Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành: Doanh nghiệp đã mất mát bao nhiêu, đó vẫn là một ẩn số!

05/12/2021 09:58 GMT+7
Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành cho rằng, trường hợp dịch Covid-19 được khống chế, ổn định được vĩ mô, mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm 2022 là trong tầm tay. Dù vậy, biến đáng lưu tâm là ẩn số doanh nghiệp đã bị mất mát, đặc biệt là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thực ra từ khi có Covid đến nay Việt Nam cũng dùng chính sách tiền tệ nhiều ở chỗ giảm lãi suất và tạo thanh khoản nhưng không quá mức, không như lần trước chúng ta quá say sưa là chỉ dùng chính sách tiền tệ. Mục tiêu của nó là không phải bơm mạnh tiền nhưng thanh khoản ít nhất phải dồi dào, tăng trưởng tín dụng tốt. Thanh khoản tốt thì tốt cho cả thị trường chứng khoán và bất động sản, nhưng cũng không phải nóng, theo kiểu tạo bong bóng

chuyên gia Nguyễn Xuân Thành - Thành viên tổ tư vấn của Thủ tướng chính phủ, Giảng viên Trường Đại học Fulbright Việt Nam

Tín hiệu phục hồi rất tốt nhưng vẫn cần gói cứu trợ kinh tế

Phát biểu tại tọa đàm "Tìm kiếm động lực tăng trưởng cho năm 2022" do Chứng khoán VnDirect tổ chức, Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành - Thành viên tổ tư vấn của Thủ tướng chính phủ, Giảng viên Trường Đại học Fulbright Việt Nam đánh giá, Việt Nam đã vượt qua một phần khó khăn trong sản xuất. Cả nước đã ngưng giãn cách diện rộng và bắt đầu mở cửa, nhờ vậy sản xuất công nghiệp phục hồi khá tốt trong thời gian qua.

Dù vậy, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành cũng có những quan ngại.

Liệu phục hồi sản xuất mạnh hơn nữa có dẫn đến tình trạng khan hiếm lao động hay không. Nhưng hiện nay tình hình vẫn khá suôn sẻ với khu vực công nghiệp.

Trong khi đó, dịch vụ vẫn còn nhiều khó khăn, sức mua yếu kém, hoạt động dịch vụ vẫn trong vùng đỏ suy giảm, sức mua trong nước yếu.

Và doanh nghiệp đang phải chịu quá nhiều giấy phép con được "sinh ra" trong giai đoạn chống dịch Covid-19. Điều này dẫn đến các doanh nghiệp phải gánh chịu thêm nhiều chi phí để tuân thủ các quy định.

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành: Doanh nghiệp đã mất mát bao nhiêu, đó vẫn là một ẩn số! - Ảnh 1.

Ảnh chụp màn hình.

Theo Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, kinh tế Việt Nam quý 3 rất xấu, nguyên nhân đến từ vùng kinh tế phía nam bị giãn cách nên suy giảm mạnh. Nhưng tháng 11 vừa rồi kinh tế đã tăng trưởng trở lại, bất chấp những cảnh báo như doanh nghiệp cạn tiền, lao động khan hiếm. Đó là tín hiệu rất tốt.

"Theo tôi cứ bền vững, chấp nhận sống chung với Covid-19 thì tăng trưởng sẽ dương lại. Không chỉ thể hiện ở con số thống kê, mà nền kinh tế được hỗ trợ bởi vĩ mô vẫn ổn định, thanh khoản hệ thống tài chính tốt, doanh nghiệp vẫn tiếp cận được với tín dụng", ông Thành cho hay.

Bên cạnh đó, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành cho rằng, tầng lớp trung lưu cấp trên vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ, sức mua chủ yếu vẫn đến từ tầng lớp trung lưu cấp thấp, tuy nhiên số đó bị ảnh hưởng thu nhập nhiều nên dẫn đến sức mua yếu.

"Để mà phục hồi sức mua trong thời gian sắp tới, rõ ràng chúng ta cần gói cứu trợ kinh tế giúp phục hồi lại sức mua, phục hồi lại tổng cầu của trong nước", ông Thành nhấn mạnh.

Nền tảng vĩ mô ổn định - Tăng trưởng tín dụng năm 2021 có thể vượt mức 12%

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành đánh giá, có một điểm thuận lợi của Việt Nam trong thời gian dịch bệnh là nền tảng vĩ mô ổn định.

Bài học xương máu 12 năm trước đây đã giúp cho năm 2021 ngay cả bị tác động mạnh nhưng nền tảng vĩ mô không bị xói mòn, sức mua yếu nên lạm phát thấp, cả kể có lo ngại về cán cân thương mại quốc tế nhưng dòng vốn vẫn chảy vào, nhập khẩu đầu năm tăng mạnh nhưng 11 tháng lại thặng dư trở lại, dự trữ ngoại hối vẫn cao.

Thậm chí, so với Thái Lan hay Indonesia thì Việt Nam trong đợt dịch này chưa phải dùng ngoại tệ hỗ trợ kinh tế và chống dịch, do đó, gói hỗ trợ cho sang năm sẽ không làm xói mòn ổn định vĩ mô.

"Giai đoạn bất ổn 12 năm trước đây, tín dụng tăng mạnh kéo theo lạm phát. Và để chống lạm phát lại phải thắt chặt, giảm tăng trưởng tín dụng. Còn trong hai năm Covid-19, áp lực lạm phát chưa lớn và tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn duy trì", ông Thành nói.

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành: Doanh nghiệp đã mất mát bao nhiêu, đó vẫn là một ẩn số! - Ảnh 2.

Ảnh chụp màn hình

Về tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2021 đạt 12%. Tuy nhiên, ông Thành cho rằng năm nay sẽ đạt mức cao hơn.

"Thực ra từ khi có Covid đến nay Việt Nam cũng dùng chính sách tiền tệ nhiều ở chỗ giảm lãi suất và tạo thanh khoản nhưng không quá mức, không như lần trước chúng ta quá say sưa là chỉ dùng chính sách tiền tệ. Mục tiêu của nó là không phải bơm mạnh tiền nhưng thanh khoản ít nhất phải dồi dào, tăng trưởng tín dụng tốt. Thanh khoản tốt thì tốt cho cả thị trường chứng khoán và bất động sản, nhưng cũng không phải nóng, theo kiểu tạo bong bóng", ông Thành nêu quan điểm.

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành cho rằng, chúng ta có thể kỳ vọng năm tới có gói chính sách để phục hồi kinh tế mà ưu tiên hàng đầu vẫn là ổn định vĩ mô, quy mô lớn nhưng cũng chỉ ở mức độ không làm xói mòn nền tảng vĩ mô, vẫn kiểm soát lạm phát dưới 4%. Kích cầu và hỗ trợ phục hồi phụ thuộc nhiều hơn vào chính sách tài khóa thay tiền tệ.

Thế nhưng, có một nỗi lo thường trực là Việt Nam chưa lạm phát cao nhưng thế giới đang phải đối mặt, nên không thể tiếp tục nới lỏng tiền tệ. Tiền tệ chỉ cần duy trì ở trạng thái đảm bảo thanh khoản tốt, ổn định mặt bằng lãi suất.

Trường hợp áp lực lạm phát xuất hiện, Ngân hàng nhà nước buộc phải điều chỉnh chính sách tiền tệ. Nếu phải chống lạm phát thì có thể phải thắt chặt tiền tệ, từ đó sẽ ảnh hưởng tới chứng khoán. Tuy nhiên, áp lực này trước mắt chưa lớn, có thể vẫn còn tốt cho đến tháng 4 năm sau.

Năm 2022 tăng trưởng kinh tế có thể đạt 6,5% thậm chí 7,5%

Đối với chính sách tài khóa, tỷ lệ bội chi ngân sách năm 2022 vẫn đang được dự toán ở mức 4% GDP. Song, chỉ ở mức 4% thì tiền thực để kích cầu sẽ không đáng kể. Do đó, kế hoạch có thể dùng những nguồn lực ngoài ngân sách để có 1 gói hỗ trợ để tăng chi cho ngành y tế, tiếp tục một số chính sách miễn giảm thuế để giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, đầu tư mạnh cho cơ sở hạ tầng, kích đầu tư công để giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành: Doanh nghiệp đã mất mát bao nhiêu, đó vẫn là một ẩn số! - Ảnh 3.

Ảnh chụp màn hình.

Trường hợp dịch Covid-19 được khống chế, ổn định được vĩ mô chuyên gia Nguyễn Xuân Thành nhận định mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm 2022 là trong tầm tay. Thậm chí, trường hợp có gói hỗ trợ tốt hơn mà không phải thắt chặt tiền tệ, áp lực lạm phát không xuất hiện.. thì tăng trưởng sẽ có thể đạt 7,5%.

Còn trường hợp dịch xấu đi, ông Thành đánh giá chúng ta vẫn không cần phải quá hoang mang vì đã thích ứng rồi. Khả năng cao doanh nghiệp không phải đóng cửa trở lại như vừa qua. Nếu lại xảy ra đứt gãy chuỗi cung ứng kéo dài thì có thể phải thắt chặt tiền tệ vì lạm phát, điều này sẽ ảnh hưởng tới thị trường tài chính. Trong kịch bản xấu này thì tăng trưởng kinh tế là khoảng 5%.

Ngoài ra, theo Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, còn một dấu hỏi lớn đó là doanh nghiệp đã bị mất mát bao nhiêu? đặc biệt là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ - đó là một ẩn số. Ngân hàng vẫn ổn, nhưng kiểu gì thì nợ xấu sẽ phải xuất hiện vào giữa sang năm, khi mà việc cho phép cơ cấu nợ hết hạn, ngân hàng sẽ tiến hành phân loại nợ đúng loại.




Q.D
Cùng chuyên mục