Chủ tịch TT-Huế yêu cầu kịp thời kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Chiều 27/7, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 7 để đánh giá kết quả tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm và bàn giải pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội các tháng cuối năm 2023.
Theo Giám đốc Sở KHĐT tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Đại Vui, trong tháng 7/2023, hoạt động du lịch của tỉnh tiếp tục khởi sắc với lượng khách tăng 23,1% so với cùng kỳ, doanh thu từ du lịch tăng 14,3%. Tính từ đầu năm đến nay, lượng khách du lịch đến tỉnh gấp 1,8 lần so với cùng kỳ, tổng thu từ du lịch gấp 2 lần so với cùng kỳ.
Về tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng xã hội, lũy kế 7 tháng tăng 16,2% so cùng kỳ, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa chiếm 74,3%, tăng 13,4%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 7 tháng tăng 1,72% so với bình quân cùng kỳ.
Tín hiệu vui đến từ lĩnh vực công nghiệp của tỉnh khi chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tháng 7 ước tăng 3,1% so với cùng kỳ, tính chung 7 tháng năm 2023 ước tăng 1% so với cùng kỳ. Một số sản phẩm chủ yếu có sản lượng tăng so với cùng kỳ gồm bia, tôm đông lạnh, gạch ốp lát... Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 7 tháng bằng 47,2% kế hoạch, tăng 8% so với cùng kỳ.
Theo báo cáo của Kho bạc nhà nước tỉnh Thừa Thiên Huế, đến ngày 27/7 đã giải ngân đạt 38,8% kế hoạch, riêng giải ngân vốn do Thủ tướng Chính phủ giao đạt 40% kế hoạch. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã giao bổ sung các nguồn lực đầu tư công là 2.676,84 tỷ đồng. Tổng số kế hoạch đầu tư công năm 2023 của tỉnh đã giao đến nay là 8.600,097 tỷ đồng, giải ngân đến thời điểm báo cáo đạt 33,3% kế hoạch.
Về thu ngân sách nhà nước, trong 7 tháng, thu ngân sách ước đạt 5.673,3 tỷ đồng, bằng 57,2% dự toán, bằng 43,6% so với chỉ tiêu phấn đấu và giảm 19,7% so với cùng kỳ. Chi ngân sách nhà nước ước đạt 6.886,1 tỷ đồng, đạt 47,42% dự toán.
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tiếp tục theo dõi, nắm chắc tình hình hoạt động của các doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở công nghiệp; tăng cường xúc tiến, kêu gọi đầu tư các dự án sản xuất kinh doanh vào các khu, cụm công nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh việc hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp; đôn đốc, hỗ trợ các dự án hoàn thành đi vào hoạt động; hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trong ngân sách và ngoài ngân sách.
Theo ông Nguyễn Văn Phương, việc triển khai hiệu quả kế hoạch đầu tư công năm 2023 đóng vai trò quan trọng, do vậy cần quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia và các công trình, dự án khắc phục hậu quả thiên tai năm 2022.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng phải cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng và cải cách hành chính, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số...