Chuyên gia "tiết lộ" về con số 616.000 tỷ đồng và nguyên nhân bảo hiểm nhân thọ biến tướng

14/04/2023 16:05 GMT+7
Ở Việt Nam, phân phối bảo hiểm qua ngân hàng tăng khá nhanh. Thống kê cho thấy, cuối 2022, bảo hiểm liên kết chiếm 33%. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nhanh, bán bảo hiểm qua ngân hàng đang tồn tại những bất cập cần được tháo gỡ.

Theo số liệu thống kê, quy mô thị trường bảo hiểm tại Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 1,9% GDP.

Tại Thái Lan con số này lên tới 3,2% GDP, và 5,7% GDP trên thế giới. Như vậy có thể thấy, quy mô bảo hiểm của Việt Nam so với tiềm lực nền kinh tế còn rất hạn chế.

Trong khi đó, số liệu từ Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính chỉ ra rằng, năm 2022, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã đầu tư trở lại nền kinh tế hơn 616.000 tỷ đồng, số tiền bảo hiểm chi trả cho khách hàng lên tới 42.561 tỷ đồng.

TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV đánh giá, số tiền lên tới hơn 616.000 tỷ đồng được các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đầu tư trở lại nền kinh tế là nguồn vốn rất lớn. "Nên nói bảo hiểm đóng góp quan trọng đầu tư cho nền kinh tế cũng như bảo toàn cho người dân khi tham gia bảo hiểm là đúng", ông Lực nhấn mạnh.

Xét riêng về kênh bảo hiểm liên kết với ngân hàng (Bancassurance), theo vị chuyên gia này, trên thế giới đã có từ hơn một thế kỷ qua. Bancassurance chiếm khoảng 35% trong phân phối bảo hiểm của công ty bảo hiểm còn 65% phân phối qua các kênh khác.

Ở Việt Nam, phân phối bảo hiểm qua ngân hàng tăng khá nhanh. Thống kê cho thấy, cuối 2022, bảo hiểm liên kết chiếm 33%, đã gần tiếp cận với tỷ quốc tế bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng. Theo ông Lực, đây cũng là xu thế tương lại và tất yếu.

Cũng phải nói thêm rằng, hoạt động phân phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng nếu triển khai đúng sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên. Đối với khách hàng có thể tham gia sản phẩm dịch vụ tài chính trọn gói với mức chi phí hiệu quả.

Đối với doanh nghiệp bảo hiểm sẽ giúp tận dụng được mạng lưới rộng khắp của hệ thống ngân hàng, tiết kiệm đáng kể chi phí tổ chức mạng lưới bán hàng, cơ sở vật chất, từ đó giảm được phí bảo hiểm cho khách hàng.

Có nhiều phân đoạn thị trường khách hàng mà trước đó doanh nghiệp bảo hiểm chưa tiếp cận được do cách trở về địa lý, mạng lưới phân phối bảo hiểm chưa vươn tới, khách hàng ở các khu vực thưa dân... thì qua kênh Bancassurance, doanh nghiệp bảo hiểm đã có cơ hội tiếp cận, từ đó tư vấn cung cấp sản phẩm bảo hiểm phù hợp nhất, đáp ứng tốt nhất nhu cầu bảo hiểm của các tổ chức, cá nhân.

Đối với ngân hàng, có thể giúp tăng thêm sự trải nghiệm và duy trì khách hàng, góp phần tăng doanh thu của ngân hàng.

Chuyên gia "tiết lộ" về con số 616.000 tỷ đồng và nguyên nhân bảo hiểm nhân thọ biến tướng - Ảnh 2.

Thị trường bảo hiểm đang tồn tại những bất cập cần được tháo gỡ.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nhanh, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV thừa nhận, thị trường bảo hiểm đang tồn tại những bất cập cần được tháo gỡ.

Vị này nêu rõ các nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng biến tướng trên thị trường bảo hiểm trong thời gian qua.

Thứ nhất, xét về khách quan, theo TS Cấn Văn Lực, thị trường tài chính, chứng khoán nói riêng gặp khó trong khi bảo hiểm đem phí đi đầu tư. Cùng với đó, hợp đồng liên kết với khách hàng để đầu tư chiếm đến 85%. Như vậy, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã đi chệch hướng.

Thứ hai, pháp luật chưa nghiêm với cả bên bán và bên mua. Bên bán nhắc lại 1,2 lần nhưng khách hàng không đọc kĩ. Dẫn đến những kiện tụng.

Ba là, về chủ quan do chất lượng tư vấn của nhân viên bảo hiểm chúng ta chưa tốt. "Đâu đó cũng bị sức ép về doanh thu, chạy theo doanh số bán hàng. Kiến thức về bảo hiểm rất phức tạp. Chúng tôi là những người trong nghề nhưng kiến thức trong lĩnh vực này cũng không dễ dàng. Hợp đồng bảo hiểm chúng ta dài quá, lên tới 80-100 trang. Tôi nghĩ, hợp đồng bảo hiểm chỉ cần 10-20 trang để người dân mua đọc cũng hiểu", ông Lực khuyến nghị.

Bốn là, vấn đề từ người tiêu dùng. Theo ông Lực, có thực tế là người tham gia bảo hiểm không biết được mục đích khi tham gia là gì? Để ngừa rủi ro hay tích lũy cho con cháu hay đầu tư sinh lời.

Cuối cùng, tính tuân thủ trong tham gia hợp đồng của người tham gia bảo hiểm chưa cao. Dù có khó hiểu thì khách hàng cũng nên đọc chương, mục quan trọng nhất là liên quan đến mức độ bồi thường, thời gian tham gia bảo hiểm,…

Hiện nay, chúng ta có quy định pháp luật đầy đủ về nhiều lĩnh vực, trong đó thông tư hướng dẫn luật kinh doanh bảo hiểm sửa đổi. Tôi mong Bộ Tài chính sớm ban hành thông tư, quy định, hướng dẫn, triển khai luật kinh doanh bảo hiểm. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp túc rà soát lại thông tư nội ngạch để làm tốt hơn việc liên kết giữa ngân hàng và doanh nghiệp.

Về mẫu hợp đồng, nên đơn giản, ngắn gọn. Hiện nay, hợp đồng bảo hiểm dài tới 100 trang, rất ít người dân đọc hết. Trong khi đó, ở nước ngoài, mẫu hợp đồng bảo hiểm rất đơn giản, có những điều khoản chỉ cần đánh dấu tích.

Sau những vụ vừa qua, chúng ta cần rà soát quy định chuẩn hóa nhân sự liên quan như đại lý bảo hiểm, nhân viên tư vấn. Doanh nghiệp bảo hiểm cần rà roát chính sách, quy trình nội bộ cũng như xem lại rà roát lại mạng lưới đại lý, tư vấn bảo hiểm.

Cùng với đó, Chính phủ cần có chương trình quốc gia giáo dục tài chính để nâng cao kiến thức về bảo hiểm của người dân tăng lên. Ngược lại, bản thân các đại lý bảo hiểm cần ra soát lại, gia cố lại nhân viên của mình. Về phía người dân, cần nắm rõ mục đích mình mua bảo hiểm và đọc kĩ hợp đồng.

TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV

H.Anh
Cùng chuyên mục