Chủ tịch Huawei: Danh sách đen của Mỹ có tác động rất hạn chế tới Huawei
“Huawei có thể cung cấp sản phẩm tới tay khách hàng mà không cần phụ thuộc vào linh kiện điện tử và con chíp từ Mỹ” - Chủ tịch cấp cao của Huawei cho hay tại Hội nghị East Tech West diễn ra ở quận Nam Sa, tỉnh Quảng Châu Trung Quốc hôm 18/11.
Trước đó, tờ Reuters đưa tin chính quyền Donald Trump sắp cấp giấy phép xuất khẩu cho phép các doanh nghiệp Mỹ tiếp tục làm ăn, buôn bán linh kiện điện tử và công nghệ cho Huawei. Đây được xem là một phần nỗ lực dỡ bỏ hạn chế cấm vận với Huawei để thúc đẩy thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, trái với kỳ vọng của Nhà Trắng, phía Huawei tỏ ra khá thờ ơ với nới lỏng này. “Việc dỡ bỏ hạn chế cấm vận thực chất có rất ít tác động thực sự với Huawei, hay nói cách khác những tác động này là hạn chế” - ông Liang Hua nhấn mạnh.
Vị giám đốc cấp cao nhận định lệnh dỡ bỏ cấm vận thực chất mang lại lợi ích nhiều hơn cho các doanh nghiệp Mỹ, bởi những doanh nghiệp này sẽ phải gánh thiệt hại nặng nề nếu bị cấm xuất khẩu cho Huawei. “Huawei hiện có khả năng đảm bảo việc sản xuất tất cả các dòng sản phẩm chính bao gồm cả trạm thu phát sóng 5G để cung cấp tới tay khách hàng mà không phụ thuộc vào chuỗi cung ứng từ Mỹ”.
Huawei hiện là nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, một trong những gã khổng lồ tiên phong trong lĩnh vực phát triển thế hệ mạng di động 5G - mạng viễn thông có ý nghĩa quan trọng trong việc cung cấp tốc độ truy cập dữ liệu nhanh gấp 100 lần mạng 4G và hỗ trợ các ứng dụng công nghệ trên nền tảng trí tuệ nhân tạo. Huawei được coi là một trong những trung tâm của tham vọng thống trị công nghệ 5G, vươn lên thành siêu cường công nghệ của Bắc Kinh.
Hồi tháng 5/2019, trong bối cảnh đàm phán Mỹ Trung đổ bể, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa Huawei và hàng trăm chi nhánh của nó vào danh sách đen với cáo buộc nguy cơ rủi ro an ninh quốc gia. Là một phần của danh sách đen, gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc đã phải chịu những cấm vận ngặt nghèo của Chính phủ Mỹ, trong đó buộc các doanh nghiệp Mỹ ngừng xuất khẩu linh kiện và công nghệ cho công ty này. Washington sau đó đã làm dịu lập trường cứng rắn của mình bằng cách tạm gia hạn giấy phép xuất khẩu cho một số doanh nghiệp Mỹ tiếp tục xuất khẩu các linh kiện không gây rủi ro an ninh quốc gia cho Huawei.
Chưa dừng lại ở đó, Nhà Trắng liên tiếp kêu gọi các đồng minh loại Huawei khỏi các dự án xây dựng mạng viễn thông 5G, viện dẫn quan ngại rủi ro an ninh quốc gia và gián điệp cho Bắc Kinh. Trước áp lực từ Mỹ, một số quốc gia như New Zealand hay Australia đã cấm cửa Huawei khỏi dự án 5G quốc gia bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh.
Thậm chí ngay cả khi Chính phủ Mỹ có động thái gia hạn giấy phép xuất khẩu cho phép các doanh nghiệp Mỹ bán hàng cho Huawei thì Ủy ban Viễn thông Liên bang FCC vẫn đưa ra cảnh báo đặc biệt về mức độ rủi ro đến từ Huawei và ZTE. Cơ quan này đưa ra dự thảo đề nghị cấm các doanh nghiệp viễn thông Mỹ sử dụng tiền từ Quỹ dịch vụ của FCC để mua thiết bị mạng Huawei và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Tổng chưởng lý William Barr.
Đáng ngạc nhiên là dưới áp lực nặng nề từ Mỹ, Huawei vẫn thành công ký kết hơn 60 hợp đồng phát triển mạng 5G thương mại trên toàn cầu, bỏ xa các đối thủ Nokia và Ericsson. Hồi giữa tháng 10/2019, Huawei cũng công bố báo cáo kinh doanh cho thấy tổng doanh thu đạt tới con số kỷ lục 610,8 tỷ NDT (tức khoảng 86,8 tỷ USD) sau 9 tháng đầu năm bất chấp các cấm vận. Sau gần nửa năm lọt vào danh sách đen, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc vẫn chắc chân ở vị trí nhà mạng viễn thông lớn nhất hành tinh và nhà sản xuất smartphone lớn thứ hai toàn cầu.