Chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển "tiết lộ" điều kiện lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài
Chiều 15/06/2020, tại Khách sạn Melia, Hà Nội, Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) lần thứ 28 với các cổ đông đại diện cho 1.334.054.273 cổ phần, chiếm 76% tổng số vốn cổ phần có quyền tham dự Đại hội.
Tại ĐHĐCĐ lần này, cổ đông của SHB đã thông qua kế hoạch thoái vốn của nhà băng này tại công ty tài chính SHB FC cho nhà đầu tư chiến lược lớn nước ngoài.
Theo SHB, việc thoái vốn tại công ty SHB FC cho đối tác chiến lược nước ngoài sẽ đem lại cho cổ đông và ngân hàng nguồn thặng dư vốn đáng kể, đồng thời nâng cao uy tín, hình ảnh của SHB trên thị trường tài chính tiền tệ trong và ngoài nước.
Nhà đầu tư chiến lược nước ngoài cũng sẽ trở thành cầu nối để SHB mở rộng các hoạt động khác của ngân hàng ra thị trường quốc tế.
Đồng thời, với sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, SHB FC sẽ nâng cao năng lực quản trị, điều hành với việc tham gia trực tiếp của đối tác nước ngoài có kinh nghiệm tại các thị trường phát triển; được tiếp cận và được tư vấn về áp dụng hệ thống công nghệ thông tin hiện đại từ đối tác; tạo sự khác biệt trong mô hình kinh doanh, sản phẩm, dịch vụ đã triển khai thành công tại các thị trường phát triển; có điều kiện tiếp cận và triển khai các công nghệ quản trị rủi ro, thu hồi nợ tiên tiến…
Tính đến 31/5, SHB lãi trước thuế 1.300 tỷ đồng. Trước đó, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2020 là đạt 3.268 tỷ đồng. Tổng tài sản ở mức 378.000 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm. Vốn huy động thị trường 1 đạt trên 300.000 tỷ đồng và dư nợ tín dụng 291.000 tỷ đồng. Nợ xấu dưới 2%. Tỷ lệ an toàn vốn đến 31/5 theo Thông tư 41 là 10,36%. Ông Hiển cho biết sẽ phấn đấu năm 2020 đạt 11%.
Chia sẻ thêm về việc bán vốn tại SHB FC, Chủ tịch HĐQT SHB, ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) thông tin, việc thoái vốn phải theo quy định của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước. Mức giá bán sẽ phấn đấu ở mức cao nhất vì trên tinh thần vì lợi ích cao nhất của cổ đông.
Ngoài những mục tiêu kể trên, việc SHB tìm đối tác nước ngoài cho SHB FC đặc biệt hướng tới đối tác có đồng cộng hưởng về cả lợi ích, chiến lược kinh doanh với SHB trong thời gian tới.
"Trong quá trình đàm phán, chúng ta phải chọn ra những chọn đối tác có giá tốt nhất nhưng phải có "core business" có giá trị cộng hưởng với SHB. Hiện đang có rất nhiều đối tác đến tìm hiểu, với tình hình như hiện nay, tôi cho rằng có thể lựa chọn được đối tác trong năm nay", bầu Hiển nhấn mạnh.
Cũng theo vị Chủ tịch nhà băng này, việc thoái vốn tại SHB FC vào thời điểm này là phù hợp, đem lại lợi ích trước mắt và lâu dài cho SHB.
SHB không phải là ngân hàng duy nhất thoái tại công ty tài chính cho nhà đầu tư chiến lược lớn nước ngoài.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ của VPBank, nhà băng này cũng đã lên kế hoạch IPO công ty tài chính tiêu dùng FE Credit. Hiện nay công việc đàm phán với các đối tác vẫn đang triển khai, bước đầu đã có kết quả tích cực. "Chúng tôi tin rằng sẽ đạt được mục tiêu đề ra vì FE Credit là ứng cử viên hấp dẫn trong ngành tài chính tiêu dùng", ông Ngô Chí Dũng – Chủ tịch HĐQT VPBank cho hay.
Chia sẻ thêm, lãnh đạo VPBank cho biết do FE Credit là công ty tài chính nên có thể bán tối đa 49% vốn. Trong trường hợp bán đến 49% vốn thì quyền lợi của ngân hàng mẹ sẽ giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, việc đối tác tham gia đến 49% cổ phần thì ngân hàng sẽ lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, thế mạnh. "Họ cũng sẽ mang tới tài chính, công nghệ, kinh nghiệm quản trị điều hành tới. Đó là điều rất tốt", ông Dũng nói.