CEO Nhậm Chính Phi: "Áp lực từ Mỹ chỉ bằng 1% so với những gì Huawei từng trải qua"
Là CEO kiêm người sáng lập Huawei, Nhậm Chính Phi cũng trở thành cái tên được nhắc đến nhiều hơn trên những kênh truyền thông sau khi Huawei bị Bộ Thương mại Mỹ đưa vào danh sách đen với cáo buộc đe dọa an ninh quốc gia. Trước hàng loạt đòn giáng và lệnh cấm vận từ Mỹ, Nhậm Chính Phi đã đưa Huawei đứng vững trong cuộc khủng hoảng sinh tử khi bị chặn đứng chuỗi cung ứng linh kiện, công nghệ từ các đối tác Mỹ.
Nói về hoàn cảnh khắc nghiệt hiện tại, khi Nhà Trắng không ngừng gây khó dễ cho Huawei, ông Nhậm Chính Phi nhấn mạnh: “Áp lực từ Mỹ chỉ là một phép thử cho sự mạnh mẽ của cá nhân tôi nói riêng và Huawei nói chung”.
“Trong nhiều thập kỷ, tôi đã chiến đấu với những nguy cơ sống còn hơn thế” - vị CEO Huawei chia sẻ. Đã nhiều lần, ông Nhậm Chính Phi chia sẻ về tuổi thơ và thời niên thiếu cơ cực của mình - cũng chính là những năm tháng tôi rèn nên bản lĩnh của vị CEO tập đoàn viễn thông lớn nhất thế giới. Ông sinh năm 1944 trong một gia đình nghèo 7 anh chị em, đồng lương 40 NDT (khoảng 6 USD) của người cha không đủ để nuôi các con no đủ. Trong những năm 1959-1961, khi hơn 30 triệu dân Trung Quốc chết đói, mẹ của ông mỗi bữa chia đều từng bữa ăn trong nhà thành 9 phần. Sau này, những phần cơm chia đều của mẹ đã ảnh hưởng lớn đến triết lý sống của Nhậm Chính Phi.
Những thập niên 60 của thế kỷ 20, khi gia nhập quân đội Trung Hoa, Nhậm Chính Phi từng trải qua những ngày hành quân gian khổ trong thời tiết -20 độ C, ăn mì, lương khô và củ cải sống cầm hơi.
Nhậm Chính Phi thành lập Huawei năm 1987. Sau hơn 30 năm phát triển, Huawei đã đối mặt với nhiều khủng hoảng sinh tử trầm trọng hơn lúc này. Thời điểm năm 2006, khi hàng loạt nhân viên Huawei tự tử vì áp lực công việc, đó mới là thời gian tập đoàn này đối diện với nguy cơ lớn nhất do làn sóng dư luận và truyền thông. So với những khoảnh khắc đối diện sinh tử thời điểm đó, áp lực từ Mỹ hiện tại “chỉ bằng chưa đầy 1%” - vị CEO Huawei chia sẻ.
Tuyên bố của ông Nhậm Chính Phi là hoàn toàn có cơ sở. Sau nửa năm bị Mỹ đưa vào danh sách đen, Huawei vẫn giữ vững vị thế thống trị trên thị trường viễn thông toàn cầu với 60 hợp đồng phát triển mạng di động 5G trên toàn thế giới. Khó tin hơn, tính đến hết quý III/2019, doanh số smartphone Huawei tăng 26%, vượt mốc 185 triệu chiếc, giữ vững ngôi vị nhà sản xuất smartphone lớn thứ hai thế giới sau Samsung. Tựu chung lại trong 9 tháng đầu năm 2019, bất chấp áp lực từ Nhà Trắng, Huawei vẫn thu về 86,1 tỷ USD doanh thu trên tất cả lĩnh vực kinh doanh. Chừng đó là đủ để kết luận đế chế viễn thông của ông Nhậm Chính Phi vẫn “sống khỏe” trong thương chiến.
Các nhà phân tích đã chỉ ra rằng dù bị Mỹ cản đường trên thị trường quốc tế, Huawei đã quay đầu thống trị 42% thị phần thị trường tỷ dân. Lợi dụng làn sóng chủ nghĩa dân tộc lên cao tại Trung Quốc, Huawei đã giành lấy phần lớn thị phần nội địa dưới sự lãnh đạo của CEO Nhậm Chính Phi. Chính sự ủng hộ trong nước đã giúp Huawei đứng vững.
“Tôi chắc chắn Huawei sẽ làm được. Đội ngũ nhân lực tuyệt vời của chúng tôi sẽ giúp Huawei tồn tại. Họ luôn biết cách vượt qua khó khăn” - ông Nhậm Chính Phi nhấn mạnh.