Chuyên gia cảnh báo nợ doanh nghiệp Trung Quốc là mối đe dọa lớn với kinh tế toàn cầu

18/12/2019 07:06 GMT+7
Mức nợ doanh nghiệp khổng lồ của Trung Quốc hiện là mối đe dọa lớn với nền kinh tế toàn cầu - cảnh báo từ một nhà phân tích kinh tế học.
Chuyên gia cảnh báo nợ doanh nghiệp Trung Quốc là mối đe dọa lớn với kinh tế toàn cầu - Ảnh 1.

Nợ quốc gia Trung Quốc đã vượt ngưỡng 300% GDP từ lâu

Cảnh báo được đưa ra sau những bình luận tương tự của Fitch Ratings hồi tuần trước, rằng các công ty tư nhân Trung Quốc đang hướng tới một kỷ lục vỡ nợ trong năm 2019 do ảnh hưởng của môi trường thương mại bất ổn toàn cầu, đặc biệt là chiến tranh thương mại Mỹ Trung. Fitch Ratings hồi tuần trước đã chỉ ra mức tăng kỷ lục 4,9% số lượng những vụ vỡ nợ trái phiếu bằng đồng NDT hoặc được phát hành bởi của công ty tư nhân Trung Quốc trong 11 tháng đầu năm 2019, tăng từ mức 0,6% năm 2014.

Dù nợ doanh nghiệp luôn được biết đến như một mặt tối của hệ thống tài chính trong bối cảnh kinh tế vĩ mô, thì nhà kinh tế học Moody - ông Mark Zandi vẫn chỉ ra một rủi ro lớn hơn từ nợ công ty Trung Quốc. “Tôi phải cảnh báo rằng nợ công ty Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất (với nền kinh tế toàn cầu), khi mà tốc độ tăng trưởng nợ đang đạt mức rất nhanh”. 

Ông Zandi giải thích rằng các công ty tư nhân của nước này đang phải vật lộn trong bối cảnh tăng trưởng GDP thấp nhất trong gần 3 thập kỷ, kim ngạch xuất nhập khẩu đề giảm và áp lực thuế quan từ Mỹ. 

“Tại Mỹ, chúng ta cũng thấy một sự gia tăng đáng kể trong các công cụ cho vay đòn bẩy, tuy không trầm trọng như mức độ nợ doanh nghiệp hiện nay của Trung Quốc. Nhưng khi các công ty chìm trong nợ nần, họ càng bị tổn thương nhiều hơn nếu nền kinh tế giảm tốc” - ông Mark Zandi cho hay. 

Từ lâu nay, gánh nặng nợ khổng lồ là một vấn đề lớn trong cơ cấu nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Theo số liệu của Viện Tài chính Quốc tế hồi tháng 6/2019, tổng số nợ của Trung Quốc đã vượt ngưỡng 300% GDP, chiếm tới 15% nợ công toàn thế giới.

Trong khoảng thời gian 2016-2017, trước khi thương chiến Mỹ Trung bùng nổ, chính phủ Trung Quốc đã cố gắng siết chặt tín dụng nhằm kiềm chế tăng trưởng nợ quốc gia. Tuy nhiên, cuộc chiến tranh thương mại cay đắng với Mỹ cùng những tổn thất nặng nề do các mức trừng phạt thuế quan đã Bắc Kinh phải đảo ngược quyết định của mình. Trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm lại, kim ngạch thương mại giảm sút nghiêm trọng, chính quyền Tập Cận Bình buộc phải tung các gói kích thích kinh tế, bơm thanh khoản và mới đây nhất là cắt giảm lãi suất để kích cầu. 

Ông Chang Xin, Phó Giám đốc Viện Tài chính và Phát triển Quốc gia Trung Quốc nhận định: “Bắc Kinh phải chịu đựng sự gia tăng đòn bẩy tài chính vì mục tiêu ổn định kinh tế”. 

Gánh nặng nợ khổng lồ cũng là nguyên nhân vì sao Bắc Kinh luôn thận trọng mỗi khi tung ra các gói kích thích kinh tế cũng như công cụ tài khóa hay tiền tệ. Nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo các công cụ tiền tệ có thể sẽ không mang đến hiệu quả như kỳ vọng do áp lực từ khối nợ mà Trung Quốc đang oằn lưng gánh chịu. Vậy nên, dù hàng loạt chính phủ trên thế giới như Mỹ, Nhật, Thái Lan, EU… thi hành chính sách tiền tệ nới lỏng, Bắc Kinh cho đến nay không thể hành động tương tự.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục