Sumitomo Mitsui Financial Group - gọi tắt là SMFG, một trong ba định chế tài chính hàng đầu Nhật Bản - được biết đến tại Việt Nam với vai trò cổ đông chiến lược của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Gần đây, SMFG cũng gây chú ý lớn với thương vụ mua lại 49% vốn điều lệ FE Credit từ tay VPBank.
Hoạt động tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với quy mô tổng tài sản ước tính 2,11 nghìn tỷ USD, SMFG sở hữu một hệ sinh thái đồ sộ và phức tạp. Nếu SMFG là một trong ba megabank hàng đầu Nhật Bản thì Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) là mảng kinh doanh cốt lõi và chiến lược, được ví như “linh hồn” của SMFG. Bởi vậy, vào tháng 4/2017, quyết định bổ nhiệm ông Makoto Takashima - một người đã dành phần lớn thời gian hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng quốc tế với 11 năm công tác tại Mỹ - vào ghế Chủ tịch kiêm CEO SMBC đã gây chấn động lớn trong giới tài chính Nhật Bản.
Theo thông cáo trước thềm họp Đại hội đồng cổ đông gần nhất của SMBC hồi tháng 6 qua, Chủ tịch SMBC Makoto Takashima hiện đang nắm giữ 56.882 cổ phiếu phổ thông của công ty mẹ SMFG, chỉ sau Chủ tịch HĐQT SMFG Takeshi Kunibe với 81.194 cổ phiếu phổ thông. Ước tính số cổ phiếu mà ông Takashima nắm giữ hiện có giá trị khoảng 395.898,72 USD (theo giá niêm yết trên sàn NYSE tính đến thời điểm chốt phiên giao dịch 2/9 - giờ địa phương).
Là công ty con thuộc sở hữu 100% vốn của SMFG, SMBC hiện có tổng vốn cổ phần 1.770,9 tỷ JPY và tổng tài sản ước tính 1.950 tỷ USD tính đến hết năm tài chính 2020 (kết thúc vào tháng 3/2021). SMBC được thành lập vào tháng 4/2001 thông qua sự hợp nhất của hai ngân hàng hàng đầu Nhật Bản là Sakura Bank và The Sumitomo Bank. Tháng 3/2003, The Wakashio Bank, Ltd được hợp nhất vào SMBC.
Hiện, SMBC có gần 500 chi nhánh trong và ngoài nước với tổng số nhân viên lên tới hơn 28.000 người. Ngân hàng thương mại này cũng có lịch sử gần 20 năm hoạt động tại thị trường Việt Nam trong mảng cung cấp dịch vụ tài chính, cùng với tập đoàn mẹ SMFG hỗ trợ nhiều dự án cơ sở hạ tầng và năng lượng với trị giá khoảng 20 tỷ USD.
Một số biểu đồ thể hiện tình hình SMBC dưới thời ông Makoto Takashima:
Dễ thấy, liên tục trong vài năm trở lại đây, SMFG có xu hướng đẩy mạnh rót vốn vào các thị trường mới nổi châu Á bao gồm Việt Nam, Philippines, Ấn Độ…. Hàng loạt thỏa thuận đầu tư vào các thị trường tiềm năng ở khu vực phản ánh đúng chiến lược tìm kiếm động lực tăng trưởng bên ngoài Nhật Bản mà các nhà quản lý SMFG đang theo đuổi.
Là “thuyền trưởng” của SMBC kể từ tháng 4/2017 đến nay, ông Makoto Takashima đồng quan điểm với Chủ tịch kiêm CEO công ty mẹ SMFG Jun Ohta ở một điểm: tiềm năng tăng trưởng tương lai của tập đoàn này nằm ở thị trường quốc tế. Quan điểm này xuất phát từ một thực tế: để đạt được tăng trưởng trong nước là điều quá khó khăn với các ngân hàng Nhật Bản, bao gồm cả SMBC, trong bối cảnh dân số già và lãi suất âm kéo dài.
Một điều dễ thấy: dưới thời ông Takashima, SMBC liên tục có những thương vụ đầu tư nổi bật, đặc biệt hướng đến khu vực châu Á đúng như chiến lược “thúc đẩy hoạt động kinh doanh tài sản trên cơ sở toàn cầu, đặc biệt nắm bắt tốc độ tăng trưởng của các quốc gia châu Á” mà ông liên tục nhấn mạnh. Gần đây nhất, liên tục trong tháng 5 và tháng 6/2021, SMBC tiến hành và hoàn tất hàng loạt thỏa thuận đầu tư uy tín.
Giữa tháng 5, tức 1 tháng sau thương vụ FE Credit; SMBC tuyên bố rót 400 triệu USD và trở thành nhà đầu tư chính trong vòng huy động vốn trị giá 500 triệu USD của ARA Asset Management - công ty quản lý tài sản thực hàng đầu Châu Á Thái Bình Dương với gần 20 năm lịch sử.
Vào cuối tháng 6, SMBC xác nhận sẽ mua lại 4,99% cổ phần của tập đoàn ngân hàng thương mại Philippines Rizal Commercial Banking Corporation (RCBC), một trong những tập đoàn lâu đời và lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Trong cùng tháng, SMBC ra thông cáo tuyên bố đã hoàn tất thỏa thuận đầu tư vào công ty Contour của Singapore, một nền tảng tài trợ thương mại dựa trên công nghệ blockchain, khi Ngân hàng Nhật Bản này nỗ lực thúc đẩy việc áp dụng công nghệ blockchain vào nghiệp vụ tài chính.
Đằng sau tất cả những thỏa thuận này là dấu ấn đậm nét của Chủ tịch SMBC Makoto Takashima trong việc tìm kiếm động lực tăng trưởng mới cho SMBC cũng như nỗ lực “mở rộng nhượng quyền và củng cố ngân hàng kỹ thuật số ở châu Á” - một trong bảy chiến lược trọng tâm mà SMFG đang theo đuổi.