Chống bán phá giá thép Trung Quốc: Thái Lan muốn mở rộng điều tra, doanh nghiệp Việt Nam phản ứng trái chiều
Đồng thời, Bộ Ngoại thương Thái Lan (DFT) cho biết, cơ quan này có thể kết thúc cuộc điều tra vào tháng 6, sau khi nhận được đơn đề nghị điều tra vào năm ngoái từ Sahaviriya Steel, G Steel và GJ Steel, những nhà sản xuất thép cuộn cán nóng lớn nhất Thái Lan.
Trước đó, DFT cho hay, đơn vị này cũng đã nhận được đơn kiến nghị từ một số công ty sản xuất thép cuộn nóng lớn nhất cả nước, trong bối cảnh các doanh nghiệp của xứ sở chùa vàng lao đao vì không bán được hàng.
Các nguyên đơn yêu cầu DFT điều tra trường hợp 17 nhà sản xuất thép Trung Quốc được cho là đã trốn thuế chống bán phá giá, sau khi thay đổi các thành phần trong sản phẩm thép của họ. Theo DFT, chính quyền Thái Lan đã tìm thấy bằng chứng về việc thay đổi này và bán phá giá của các nhà sản xuất thép Trung Quốc.
Các nước Đông Nam Á là điểm đến xuất khẩu thép hàng đầu của Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với nguồn cung dư thừa khi các lĩnh vực bất động sản, cơ sở hạ tầng và sản xuất của Trung Quốc trì trệ.
Bên cạnh đó, lượng thép thô của Trung Quốc năm ngoái vẫn ở mức tương đương năm 2022, dù mức tiêu thụ giảm 3,5% so với năm trước. Xuất khẩu tăng 39%.
Còn tại Thái Lan, nhập khẩu thép đang tăng mạnh, lên 63% tổng nguồn cung vào năm 2023, tăng từ mức 58% tại năm 2014. Trong cùng thời gian đó, sản xuất trong nước giảm từ 42% xuống 37% tổng nguồn cung. Thái Lan đã sử dụng tổng cộng 16 triệu tấn thép vào năm 2023. Nước này chỉ sản xuất được 30% công suất, thấp hơn mức trung bình 58% của Đông Nam Á hoặc mức trung bình toàn cầu là 77%.
Doanh nghiệp Việt phản ứng thế nào?
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho biết, 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam nhập khẩu gần 5,4 triệu tấn sắt thép các loại, tương ứng trị giá gần 3,9 tỷ USD, tăng 42,5% về lượng và 23% về giá so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, Việt Nam còn chi gần 1,9 tỷ USD nhập khẩu các sản phẩm từ sắt thép, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Tổng cộng, 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam chi gần 5,8 tỷ USD nhập khẩu sắt thép các loại.
Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu sắt thép của Việt Nam ở mức 4,3 triệu tấn, tương ứng trị giá 3,2 tỷ USD. Như vậy, Việt Nam đã nhập siêu khoảng 2,6 tỷ USD sắt thép trong 4 tháng đầu năm nay.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, Trung Quốc đứng đầu về thị trường cung cấp sắt thép cho Việt Nam. Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm 2024, lượng thép nhập khẩu về Việt Nam là 3,67 triệu tấn (chiếm 68% tổng lượng), tương ứng trị giá 2,35 tỷ USD.
Đáng chú ý, nhập khẩu thép vào Việt Nam tăng mạnh từ năm 2023 đến nay. Dữ liệu cho thấy, năm 2023, nhập khẩu thép thành phẩm các loại về Việt Nam khoảng 13,33 triệu tấn, trị giá hơn 10,4 tỷ USD, tăng 14,07% về lượng nhưng giảm 12,55% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Từ quý I/2023 đến nay, giá HRC của Trung Quốc đã giảm từ 618 USD/tấn xuống còn khoảng 520 - 560USD/tấn tùy loại.
Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, trước câu hỏi cổ đông về việc đề xuất điều tra chống bán giá thép cán nóng, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long cho biết, không thể chấp nhận được việc sản xuất trong nước có 6,7 triệu HRC mà nhập khẩu lên tới 9,6 triệu tấn HRC trong năm 2023.
"Không một nước nào trên thế giới này chấp nhận lượng thép nhập khẩu lại lớn hơn sản xuất trong nước. 30 năm trước Việt Nam chỉ sản xuất có 300.000 tấn thép và chưa có tên trên bản đồ thép thế giới thì nay đã tự hào khi đã có tên trên bản đồ, đặc biệt là sản xuất được thép chế tạo, thép cao cấp. Hiện, Việt Nam cũng là nước sản xuất thép lớn nhất ASEAN với trên 20 triệu tấn", ông Long chia sẻ.
Báo cáo của Hiệp hội thép Việt Nam tháng 12/2023 cho thấy, sản lượng thép cán nóng Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh bán nội địa trong năm 2023 chỉ đạt 3,4 triệu tấn, được phân bổ cho các công ty sản xuất tôn mạ và ống thép. Như vậy, cung trong nước chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu. Hiện nay, các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép phải nhập khẩu HRC từ các quốc gia khác nhau để đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng.
Phía Hoa Sen Group cho rằng: "Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh bán HRC cho các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam với giá cao hơn giá chúng tôi nhập khẩu HRC, từ 10 – 20 USD/tấn, cao điểm có thể chênh lệch tới 40 – 50 USD/tấn, nhưng giá bán dù cao như vậy, Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh luôn trong tình trạng không đủ hàng để bán".
Thống kê các dữ liệu liên quan, theo tính toán của Hoa Sen Group, biên độ phá giá chỉ 1,26% và đơn vị này cho rằng sản phẩm HRC từ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam đang không bán phá giá.
Chính vì vậy, Tôn Hoa Sen cho rằng, vì cung HRC trong nước hiện chỉ đáp ứng được 30% so với nhu cầu HRC tại Việt Nam nên không có chuyện thừa cung trong nước. Do đó các doanh nghiệp tôn mạ vẫn phải mua nhập khẩu, và hiện tại các doanh nghiệp sản xuất HRC tại Việt Nam không đối mặt với sự thiệt hại nào từ các nhà sản xuất thép Trung Quốc và đề xuất không áp dụng biện pháp chống bán phá giá.