Chuyên gia ADB: Không phải Chính phủ bảo sao doanh nghiệp nghe vậy

Ngọc Diệp Thứ năm, ngày 28/09/2023 10:59 AM (GMT+7)
Nhìn vào các con số của tháng 7 và tháng 8 có thể thấy kinh tế Việt Nam đang chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, theo Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) triển vọng kinh tế ra sao tùy thuộc vào góc nhìn của từng người.
Bình luận 0

Mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã tổ chức buổi họp báo công bố những nhận định mới nhất về kinh tế Việt Nam. Bền lề họp báo, PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) về những thách thức mà kinh tế Việt Nam đang đối mặt ở hiện tại và ý nghĩa từ việc nâng cấp quan hệ ngoại giao Mỹ - Việt với thương mại, kinh tế hai nước.

Thông điệp chính của ADB trong bối cảnh vĩ mô như hiện tại: Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế có khả năng phục hồi trong môi trường nhiều thách thức. Thứ hai, triển vọng vừa lạc quan vừa thận trọng do các yếu tố nội tại được cải thiện và những biện pháp chính sách chủ động.

Vẫn còn nhiều rủi ro đối với triển vọng phát triển của Việt Nam. Vì kinh tế toàn cầu suy giảm ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam, hạn chế tăng trưởng.

Trong thời gian tới, nền kinh tế Việt Nam sẽ khởi sắc bởi được hỗ trợ từ tiêu dùng, đầu tư công tăng tốc.

Xét đến các yếu tố bên ngoài, dự báo tăng trưởng 2023 được ADB điều chỉnh xuống 5,8%. Còn với năm 2024, ADB cho rằng GDP Việt Nam dự kiến tăng trưởng 6%.

Ông nhận định thách thức lớn nhất mà kinh tế Việt Nam đối mặt trong thời gian còn lại của năm là gì?

Nửa đầu năm 2023, tăng trưởng GDP chững lại so với đà tăng trưởng tích cực của năm 2022, chỉ còn 3,7%, trong khi nửa đầu năm 2022 GDP tăng trưởng 6,5%, nửa sau 9,5%, cả năm là 8%.

Đầu tư công tăng trưởng bền vững và ổn định trong những năm gần đây và nhờ vậy mang lại yếu tố tích cực cho GDP. Theo tính toán của ADB, lạm phát của năm 2023 sẽ ở mức 3,8%, lạm phát của năm 2024 ở mức 4%.

Tuy nhiên, có những vấn đề nội tại đã xuất hiện trong đại dịch COVID-19 ví như việc kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và doanh nghiệp FDI, điều này có thể trở thành rủi ro trong thời gian tới.

Ngoài ra, tài nguyên nước biến động mất ổn định hơn so với trước đây ảnh hưởng đến nông nghiệp. Hiện nay thời tiết đang có xu hướng ElNino, với Việt Nam khi mà lượng mưa giảm đi, đồng nghĩa các hoạt động sản xuất lao động bị ảnh hưởng, sản lượng sẽ giảm.

Trong đánh giá chung của cả vùng, ElNino ảnh hưởng đến sản xuất của cả khu vực. Cải thiện tài nguyên nước, cân đối hệ thống thủy lợi tưới tiêu, có thể cân đối nguồn nước cho nông nghiệp hoặc thủy lợi làm sao cho phù hợp.

Chuyên gia ADB phân tích về thách thức lớn nhất mà kinh tế Việt Nam đang đối mặt - Ảnh 1.

Theo quan điểm của ông, Chính phủ sẽ cần phải làm gì để giải quyết những thách thức đó?

Nền kinh tế đang chuyển biến tích cực

Sẽ cần phải chờ đến vài ngày nữa để có các con số của Quý III/2023 mới có thể đánh giá được cụ thể. Tuy nhiên nếu nhìn vào các con số của tháng 7 và tháng 8 có thể thấy kinh tế đang chuyển biến tích cực. Nếu nhìn vào ngắn hạn, trong ngắn hạn có rất ít yếu tố có thể thay đổi được. Chúng ta cần nhấn mạnh rằng, chi tiêu Chính phủ là then chốt bởi yếu tố đấy có thể hỗ trợ nhanh nhất và mình chủ động quyết được.

Còn nếu nói về tiêu dùng cá nhân, nó sẽ đi theo nhiều hướng. Nhóm người dân thu nhập trung bình, chi tiêu vẫn ở mức thấp. Với nhóm thu nhập thấp mất việc cần hỗ trợ, chắc chắn rằng họ sẽ có nhiều khó khăn. Không khó để nhận ra thị trường tiêu dùng cho tầng lớp trung lưu vẫn tương đối sôi động.

Chi tiêu Chính phủ thực sự cần thiết để hỗ trợ cho những người mất việc hoặc gặp khó khăn trong công việc. Có thể họ không mất hẳn việc nhưng ví dụ ngày xưa còn được làm thêm giờ, ví dụ lương công nhân có thêm giờ vào khoảng hơn chục triệu nhưng giờ đây không còn được như vậy nữa mà thậm chí họ còn không được nhận đủ lương cơ bản, yếu tố này lập tức ảnh hưởng sát sườn đến chi tiêu của họ.

Nền kinh tế ra sao tùy thuộc vào góc nhìn của từng người. Nếu nhìn vào các con số của ngành du lịch, hoạt động kinh tế vẫn sôi động, đó là tầng lớp trung lưu. Thế nhưng phải nhìn vào chỉ số hàng hóa dịch vụ, chỉ số bán lẻ của nhóm người thu nhập thấp cho đến giờ không giảm, nhưng để duy trì được cần đến các biện pháp hỗ trợ chính sách. Các nước xung quanh cũng rất chủ động trong việc hỗ trợ người dân, ví dụ như phát tiền cho người dân chi tiêu.

Còn nếu xét về cơ cấu, phải nói đến việc Việt Nam chuyển dịch cơ cấu kinh tế khá nhanh, tỷ trọng dịch vụ tăng cao nên chỉ cần ngành dịch vụ tăng trưởng nhích lên một chút, bức tranh kinh tế sẽ khác. Trong khi đó, tỷ trọng công nghiệp dù không phải quá thấp, hiện tại đang chịu ảnh hưởng nhiều nhất do xuất khẩu. Công nghiệp giảm ảnh hưởng đến GDP nhưng vẫn có thể bù đắp được. Nông nghiệp giờ chỉ đóng góp khoảng 10% cho nền kinh tế, vì vậy nếu có thay đổi cũng không đáng kể.

75% xuất khẩu của doanh nghiệp FDI, còn lại doanh nghiệp trong nước cũng chỉ chiếm 25%, chủ yếu trong đó vẫn là nông sản, còn nếu nói hàng "made inVietnam" thực sự là còn hạn chế.

Để giải quyết những vấn đề đó vẫn quay về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, giảm thiểu chi phí kinh doanh, ngoài ra là kích thích đầu tư theo hướng chiến lược. Nhiều nước có chính sách kinh tế sạch, kinh tế xanh.

Kinh tế xanh về bản chất phải có tiền mồi của chính phủ. Ngành điện tái tạo tư nhân đã làm nhiều rồi, chính phủ hiện cũng đang trợ cấp qua giá mua điện cao. Tuy nhiên còn nhiều ngành khác ví như xử lý nước hay nghành liên quan nông nghiệp xanh, cần tính toán làm sao để tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp. Để phát triển những ngành này cần phải có tiền mồi của ngân sách vì về bản chất những ngành này chưa ra đủ tiền để doanh nghiệp làm. Để làm được những điều đó, chính phủ phải có nguồn tiền ngân sách hỗ trợ đầu tiên.

Ông dự báo ra sao về diễn biến dòng vốn FDI trong thời gian tới và bằng cách nào để thu hút dòng vốn FDI có chất lượng?

Thu hút FDI - Có nhiều nước sẵn sàng tung ra các gói tài chính mà Việt Nam không thể cạnh tranh

Những năm gần đây Việt Nam đã nổi lên như điểm đến ưa thích của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong khu vực bởi có những người lao động có kỹ năng và yếu tố địa chính trị thuận lợi. FDI không phải động lực chính của nền kinh tế nhưng FDI dựa vào xuất khẩu là động lực quan trọng của nền kinh tế.

Cần phải nhấn mạnh có những nước cũng cạnh tranh với Việt Nam trong thu hút FDI trong khu vực, và nhóm các nước này cũng rất sẵn sàng tung ra các gói tài chính mà Việt Nam không thể cạnh tranh. Chính vì vậy Việt Nam cần phải cạnh tranh bằng việc đảm bảo môi trường thông thoáng thuận lợi, minh bạch rõ ràng và hiện đại, ngoài ra tăng cường phát triển số hóa và năng lượng xanh để thu hút thêm nữa đầu tư nước ngoài.

Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB)

Trong chiến lược "reshoring", tức là chuyển sản xuất về chính quốc. Sự dịch chuyển của FDI sẽ diễn ra không phải do Việt Nam không còn hấp dẫn mà do nhà đầu tư có mục tiêu khác nên dòng vốn không còn vào Việt Nam nhiều như trước đây.

Ngoài ra còn phải nói đến khó khăn nội tại trong nước, chính sách kinh tế vĩ mô tương đối thuận lợi và đúng hướng, tuy nhiên ngoài chính sách vĩ mô ra, những cái căn bản như môi trường kinh doanh, chi phí kinh doanh, quản lý hành chính, những yếu tố này cũng tạo ra nhiều khó khăn. Với mục tiêu tăng trưởng như hiện nay, đó là những nút thắt mà chính phủ có thể gỡ để tạo thêm thuận lợi cho môi trường kinh doanh.

Cụ thể, cần tập trung vào cải cách môi trường kinh doanh và cải thiện hạ tầng. Trong việc thu hút đầu tư, đó chính là những yếu tố giúp giảm chi phí kinh doanh.Ngoài ra chính phủ cần có chính sách hỗ trợ làm sao để cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển theo hướng kết nổi các chuỗi qua các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam. Ví dụ doanh nghiệp FDI vào Việt Nam phải nhập khẩu rất nhiều thứ, dần dần nếu doanh nghiệp trong nước đáp ứng được những yếu tố đấy, giảm được tỷ lệ nhập khẩu trực tiếp, họ sẽ kinh doanh thuận lợi hơn. Có một con số thống kê rằng đến 96% nhập khẩu của mình là nhập khẩu nguyên vật liệu để xuất khẩu.

Chuyên gia ADB phân tích về thách thức lớn nhất mà kinh tế Việt Nam đang đối mặt - Ảnh 2.

Ảnh: Lonely Planet

Mỹ và Việt Nam mới đây đã nâng cấp quan hệ ngoại giao lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, theo ông điều này sẽ hỗ trợ như thế nào đến quan hệ kinh tế thương mại Mỹ - Việt Nam trong thời gian tới? Ngoài ra, thương mại Việt – Trung thời gian qua cũng có những biến động, vậy ông nhận xét ra sao về các diễn biến này?

Về mặt đường hướng là tạo ra thêm cầu bên ngoài để hỗ trợ cho xuất khẩu. Tuy nhiên, không phải chỉ riêng Mỹ mà từ các mối quan hệ song phương hay đa phương Chính phủ đã có vô cùng nhiều nỗ lực với nhiều quốc gia khác và Mỹ cũng chỉ là nổi hơn các quốc gia khác thôi và đương nhiên không phải mối quan hệ duy nhất.

Tuy nhiên cũng phải chấp nhận một điều là quan hệ của các bên khác nhau, chính vì vậy không phải lúc nào phía Mỹ cũng sẽ làm những gì mà phía Việt Nam muốn. Bản thân Mỹ cũng đang muốn lôi kéo các cơ sở sản xuất quay về quốc gia của họ vậy họ đầu tư sang Việt Nam cũng phải dựa trên lợi ích chung của cả hai bên. Ngoài ra, Chính phủ chủ trương là một chuyện nhưng đầu tư là câu chuyện của cơ chế thị trường, không phải Chính phủ bảo sao doanh nghiệp nghe vậy mà chủ yếu dựa trên tính toán chủ quan của doanh nghiệp.

Không phải chỉ riêng Mỹ mà từ các mối quan hệ song phương hay đa phương Chính phủ đã có vô cùng nhiều nỗ lực với nhiều quốc gia khác và Mỹ cũng chỉ là nổi hơn các quốc gia khác thôi và đương nhiên không phải mối quan hệ duy nhất.

Ông Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)

Ngoài ra, cần phải quan tâm đến vấn đề khác nữa là không phải cái gì đưa vào tuyên bố chung cũng sẽ được thực hiện, nhiều khi cũng chỉ là tuyên bố chính trị và người thực hiện thực tế không phải là chính phủ. Tuyên bố chung chỉ nên được hiểu là khung, để thể hiện quan điểm ý định của hai bên.

Cũng cần phải nói đến việc rằng có thể người ta sẽ vào mình, nhưng vì để tận dụng lợi thế nhân công rẻ thuế rẻ nhưng chưa chắc họ đã sử dụng các nguồn nguyên liệu hay cái gì khác, nhưng rồi sau đó phía mình kết nối như thế nào để hai bên cùng có quyền lợi thì đó lại là việc của phía mình.

Nhìn chung, mối quan hệ nào cũng là hai chiều, để xuất được hàng sang Mỹ phía Việt Nam cũng phải cam kết mua hàng Mỹ rồi tạo điều kiện thuận lợi này khác cho doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại Việt Nam.

Còn đối với vấn đề thương mại với Trung Quốc có những diễn biến, thì thực sự cần phải nhìn vào bản chất vấn đề. Trung Quốc là nhà cung cấp lớn, lại cũng đồng thời là khách hàng tương đối lớn, tức là mặc dù thâm hụt của mình với Trung Quốc khá cao nhưng Việt Nam xuất sang họ cũng cao. Việt Nam mua nhiều nguyên liệu từ Trung Quốc để phục vụ cho xuất khẩu nhưng cũng mua khá nhiều cho tiêu dùng nội địa của Việt Nam.

Quan hệ thương mại Việt - Mỹ hay Việt - Trung có đặc trưng khác nhau, cái mà người ta hay nhìn giữa Mỹ và Trung Quốc là yếu tố chiến lược. Việt Nam đã có rất nhiều sự khéo léo trong kinh tế đối ngoại để cân bằng giữa các mối quan hệ.

Cám ơn những chia sẻ của ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem