Chủ tịch TT-Huế yêu cầu kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khó khăn do dịch Covid-19
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tổ chức họp thường kỳ đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2020 và thống nhất các nhiệm vụ, giải pháp các tháng còn lại năm 2020.
Theo báo cáo của Sở KHĐT tỉnh Thừa Thiên Huế, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, nhiều lĩnh vực sản suất kinh doanh, du lịch, dịch vụ giảm sâu, nhưng các lĩnh vực kinh tế của tỉnh vẫn có nhiều điểm sáng.
Cụ thể, hoạt động sản xuất công nghiệp ở tỉnh có chuyển biến tích cực, các ngành công nghiệp bị tác động, ảnh hưởng do dịch gây ra trong thời gian qua đang dần hồi phục, ổn định trở lại. Việc tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm các doanh nghiệp có nhiều tín hiệu khả quan.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện trong 7 tháng năm 2020 đạt 13.528 tỷ đồng, đạt 50,1% kế hoạch, tăng 12,6% so với cùng kỳ, tỷ lệ giải ngân theo kế hoạch đầu tư công 7 tháng đạt 39,5%. Thu ngân sách đạt 5.011 tỷ đồng, bằng 66% dự toán, tăng 20% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng 7 ước đạt 73,7 triệu USD, tăng 11,9% so với thực hiện tháng cùng kỳ, lũy kế 7 tháng đầu năm ước đạt 443,927 triệu USD.
Đến cuối tháng 7/2020, ở tỉnh có 643 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 5.378,3 tỷ đồng, tăng 1,5% về lượng và tăng 5,9% về vốn so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp hoạt động trở lại có 144 doanh nghiệp, giảm 11,6%. Nhờ đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 7 tháng đầu năm 2020 tăng 3,07% so với cùng kỳ.
Tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư 13 dự án mới với tổng vốn đăng ký khoảng 4.598 tỷ đồng, trong đó có 5 dự án vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới với vốn đăng ký 18,5 triệu USD. Bên cạnh đó, đã điều chỉnh 24 dự án (trong đó có 7 dự án giãn tiến độ, 3 dự án tăng thêm vốn 184 tỷ đồng). Công tác bổ sung danh mục dự án kêu gọi đầu tư và công bố thông tin dự án kêu gọi đầu tư được quan tâm, đã xây dựng thông tin gần 200 dự án, trong đó có 16 dự án được công bố thông tin chi tiết sẵn sàng kêu gọi đầu tư.
Lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp ở tỉnh phát triển ổn định. Trong đó, đáng chú ý là việc Tập đoàn Quế Lâm ra mắt triển khai dự án "Tổ hợp chăn nuôi an toàn sinh học 4F"- một hình thức chăn nuôi tiên tiến, bước đầu khởi sự tại Việt Nam theo khái niệm "kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp". Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm OCOP" đã cấp Giấy chứng nhận cho 6 sản phẩm, trong đó 3 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 3 sản phẩm đạt hạng 3 sao.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ yêu cầu các thành viên UBND tỉnh thấm nhuần tinh thần chủ động, tích cực, nỗ lực vượt khó, cần thể hiện trách nhiệm trước nhân dân để tăng cường điều hành và hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế- xã hội năm nay cũng như năm 2021 và các năm tiếp theo.
Theo ông Thọ, cùng với triển khai các biện pháp giảm thiểu tác động nghiêm trọng của Covid-19, các sở ngành, các địa phương phải tập trung nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ kịp thời đối với người dân, doanh nghiệp đang gặp khó khăn hiện nay, tập trung tập trung đôn đốc, hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ các chương trình, dự án trọng điểm của tỉnh đã và đang triển khai trên địa bàn.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng chỉ đạo các cấp, ngành tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị gắn với xây dựng các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới. Trong đó, trọng tâm là tập trung hoàn chỉnh các đề án về việc xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương để trình các cơ quan Trung ương và các đề án, tờ trình trình HĐND tỉnh thông qua…