Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn: Tận dụng tối đa để phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số
Chuyển đổi số ở Bắc Kạn - "đường cao tốc" rút ngắn khoảng cách phát triển
Ngày 8/10, tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tới tất cả các địa phương trong tỉnh về chuyển đổi số năm 2024. Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn cũng như các chuyên gia đều khẳng định, chuyển đổi số đã và đang tạo ra những cơ hội mới cho sự phát triển kinh tế, xã hội tỉnh của tỉnh Bắc Kạn.
Theo đó, tỉnh Bắc Kạn xác định chuyển đổi số chính là "đường cao tốc" để rút ngắn khoảng cách phát triển và tiến kịp với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong điều kiện đường bộ hạn chế và không có đường sắt, đường không, đường thủy thì chuyển đổi số là con đường nhanh nhất. Tỉnh Bắc Kạn đặt ra mục tiêu chính của quá trình chuyển đổi số là "lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu của sự phát triển.
Theo báo cáo tại Hội nghị, cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ chuyển đổi số tại Bắc Kạn đang rất được chú trọng đầu tư, xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại: 100% xã, phường, thị trấn được phủ sóng di động; 100% đơn vị, địa phương được kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng và được chuẩn hóa kết nối giám sát 04 cấp hành chính. Tỷ lệ người dùng internet tại Bắc Kạn hiện đạt tỷ lệ 91%; tỷ lệ người dân (từ 14 tuổi trở lên) có tài khoản định danh điện tử đạt 58,9%; tỷ lệ người hưởng trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân đạt 100%...
Để đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số đến các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào còn nhiều khó khăn, tỉnh Bắc Kạn đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực như: Hỗ trợ phổ cập điện thoại thông minh cho người dân trưởng thành tại 8 xã/phường, thực hiện thí điểm chuyển đổi số năm 2023; tổ chức các khóa bồi dưỡng về chuyển đổi số cho các nhóm đối tượng. Các nền tảng số tiếp tục được phát triển, nâng cấp và hoàn thiện.
Chị Lý Thị Chanh - thành viên HTX nông nghiệp Thiên An (xã Vi Hương, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn) cho biết: "Trước đây chúng tôi chủ yếu đi chào bán ở các hội chợ, các gian hàng. Sau chúng tôi chuyển sang cả các trang mạng như Facebook, Tiktok, Zalo, các sàn thương mại điện tử... thì việc bán hàng đã dễ hơn. Hàng chúng tôi nhiều người biết đến và thu nhập cao hơn do có nhiều đơn hàng hơn".
Tuy nhiên, công tác chuyển đổi số tại Bắc Kạn cũng gặp không ít khó khăn khi nhận thức của một bộ phận cán bộ và người dân về chuyển đổi số còn chưa thực sự đầy đủ, chưa sẵn sàng tiếp cận công nghệ số; kỹ năng số cơ bản và thói quen sử dụng công nghệ số còn hạn chế, nhất là với khu vực đồng bào thiểu số; khu vực đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, một số thôn bản còn chưa có điện lưới quốc gia.
Kinh tế số, xã hội số chưa có bước chuyển biến rõ nét, tỷ trọng kinh tế số trong tổng quy mô GRDP của tỉnh Bắc Kạn chưa cao. Kinh tế số, xã hội số chưa có bước chuyển biến rõ nét, tỷ trọng kinh tế số trong tổng quy mô GRDP của tỉnh Bắc Kạn chưa cao.
Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động chuyển đổi số ở Bắc Kạn
Tại hội nghị, các đại biểu, chuyên gia đã có những tham luận với nhiều gợi mở để Bắc Kạn thực hiện tốt hoạt động chuyển đổi số như tham thuận: Định hướng thúc đẩy kinh tế số và xã hội số tỉnh Bắc Kạn; định hướng chuyển đổi số hướng đến công dân các tỉnh, thành phố...
Kết luận hội nghị, ông Nguyễn Đăng Bình - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông về chuyển đổi số; tăng cường công tác bồi dưỡng nâng cao kỹ năng số cơ bản, tạo và duy trì thói quen sử dụng công nghệ số cho cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp.
Mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương cần tận dụng tối đa các nguồn lực, cơ hội để phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương cần nêu gương, tiên phong trong việc thử nghiệm, triển khai các mô hình mới, cách làm hay trong chuyển đổi số để làm điểm, từ đó đánh giá, nhân rộng.
Duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chuyển đổi số cộng đồng trên địa bàn tỉnh; tiếp tục duy trì việc triển khai và nhân rộng mô hình xã chuyển đổi số. Tập trung thúc đẩy, phát triển hoạt động kinh tế số, xã hội số góp phần tăng tỷ lệ đóng góp của kinh tế số vào GRDP của tỉnh; đẩy mạnh việc triển khai các ứng dụng, phần mềm, nền tảng dùng chung, thiết yếu phục vụ người dân, doanh nghiệp.
"Cần tích cực, chủ động nghiên cứu, đổi mới tư duy, đề xuất lựa chọn và triển khai các mô hình, hoạt động chuyển đổi số phù hợp xu thế, điều kiện và thiết thực cho người dân, doanh nghiệp nhằm thúc đẩy kinh tế số của tỉnh phát triển" - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn nhấn mạnh.
Chia sẻ với phóng viên, ông Hoàng Văn Thiên, Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông Bắc Kạn cho biết, trong thời gian tới, Sở TTTT sẽ tiếp tục tham mưu để tăng cường, nâng cao chất lượng trên cả ba trụ cột gồm: Chính quyền, kinh tế số và xã hội số.
"Với chính quyền số, tập trung vào nâng cao chất lượng các hạ tầng, phần mềm dùng chung, hoàn thiện các trung tâm, cơ sở dữ liệu của tỉnh. Về hạ tầng số, tiếp tục thúc đẩy cái việc phủ sóng 3G, 4G, 5G tại những địa bàn lõm sóng và tăng cường số lượng thuê bao cáp quang sử dụng Internet, nâng lượng người dân có điện thoại thông minh và nâng cao khả năng an toàn thông tin, an ninh mạng cùng với đó là hướng dẫn người dân tự bảo vệ mình khi tham gia vào môi trường mạng" - ông Thiên cho biết thêm.
Nhân dịp này, Ban tổ chức Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu về Chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn” năm 2024 tiến hành tổng kết trao các giải thưởng cho tổ chức, cá nhân đoạt giải.