Chứng khoán Châu Á lao dốc khi giá dầu tương lai xuống mức tệ nhất kể từ năm 1991

09/03/2020 10:01 GMT+7
Chứng khoán Châu Á chứng kiến mức tụt mạnh trong phiên giao dịch sáng 9/3 sau khi giá dầu lao dốc trong bối cảnh các nước xuất khẩu dầu lao vào cuộc chiến giá cả vì thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu đổ vỡ.
Chứng khoán Châu Á lao dốc khi giá dầu tương lai xuống mức tệ nhất kể từ năm 1991 - Ảnh 1.

Chứng khoán Châu Á đỏ lửa khi giá dầu thế giới giảm sâu

Chỉ số Nikkei 225 và Topix tại Nhật Bản đồng thời giảm 5,7% trong phiên giao dịch buổi sáng.

Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 4,03% trong phiên giao dịch sớm. 

Chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng chứng kiến sự sụt giảm, với Shanghai Composite giảm 1,9% còn Shenzhen Component giảm 2,03% ngay những giờ đầu mở cửa phiên giao dịch. Shenzhen Composite giảm 1,661%.

Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi giảm 3,85%. 

Tại Australia, chỉ số  S & P / ASX 200 giảm 5,97%.

Trên sàn Singapore, Straits Times Index cũng giảm hơn 3,5%.

.Chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản giảm 3,77%.

Các động thái bán tháo xuất hiện sau khui lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm lần đầu tiên xuống mức dưới 0,5%, giao dịch ở mức 0,4857%. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 30 năm cũng lần đầu phá ngưỡng 1%, rơi xuống mức 0,9685%.

Các chỉ số tương lai trên sàn chứng khoán Mỹ cũng giảm mạnh trong đêm Chủ Nhật. Dow Jones tương lai bay 1.135 điểm trong khi S&P 500 và Nasdaq Composite tương lai đều sẵn sàng cho các mức sụt giảm khi mở cửa phiên giao dịch 9/3 (giờ Mỹ).

Giá dầu cũng lao dốc mạnh mẽ trong những giờ giao dịch đầu tiên hôm 9/3. Sau khi giảm 30% trong phiên giao dịch cuối tuần trước, giá dầu Brent tương lai tiếp tục giảm 25,29% xuống còn 33,82 USD / thùng, mức thấp kỷ lục. Giá dầu WTI tương lai cũng giảm mạnh 25,87% xuống còn 30,60 USD / thùng, mức tồi tệ nhất kể từ tháng 1/1991, khi chiến tranh vùng Vịnh làm lao đao nền kinh tế. 

Sự lao dốc của giá dầu bị đổ lỗi cho động thái tuyên bố giảm giá dầu từ tháng 4, đồng thời gia tăng sản lượng trên 10 triệu thùng/ ngày của Arab Saudi. Động thái này được Arab Saudi tuyên bố ngay sau khi OPEC thất bại trong việc thuyết phục các đồng minh ký vào thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu 1,5 triệu thùng/ ngày để bình ổn giá dầu khi nhu cầu dầu giảm sâu. Cuộc họp của OPEC+ cũng kết thúc mà không có chỉ thị gia hạn nào với thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu 2,1 triệu thùng sắp hết hạn vào cuối tháng 3. Điều này đồng nghĩa với việc các quốc gia sắp có quyền tự do kiểm soát sản lượng dầu vào tháng 4. 

Daniel Daniel Hynes và Soni Kumari, chiến lược gia hàng hóa tại Liên minh Ngân hàng Australia và New Zealand nhận định: “Liên minh OPEC+ gần như đã “chết” khi OPEC không đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu với Nga (và các đồng minh khác)”. Việc cắt giảm sản lượng là để hỗ trợ giá dầu và giữ cho thị trường dầu bình ổn trong một giai đoạn hỗn loạn khi nhu cầu dầu giảm mạnh vì sự bùng phát dịch virus corona.

Nhưng giờ đây, có khả năng cao các thành viên OPEC+, đặc biệt là Nga tăng cường sản lượng trong thời gian ngắn để dấn thân vào cuộc chiến giá cả và giành thị phần.

Những lo ngại chiến tranh giá dầu xuất hiện cùng thời điểm với sự lo sợ dịch virus corona đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái, khiến thị trường chứng khoán thêm hoảng loạn.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục