Chuyển động ngàn tỷ và dòng tiền từ Vietinbank vào nước Sông Đuống
Lòng vòng cổ phần dự án khủng
Công ty Cổ phần Nước mặt sông Đuống (SDWTP) là doanh nghiệp được thành lập tại Việt Nam theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngày 8/6/2016 với hoạt động chính là sản xuất và cung cấp nước.Thời gian hoạt động là 50 năm.
Các cổ đông sáng lập của công ty bao gồm: Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội (10%), Công ty TNHH MTV Ứng dụng Công nghệ mới và Du lịch - Newtatco (5%), CTCP Đầu tư Việt Nam - Oman 27% (nhà đầu tư ủy thác góp vốn), CTCP nước Aqua One 58% (nhà đầu tư ủy thác góp vốn).
Tổng vốn đầu tư cho dự án là gần 5 ngàn tỷ đồng (tương đương 224,4 triệu USD), trong đó vốn góp để thực hiện dự án là hơn 999,6 tỷ đồng (44,88 triệu USD), chiếm 20% tổng vốn đầu tư. Vốn vay là gần 4 ngàn tỷ đồng.
Tính tới cuối 2018, chi phí xây dựng cơ bản dở dang đạt gần 3,2 ngàn tỷ đồng. Trong đó, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng là gần 446 tỷ đồng; các chi phí xây dựng cơ bản khác: hơn 2.664 tỷ đồng; lãi vay vốn hóa gần 114 tỷ đồng.
Với khoản đầu tư giai đoạn 1, nhà máy này đã đi vào hoạt động và bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.
Vốn chủ sở hữu của SDWTP tính tới cuối năm vừa qua đạt 999,6 tỷ đồng và cũng chính bằng vốn điều lệ của công ty.
Trên thực tế, theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ngày 8/6/2016, các cổ đông của công ty bao gồm: Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội (10%), Công ty TNHH MTV Ứng dụng Công nghệ mới và Du lịch (5%), VIAC (No.1) Limited Partnership - Singapore (27%), Công ty TNHH MTV quản lý Quỹ ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (58% - tương đương gần 580 tỷ đồng).
Tới cuối 2018, toàn số cổ phần của VIAC (No.1) Limited Partnership - Singapore và Công ty TNHH MTV quản lý Quỹ ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, tổng cộng 75%, trị giá gần 850 tỷ đồng đã được chuyển sang cho 3 cổ đông mới là CTCP Đầu tư và Xây dựng Toàn Mỹ 14 (300 tỷ đồng, tương đương hơn 30%), CTCP nước Aqua One (gần 450 tỷ đồng, hơn 45%) và CTCP Quản lý Quỹ Sài Gòn (100 tỷ đồng, hơn 10%).
Các cổ đông khác vẫn giữ nguyên tỷ lệ gồm: Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội (10%), Công ty TNHH MTV Ứng dụng Công nghệ mới và Du lịch (5%).
Tuy nhiên, trong quý 3 đầu quý 4 năm 2019, theo thông tin từ Sở GDCK Thái Lan và từ CTCP nước Aqua One, một lượng cổ phần từ cổ đông hiện hữu đã được chuyển qua cho một công ty Thái WHAUP, tổng cộng 34%.
Lộ diện đại gia chống lưng
Tỷ lệ sở hữu cũng đã thay đổi, trở về 4 cổ đông lớn, với 2 cổ đông không thay đổi từ đầu tới giờ là: Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội (10%), Công ty TNHH MTV Ứng dụng Công nghệ mới và Du lịch (5%).
Cổ đông Thái WHAUP thay cho cổ đông Singapore ban đầu và cổ phần của Công ty TNHH MTV quản lý Quỹ ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam chuyển sang cho Aqua One nhưng với tỷ lệ thấp hơn một chút.
Theo thông tin của Aqua One, hiện công ty này chỉ nắm giữ 51%, tức đã giảm 7% so với báo cáo trước đó. Cùng với 27% của VIAC, tổng cộng 34% đã được chuyển cho nhà đầu tư Thái, để thu về hơn 2.073 tỷ đồng.
Trong báo cáo tài chính 2018, theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ngày 8/6/2016, cổ đông lớn nhất tại CTCP Nước mặt sông Đuống (SDWTP) không phải là Aqua One của bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên), mà là thuộc về Công ty TNHH MTV quản lý Quỹ ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (58% - tương đương gần 580 tỷ đồng).
Trong năm 2018, khoản vốn 58% này mới được chuyển sang các cổ đông khác, trong đó có Aqua One của Shark Liên.
Cũng theo báo cáo, dự án nước mặt sông Đuống cũng gắn với một cái tên mang thương hiệu Vietinbank là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - CN Đô Thành. Trong năm 2018, SDWTP vay chi nhánh này hơn 2.483 tỷ đồng.
Tổng số tiền mà hai đơn vị mang thương hiệu Vietinbank đổ vào dự án là khoảng 3,06 ngàn tỷ đồng, thấp hơn chút ít so với tổng chi phí xây dựng cơ bản dở dang tính tới cuối 2018 (đạt gần 3,2 ngàn tỷ đồng). Khoản lãi vay 114 tỷ đồng cũng đã được vốn hóa.
Đây được xem là nguồn tiền lớn cho triển khai dự án khủng, một nhà máy có công suất cung cấp 300 ngàn mét khối nước sạch/ngày đêm trong giai đoạn 1 và khoảng 1,2 triệu m3/ngày đêm trong các giai đoạn sau đó. Nhà máy có thể cung cấp nước sạch cho khoảng 3 triệu người, chiếm 1/3 dân số Hà Nội và một số địa phương phụ cận như Bắc Ninh, Hưng Yên.
Theo báo cáo 2018, SDWTP hiện có các khoản phải thu ngắn hạn gồm: TGĐ Đỗ Thị Kim Liên (gần 11,4 tỷ đồng), thành viên HĐQT ông Đỗ Tất Thắng (hơn 36,5 tỷ đồng), ông Mai Quang Lập (hơn 7,9 tỷ đồng), ông Nguyễn Tuấn Anh (hơn 3,3 tỷ đồng) và các đối tượng khác gần 21,3 tỷ đồng.
SDWTP được thành lập năm 2016 và trở thành nhà cung ứng nước chính của Hà Nội. Dự án có công suất cung cấp 54,75 triệu mét khối nước sạch mỗi năm cho giai đoạn 1A và đã đi vào hoạt động trong quý 1/2019.
SDWTP đang triển khai giai đoạn 1B với công suất mở thêm tương ứng cũng 54,75 triệu mét khối nước và dự kiến đi vào hoạt động trong quý 4/2019, nâng tổng công suất lên 109,5 triệu mét khối nước mỗi năm.
Trước đó, lãnh đạo Hà Nội vừa giao Sở Tài chính phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh giá nước sạch. Giá có thể tăng còn tăng trong thời gian tới khi Hà Nội cho biết đang bù lỗ tiền tỷ mỗi ngày cho Nhà máy Nước mặt Sông Đuống.
Từ 7/2017, Hà Nội tạm tính giá nước sạch của nhà máy nước sạch sông Đuống là 10.246 đồng/m3 (chưa bao gồm thuế VAT) với lộ trình tăng giá tối đa 7%/năm.
Mức giá mua nước của nhà máy nước Sông Đuống hiện cao hơn nhiều so với mức giá mua của nhà máy nước sạch Sông Đà CTCP Nước sạch sông Đà đang cấp nước sạch cho các đơn vị Viwaco và Hà Đông với giá bán 5.069,76 đồng/m3 và đang có lãi lớn, doanh thu 2 đồng lãi 1 đồng.