Sản xuất của Trung Quốc khởi sắc sau khi căng thẳng Mỹ Trung hạ nhiệt

16/12/2019 11:24 GMT+7
Những số liệu kinh tế tháng 11 đang phản ánh sự phục hồi rõ rệt của kinh tế Trung Quốc sau khi căng thẳng thương mại Mỹ Trung có dấu hiệu hạ nhiệt những ngày qua.
Hoạt động sản xuất của Trung Quốc khởi sắc sau khi căng thẳng Mỹ Trung hạ nhiệt - Ảnh 1.

Sản lượng công nghiệp của Trung Quốc bất ngờ phục hồi trong tháng 11

Dữ liệu từ Cục Thống kê quốc gia hôm 16/12 chỉ ra rằng tăng trưởng sản lượng công nghiệp của Trung Quốc đạt mức 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng nhanh nhất trong vòng 5 tháng gần nhất, vượt xa mức dự báo 5,0% mà các chuyên gia phân tích đưa ra trong cuộc thăm dò ý kiến mà Reuters tổ chức. Hồi tháng 10, tăng trưởng sản lượng công nghiệp của Trung Quốc chỉ đạt 4,7%.

Chỉ số sản lượng công nghiệp phản ánh hoạt động của các nhà máy trong tháng 11 đã cho thấy sự phục hồi đáng kể trong lĩnh vực sản xuất của Chính phủ Trung Quốc sau hàng loạt nỗ lực kích thích kinh tế để phục hồi nhu cầu tiêu dùng.

Theo nhà sản xuất máy móc xây dựng Nhật Bản Komatsu, thời gian sử dụng máy móc của các nhà máy Trung Quốc đã chứng kiến sự tăng trưởng trong tháng 11, mức tăng đầu tiên sau 8 tháng gần đây. Như vậy, trong bối cảnh kim ngạch thương mại chưa khởi sắc, lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc đang chứng kiến những dữ liệu đầy triển vọng.

Doanh số bán lẻ trên thị trường tỷ dân đã tăng mạnh 8%, vượt xa dự báo 7,6% do tác động tích cực từ lễ hội mua sắm Ngày độc thân trong tháng. 

Tâm lý lạc quan của ngành sản xuất đến cùng lúc với thỏa thuận thương mại Mỹ Trung giai đoạn 1 chấm dứt cuộc chiến tranh thương mại kéo dài 17 tháng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong nội dung thỏa thuận, các quan chức Mỹ đồng ý dỡ bỏ bớt gánh nặng thuế quan với hàng hóa Trung Quốc để đổi lại cam kết nhập khẩu khoảng 40 tỷ USD nông sản Mỹ cũng như những thống nhất về nguyên tắc liên quan đến luật sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ bắt buộc, dịch vụ tài chính - tiền tệ - ngoại hối...

Bất chấp những tiến triển lạc quan gần đây, các nhà phân tích dự đoán tăng trưởng GDP của Trung Quốc vẫn sẽ nối đà giảm tốc trong năm 2020 do tình hình bất ổn thương mại gia tăng trên toàn cầu. 

Đầu tư tài sản cố định không có dấu hiệu cải thiện, giữ nguyên mức tăng 5,2% trong 11 tháng đầu năm, tốc độ tăng yếu nhất trong nhiều thập kỷ. Trong đó, đầu tư tài sản cố định của khu vực kinh tế tư nhân đã tăng 4,5% trong 11 tháng đầu năm. 

Trong một bối cảnh kinh tế như vậy, chính phủ Trung Quốc dự định duy trì chính sách kinh tế ổn định, kết hợp với các công cụ tiền tệ và tài khóa để duy trì tăng trưởng trong năm tiếp theo. Hồi quý III, tăng trưởng GDP của Trung Quốc chỉ đạt 6%, mức tăng thấp nhất kể từ năm 1992 đến nay. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn kiên quyết duy trì chính sách tiền tệ thận trọng trong bối cảnh gánh nặng nợ công khổng lồ và nguy cơ suy thoái kinh tế.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục