Chứng khoán loay hoay trước ngã ba
Tháng Ngâu là... chuyện nhỏ
Từ năm 2007 đến nay, có 9/13 lần VN-Index tăng điểm trong tháng Ngâu (tháng 7 âm lịch), với mức tăng trung bình trên 3%. Trong các năm 2016, 2017 và 2018, chỉ số còn đạt mức tăng lần lượt là 6,81%, 5,87% và 0,19%.
Năm 2019, tháng 7 âm lịch cùng bắt đầu với tháng 8 dương lịch, đây cũng là thời điểm các doanh nghiệp hoàn tất việc công bố báo cáo soát xét bán niên, VN-Index ghi nhận giảm 1,37%.
Năm nay, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động lên kinh tế toàn cầu, phần lớn nhà đầu tư quan tâm đến diễn biến cũng như khả năng kiểm soát dịch nhiều hơn là sự thận trọng đầu tư trong tháng Ngâu.
Tuy nhiên, vì trùng thời điểm với dịch bệnh nên ít nhiều yếu tố tháng Ngâu vẫn tác động đến tâm lý của nhà đầu tư.
Theo ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán VietinBank (CTS), giai đoạn hiện nay đang xuất hiện khoảng trống thông tin khi các doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính bán niên.
Cùng với đó, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp khiến tâm lý nhà đầu tư có phần e ngại khi quyết định xuống tiền. Mặc dù vậy, tháng Ngâu năm 2020 có thể là cơ hội khi thị trường tiến hành định giá lại các cổ phiếu, phản ánh hết các thông tin xấu, giúp nhà đầu tư mua được những cổ phiếu cơ bản tốt nhưng giá đã giảm khá nhiều.
Cùng nhịp giao dịch chững lại của nhiều thị trường chứng khoán quốc tế, 850 - 860 điểm đang được xem là vùng kháng cự đối với thị trường chứng khoán trong nước.
Mặc dù thanh khoản bình quân đạt trên 4.000 tỷ đồng/phiên, nhưng dòng tiền thiếu sự bứt phá, trong đó nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn đang dẫn đầu tỷ trọng giao dịch với 22,5%, tiếp theo là nhóm xây dựng và vật liệu xây dựng (16,4%), bất động sản (10%), thực phẩm (9,9%).
Công ty Chứng khoán MB (MBS) đưa ra hai kịch bản đối với thị trường chứng khoán trong ngắn hạn. Với kịch bản cơ sở, VN-Index sẽ dao động trong vùng 841- 856 điểm, xác suất xảy ra 70%. Trong kịch bản thận trọng, chỉ số thoái lui về vùng 826 - 840 điểm, xác suất xảy ra 10%.
Theo MBS, thị trường vẫn chịu tác động từ diễn biến khó dự đoán của dịch bệnh, bên cạnh đó là căng thẳng thương mại và ngoại giao Mỹ - Trung, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới. Đây là những biến số sẽ ảnh hưởng đến thị trường từ nay đến cuối năm.
Xét phân tích kỹ thuật, sau 2 tuần tăng, VN-Index đang gặp vùng cản mạnh tại 856 điểm, đây là lần thứ tư thị trường không thể vượt qua được đường xu hướng giảm kể từ đầu năm, đi qua các đỉnh tháng 6 và tháng 7.
Do vậy, điều kiện cần để thị trường hình thành vùng đáy thứ hai trong nhịp này, tạo nền cho một chu kỳ phục hồi dài hơn là phải bứt phá thành công qua ngưỡng cản kỹ thuật 856 điểm.
Với nhà đầu tư, quan điểm “kiêng kị” tháng Ngâu đang giảm dần, thậm chí sớm bị xóa bỏ. Anh Nguyễn Văn Tuấn, nhà đầu tư tại Hà Nội cho rằng, dựa trên đánh giá về các yếu tố tác động đến diễn biến thị trường ở thời điểm hiện tại, hay nhìn xa hơn là từ nay đến cuối năm, nhà đầu tư đặt sự quan tâm nhiều đến yếu tố Covid-19 như các ca nhiễm bệnh, quá trình sản xuất vắc-xin tại Nga cũng như nhiều nước khác trên thế giới.
Bên cạnh đó là tín hiệu hồi phục rõ ràng hơn của kinh tế trong nước, bao gồm sức tiêu thụ ở các thị trường xuất khẩu chính và hoạt động của các doanh nghiệp dần khả quan hơn.
Ngoài ra, nhà đầu tư quan tâm đến xu hướng giảm lãi suất, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, hay hoạt động thoái vốn nhà nước.
Nhưng mặt khác, một số yếu tố có thể đảo ngược xu hướng hồi phục của thị trường đó là làn sóng bùng phát Covid-19 thứ hai; hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp phục hồi chậm hơn so với kỳ vọng...
Tích lũy để tạo chu kỳ hồi phục dài hơn
Thế giới đang quen dần với việc “sống chung với đại dịch”, hay tình trạng “bình thường mới”. Thế nên, biến động trên thị trường chứng khoán không còn “giảm sâu, tăng sốc” như đợt bùng phát của dịch Covid-19 lần thứ nhất.
Do vậy, theo CTS, khả năng thị trường hình thành vùng đáy thứ hai để tạo chu kỳ hồi phục dài hơn có xác suất xảy ra cao.
Động lực đầu tiên đến từ tiềm năng ra đời của các loại vắc-xin phòng ngừa Covid-19: vắc-xin hiện tại của Nga cần thêm thời gian để xác minh tính hiệu quả, Trung Quốc vừa cấp giấy chứng nhận cho một loại vắc-xin…
Vắc-xin ra đời sẽ giúp các hoạt động kinh tế sớm trở lại bình thường, tăng trưởng GDP trong năm 2021 có thể khôi phục mạnh mẽ sau giai đoạn bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.
Ngoài ra, chính sách phòng chống dịch hiện nay hạn chế tác động lên nền kinh tế khi chỉ tập trung cách ly ở tâm dịch, các địa phương còn lại nỗ lực phát triển kinh tế.
Đáng chú ý, các biện pháp kích thích kinh tế lần hai đang được các cơ quan tích cực thảo luận, kỳ vọng các gói hỗ trợ sẽ có tác động nhanh và hiệu quả đến các cá nhân và doanh nghiệp, góp phần đưa kinh tế nhanh chóng quay lại đà tăng trưởng trước khi xảy ra dịch bệnh.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam cho nhận định, thị trường sẽ có thêm vài nhịp rung lắc để tạo một mặt bằng giá hấp dẫn hơn cho năm sau.
Nhưng không phải thị trường đi vào xu hướng giảm, mà là thị trường đang rất gần điểm hồi phục và tăng trưởng trở lại.
Việt Nam vẫn đang là điểm sáng trong kinh tế toàn cầu nhờ khả năng chống dịch hiệu quả và là điểm đến chuyển dịch đầu tư của không ít tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới.
Chuyển động của các cổ phiếu trong thời gian gần đây cho thấy, khi các dòng bluechip trụ chính đi ngang thì các nhóm cổ phiếu tầm trung và nhỏ thay phiên nhau tạo sóng, điều tiết thị trường.
Những đợt sóng ngành ngắn như nhóm bất động sản khu công nghiệp, vật liệu xây dựng, bán lẻ… tạo sự hưng phấn cho nhà đầu tư, giúp xoay vòng vốn nhanh hơn.
Nếu nhìn nhận thị trường đang hình thành vùng đáy thì chiến lược tận dụng những nhịp điều chỉnh trong thời gian tới để tích lũy cổ phiếu cơ bản tốt và triển vọng tích cực là phù hợp.
Theo MBS, nhà đầu tư nên tiếp tục ưu tiên quản lý rủi ro, nhưng các nhịp điều chỉnh là cơ hội để cơ cấu danh mục, đặc biệt khi VN-Index điều chỉnh tại vùng hỗ trợ mạnh 825 - 845 điểm.