Chủ đầu tư dự án lấn biển Vũng Tàu có hàng loạt sai phạm
Chiều 24/10, tại cuộc họp của Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu về dự án Cụm dịch vụ ga cáp treo và thủy cung Hòn Ngưu, ông Nguyễn Tấn Cường, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết hạng mục thủy cung là dự án thành phần của Khu du lịch núi Lớn - núi Nhỏ được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phê duyệt năm 1999.
Bốn năm sau, chủ đầu tư được chuyển từ Công ty xây dựng và phát triển đô thị sang Công ty cổ phần cáp treo Vũng Tàu. Tổng thể dự án rộng hơn 96 ha ở khu Hòn Ngưu, khu núi Lớn - núi Nhỏ, với 10 dự án thành phần xây dựng khu du lịch, văn hóa, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng trong thời gian 2004 - 2015.
Năm ngoái, Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong kết luận thanh tra các dự án được giao thuê đất ven biển Bà Rịa - Vũng Tàu, xác định khu du lịch dịch vụ núi Lớn - núi Nhỏ nhiều hạng mục thành phần trong đó có thủy cung chậm tiến độ, vi phạm luật đất đai. Sở Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu điều chỉnh dự án nhưng công ty này không thực hiện.
Ông Mai Trung Hưng, Phó giám đốc Sở Xây dựng Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết rất nhiều công trình Công ty cổ phần cáp treo Vũng Tàu xây dựng không phép. "Họ san lấp 2 khu đất xây dựng biệt thự trên núi Lớn chưa có giấy phép. Hiện nay rất nóng cái này", ông Hưng nói.
Theo ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, chủ đầu tư dự án lấn chiếm 1.847 m2 ở khu Bạch Dinh phía biển. "Kết luận thanh tra năm 2013 của UBND tỉnh cũng đã khẳng định công ty lấn chiếm, san lấp và xây dựng trái phép diện tích như trên", ông Linh nói.
Tuy nhiên, UBND tỉnh khi phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết dự án cụm dịch vụ ga cáp treo và thủy cung Hòn Ngưu vào năm 2018 cộng thêm phần đất chủ đầu tư lấn chiếm khiến diện tích tăng từ hơn 67.000 m2 lên hơn 69.200 m2, không đúng theo luật đất đai.
Ông Trần Song Hải, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết đánh giá tác động môi trường của dự án trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch và dự án đã hình thành. Dư luận cho rằng dự án gây điều chỉnh dòng chảy, môi trường ở Bãi Trước. Tuy nhiên, đơn vị đánh giá độc lập do chủ đầu tư thuê kết luận không ảnh hưởng dòng chảy đường bờ.
"Tôi sống ở Vũng Tàu từ sau 1975, Hòn Ngưu với bao nhiêu người dân rất thân thiết. Khi có tác động, thay đổi cảm giác bị một cái gì đó", ông Hải nói và nhận định, việc lấn biển ở Hòn Ngưu sẽ mất vùng bờ và có thể ảnh hưởng, tác động lâu dài. Ông Hải đề xuất nên xem xét lại việc đổ đất, đá lấn biển xây thủy cung, nên giữ bờ đá hiện hữu.
Nhiều ý kiến tại cuộc họp đề nghị cần thanh tra toàn diện dự án, trong đó cần làm rõ hồ sơ pháp lý về đất đai. Họ cũng dẫn ý kiến của dư luận nghi ngờ năng lực tài chính của nhà đầu tư. Theo báo cáo của Chi cục thuế tỉnh này, Công ty cáp treo Vũng Tàu đang nợ tiền thuê đất hơn 18 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị cho Công ty cổ phần cáp treo Vũng Tàu làm thủy cung nhưng không xây tổ hợp khách sạn 22 tầng. Còn những dự án khác không làm nữa. "Văn bản tạm dừng dự án của UBND tỉnh có hiệu lực đến khi chủ đầu tư khắc phục các sai phạm về đất đai, xây dựng; các tồn đọng đã được thanh tra, kiểm tra kết luận", ông Lĩnh nói.
Ông Lĩnh đồng thời yêu cầu kiểm tra lại đánh giá tác động môi trường về dòng chảy đã được làm chuẩn mực hay không và đề nghị chủ đầu tư chứng minh năng lực, cam kết tiến độ đối với dự án. "Chậm nhất đầu năm sau, hoặc hai tháng nữa, báo cáo thường vụ Tỉnh ủy nghe, có niềm tin, đủ cơ sở, thuyết phục sẽ đồng ý để chủ đầu tư tiếp tục xây dựng", ông Lĩnh nói.
Dự án cụm dịch vụ ga cáp treo và thủy cung Hòn Ngưu khi hoàn thành sẽ phục vụ 3.000 - 5.000 người mỗi ngày. Trong đó, để xây dựng thủy cung, chủ đầu tư san lấp từ bờ đường Trần Phú ra biển khoảng 200 m, với diện tích lấn biển khoảng 3 ha. Dự án có tổng mức đầu tư 50 triệu USD (hơn 1.100 tỷ đồng), dự kiến hoàn thành vào năm 2023.