Chứng khoán Mỹ lao dốc trong tuần tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái 2008
Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones đóng cửa thấp hơn 913,21 điểm, tương đương hơn 4%, xuống mức 19.173,98 sau khi tăng hơn 400 điểm trước đó trong ngày. S & P 500 giảm 4,3% xuống 2.304,92 điểm. Nasdaq Composite đóng cửa thấp hơn 3,8%, giảm xuống 6.879,52 điểm vào thời điểm kết thúc phiên giao dịch trên thị trường chứng khoán Mỹ.
Cổ phiếu 3M và Disney giảm mạnh hơn 9% đưa Dow Jones giảm sâu. Lĩnh vực công nghệ kéo S&P 500 vào lãnh thổ tiêu cực khi cổ phiếu Microsoft giảm 3,8% còn Qualcomm giảm 6,3%.
Kết thúc tuần, chỉ số Dow Jones giảm hơn 17%, mức giảm tuần lớn nhất kể từ tháng 10/2008 đến nay. S & P 500 mất hơn 13% trong khi Nasdaq giảm 12,6%. Cả S & P 500 và Nasdaq cũng chứng kiến tuần giao dịch tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Tính đến nay, chỉ số Dow Jones hiện đã lùi 35,2% so với mức cao nhất mọi thời đại hồi tháng 2, trong khi S & P 500 thấp hơn 32,1% so với đỉnh. Chỉ từ đầu tháng 3 đến nay, Dow Jones đã giảm hơn 24% và hiện đang trên đà giảm mạnh nhất trong tháng kể từ tháng 9/1931 đến nay. S&P 500 cũng giảm 22% trong tháng 3, hướng tới mức giảm tháng tồi tệ nhất kể từ tháng 5/1940.
Sal Bruno, giám đốc đầu tư của IndexIQ nhận định: “Thị trường đang giao dịch dựa trên cảm xúc nhiều hơn là dữ liệu thực tế”.
Trong nỗ lực trấn an thị trường, cùng với Quốc hội, Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ tiếp tục tung ra các biện pháp kích thích, mới nhất là chương trình mua tài sản trái phiếu để bơm tiền vào hệ thống tài chính. Nhà phân tích Lauren Goodwin nhận định những hỗ trợ như vậy là rất quan trọng để hạn chế những hệ quả từ sự gián đoạn kinh tế gây ra bởi dịch Covid-19.
Tính đến hôm 20/3, Mỹ xác nhận 14.000 ca nhiễm virus corona và 200 ca tử vong, theo dữ liệu thống kê từ đại học Johns Hopkins. Trên toàn cầu, hơn 245.000 trường hợp nhiễm virus corona đã được xác nhận.
Ray Dalio, chuyên gia kinh tế - người sáng lập Bridgewater nhận định đợt bùng phát dịch Covid-19 hiện tại có thể thổi bay 4.000 tỷ USD doanh thu của các tập đoàn Mỹ, khiến cho nhiều doanh nghiệp đứng trước cảnh phá sản, cá nhân đứng trước cảnh thua lỗ.