TT-Huế: 6 tháng, người nghèo và đối tượng chính sách được vay gần 788 tỷ đồng vốn Ngân hàng CSXH

27/07/2023 06:41 GMT+7
Trong 6 tháng đầu năm 2023, nguồn vốn tín dụng chính sách ủy thác qua các hội đoàn thể ở Thừa Thiên Huế đã đáp ứng 16.886 lượt khách hàng là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn với số tiền 787.878 triệu đồng.

Chiều 26/7, tại trụ sở Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã diễn ra hội nghị giao ban giữa Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế với 4 tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác cấp tỉnh, trong đó có Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp với các hội đoàn thể nhận ủy thác các cấp tại tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai tốt các hoạt động về ủy thác cho vay. Doanh số cho vay trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 787,9 tỷ đồng với 16.886 lượt khách hàng, doanh số thu nợ trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 600,9 tỷ đồng.

TT-Huế: 6 tháng, người nghèo và đối tượng chính sách được vay gần 788 tỷ đồng vốn Ngân hàng CSXH  - Ảnh 1.

Người dân làm thủ tục vay vốn tín dụng chính sách tại chi nhánh Ngân hàng CCSXH ttinhr Thừa Thiên Huế. Ảnh: Ngọc Tú.

Tổng  dư nợ ủy thác là 3.970,5 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 99,32% trong tổng dư nợ, tăng 186,4 tỷ đồng, tăng 4,9% so với năm 2022, trong đó dư nợ cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP là 373,5 tỷ đồng. Nợ quá hạn là 1.200 triệu đồng, giảm 131 triệu đồng so với đầu năm, chiếm tỷ lệ 0,03% trên tổng dư nợ ủy thác, tỷ lệ nợ quá hạn giảm 0,01% so với đầu năm.

Tổng số hộ còn dư nợ uỷ thác qua các tổ chức hội, đoàn thể là 92.609 hộ với 2.334 tổ vay vốn, giảm 2 tổ so với cuối năm 2022. Nguồn vốn vay ưu đãi được triển khai góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, an sinh xã hội trên địa bàn đồng thời giúp các tổ chức hội duy trì, gắn kết hội viên trong việc tổ chức các phong trào hội.

Trong nửa đầu năm 2023, hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục có những chuyển biến tích cực, chất lượng tín dụng ổn định theo hướng ngày càng bền vững. Nguồn vốn tín dụng chính sách ủy thác qua các hội đoàn thể đã đáp ứng 16.886 lượt khách hàng là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn với số tiền 787.878 triệu đồng để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, xây dựng nhà ở cho người nghèo, nhà ở xã hội, xây dựng các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đầu tư cho việc học tập của học sinh- sinh viên...

 Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho trên 8.192 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn; 4.484 hộ vay vốn để xây dựng mới và sửa chữa công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; 2.879 lao động được vay vốn tạo việc làm; 799 hộ gia đình ở xã thuộc vùng khó khăn được vay vốn để sản xuất kinh doanh; 244 lượt hộ vay cho con em là học sinh, sinh viên được vay vốn trang trải chi phí học tập; 49 đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn làm nhà ở, 181 khách hàng được vay vốn xây mới, sửa chữa cải tạo nhà ở xã hội theo Nghị định 100.

Tại hội nghị, các thành viên tham dự cuộc họp đã tập trung thảo luận, phân tích nguyên nhân còn tồn tại hạn chế trong hoạt động uỷ thác và đưa ra các giải pháp khắc phục từ đó thống nhất các nội dung công việc triển khai trong thời gian tới. 


Phong Cầm
Cùng chuyên mục