ mới có thể hỗ trợ được”, ông Vinh chia sẻ.
Đồng hành cùng doanh nghiệp, ông Vũ Tuấn Anh - GĐ Khối Khách hàng DN Ngân hàng SHB, cam kết ngân hàng sẽ hỗ trợ gói tín dụng 3.000 tỷ cho khách hàng vay vốn để bán hàng trên Amazon. Việc đào tạo và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong hoạt động xuất khẩu trên nền tảng thương mại điện tử là hành động bước đầu trong lộ trình hợp tác với Amazon.
Có thể nói, miếng bánh 3.300 tỷ USD đang còn nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt. Tận dụng cơ hội từ các ông lớn là sự khởi đầu quan trọng thực hóa giấc mơ xuất khẩu ra thế giới của doanh nghiệp Việt.
Tại hội thảo, Cục thương mại điện tử và kinh tế số cùng với T&T Hoa Kỳ và SHB sẽ phối hợp với Amazon và dự kiến sẽ đào tạo miễn phí cho tối thiểu 1.000 doanh nghiệp về các kỹ năng bán hàng trên Amazon và kỹ năng Marketing số. Bộ Công thương hỗ trợ 1.000 Landing Page (sử dụng 1 năm) cho doanh nghiệp tham gia xuất khẩu qua nền tảng TMĐT của Amazon. Ngân hàng SHB hỗ trợ gói tín dụng 3.000 tỷ cho khách hàng vay vốn để bán hàng trên Amazon. Trong khi đó, T&T Hoa Kỳ cung cấp gói tư vấn miễn phí cho doanh nghiệp để giải quyết sự cố khi đang lưu kho theo hình thức FBA của Amazon từ ngày 1/1/2021 đến 31/3/2021. Đồng thời, tư vấn miễn phí về nghiên cứu thị trường trong năm đầu tiên; hỗ trợ miễn phí kết nối với các cơ quan chính phủ và phi chính phủ, nhà cung cấp, luật sư quốc tế, vận chuyển, môi giới hải quan và giảm 50% phí tư vấn thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện tại Mỹ trong năm 2021. |