42.561 tỷ đồng chi trả/năm: Chuyên gia nói thẳng "Bảo hiểm là kênh phòng ngừa rủi ro, đầu tư nên chọn lĩnh vực khác"

14/04/2023 12:11 GMT+7
Mỗi năm số tiền bảo hiểm chi trả cho khách hàng lên tới 42.561 tỷ đồng. TS Cấn Văn Lực đặc biệt nhấn mạnh, bảo hiểm là kênh phòng ngừa rủi ro chứ không phải lĩnh vực đầu tư. Với mục đích đầu tư, người dân nên lựa chọn lĩnh vực khác.

Trên thế giới, bảo hiểm nhân thọ xuất hiện từ khoảng thế kỷ 17, ban đầu là bảo vệ cho tính mạng của các thuyền viên trước những rủi ro biến cố bất ngờ khi đi biển, sau mở rộng sang bảo hiểm cho người trụ cột kinh tế gia đình không may tử vong, gia đình họ sẽ được công ty bảo hiểm bù đắp tài chính nhanh chóng để ổn định cuộc sống.

Với nhận thức ngày càng được nâng cao của con người về tầm quan trọng của bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm nhân thọ đã mở rộng với mọi đối tượng: người già, trẻ em hoặc bất kỳ ai có nhu cầu được bảo vệ trước những rủi ro không lường trước.

TS Cấn Văn Lực: Bảo hiểm là kênh phòng ngừa rủi ro, đầu tư nên chọn lĩnh vực khác - Ảnh 1.

Trên thế giới, bảo hiểm nhân thọ xuất hiện từ khoảng thế kỷ 17.

Bảo hiểm hoạt động trên nguyên tắc số đông bù số ít. Mối quan hệ trong hoạt động bảo hiểm không chỉ là mối quan hệ giữa doanh nghiệp bảo hiểm và người được bảo hiểm, mà suy rộng ra đó là mối quan hệ giữa những người được bảo hiểm thông qua cơ chế hình thành và sử dụng quỹ bảo hiểm.

Tập hợp các khoản phí bảo hiểm mà số đông bên mua bảo hiểm đóng vào một quỹ chung chính là để trang trải, bù đắp cho những thiệt hại, mất mát của số ít người không may mắn khác cùng tham gia bảo hiểm.

Thực chất bảo hiểm là việc phân chia tổn thất của một số ít người cho tất cả những người tham gia cùng chịu. Đây chính là ý nghĩa nhân văn của bảo hiểm, thể hiện tinh thần tương trợ chia sẻ khó khăn, mất mát thiệt hại khi gặp hoạn nạn giữa những người tham gia bảo hiểm.

'Ép' mua bảo hiểm khi vay vốn ngân hàng: Vi phạm quy định!

Ở Việt Nam, số liệu từ Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, sau khoảng gần 30 năm hình thành và phát triển, thị trường bảo hiểm nhân thọ đến nay đã có 19 doanh nghiệp, cung cấp hơn 500 sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe.

Quyền lợi bảo hiểm cũng được mở rộng hơn, ngoài các quyền lợi bảo vệ còn có các quyền lợi về đầu tư, tích lũy, đảm bảo cho người tham gia bảo hiểm yên tâm hưởng thụ cuộc sống và dự phòng các kế hoạch tài chính cho tương lai.

Với gần 14 triệu hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 900.000 đại lý, người lao động, trong năm 2022, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã đầu tư trở lại nền kinh tế hơn 616.000 tỷ đồng, số tiền bảo hiểm chi trả cho khách hàng lên tới 42.561 tỷ đồng, bảo hiểm nhân thọ đang ngày càng trở nên quen thuộc với người dân.

TS Cấn Văn Lực: Bảo hiểm là kênh phòng ngừa rủi ro, đầu tư nên chọn lĩnh vực khác - Ảnh 2.

Bà Phạm Thu Phương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính. (Ảnh: Baotienphong)

Khẳng định, cơ sở thúc đẩy bảo hiểm nhân thọ ra đời chính là nhu cầu thực tế phát sinh trong cuộc sống con người. Khi đã đáp ứng đúng, đáp ứng trúng nguyện vọng của người tham gia thì sự phát triển của bảo hiểm nhân thọ là tất yếu. Chính vì vậy, bà Phạm Thu Phương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho hay, nếu đã có yếu tố ép buộc khi giao kết hợp đồng bảo hiểm sẽ đi ngược lại với mục đích ra đời của bảo hiểm nhân thọ, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của bảo hiểm nhân thọ.

"Giao dịch bảo hiểm cũng là giao dịch dân sự, phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng lợi ích các bên. Thời gian qua còn tồn tại hiện tượng một số nhân viên tín dụng gợi ý, chèo kéo khách hàng tham gia bảo hiểm nhân thọ khi có nhu cầu vay vốn ngân hàng, làm mất đi tính tự nguyện tham gia bảo hiểm của khách hàng, khiến cho khách hàng cảm thấy ấm ức không thoải mái. Hoạt động này đã vi phạm nguyên tắc "tự nguyện" được quy định tại các văn bản pháp luật về kinh doanh bảo hiểm", bà Phương nhấn mạnh tại tọa đàm "Hợp tác giữa Bảo hiểm - Ngân hàng: Thực trạng và vướng mắc cần tháo gỡ" do báo Tiền Phong tổ chức ngày 14/4.

Nêu quan điểm của mình, TS Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho hay, các quy định của Ngân hàng Nhà nước hiện nay không được ép mua bảo hiểm.

"Gần đây xuất hiện một số nhân viên bị giao chỉ tiêu, vì ngân hàng, tổ chức tín dụng đó có hợp đồng độc quyền với bên bảo hiểm, mà độc quyền thì phải bổ trợ cho nhau nên mới có chuyện áp lực doanh số. Tuy nhiên, rõ ràng vấn đề này chỉ là một số ngân hàng. Ví dụ, một số hoạt động đặc thù như vay thấu chi với độ rủi ro cao nên chúng ta cần khuyến khích việc phát triển bảo hiểm", TS Lực dẫn chứng.

Cũng theo chia sẻ của Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, hiện nay, chúng ta có quy định pháp luật đầy đủ về nhiều lĩnh vực, trong đó Thông tư hướng dẫn luật kinh doanh bảo hiểm sửa đổi. Ông mong rằng, Bộ Tài chính sớm ban hành thông tư, quy định, hướng dẫn, triển khai luật kinh doanh bảo hiểm. Cùng với đó, Ngân hàng nhà nước tiếp túc rà soát lại thông tư nội ngạch để làm tốt hơn việc liên kết giữa ngân hàng và doanh nghiệp.

Chuyên gia nói thẳng về những vấn đề người tiêu dùng "bức xúc"

Về ý kiến cho rằng, hợp đồng bảo hiểm quá dài và khó hiểu, ông Lực kiến nghị, mẫu hợp đồng bảo hiểm cần đơn giản, ngắn gọn. Hiện nay, hợp đồng bảo hiểm dài tới 100 trang, rất ít người dân đọc hết. Trong khi đó, ở nước ngoài, mẫu hợp đồng bảo hiểm rất đơn giản, có những điều khoản chỉ cần đánh dấu tích.

Đối với những bức xúc liên quan đến chất lượng đại lý và tư vấn viên bảo hiểm, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho hay, sau những vụ vừa qua, rà soát quy định chuẩn hóa nhân sự liên quan như đại lý bảo hiểm, nhân viên tư vấn là điều hết sức cần thiết. Doanh nghiệp bảo hiểm cũng cần rà soát chính sách, quy trình nội bộ cũng như xem lại rà soát lại mạng lưới đại lý, tư vấn bảo hiểm.\

TS Cấn Văn Lực: Bảo hiểm là kênh phòng ngừa rủi ro, đầu tư nên chọn lĩnh vực khác - Ảnh 4.

TS Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV.

Cùng với đó, Chính phủ cần có chương trình quốc gia giáo dục tài chính để nâng cao kiến thức về bảo hiểm của người dân tăng lên. Ngược lại bản thân các đại lý bảo hiểm cần ra soát lại, gia cố lại nhân viên của mình.

Ông dẫn chứng, như tại Trung Quốc có quy định rõ, tư vấn bảo hiểm cần người có kinh nghiệm, sau 2-3 năm kinh nghiệm mới được tư vấn khách hàng, hay bảo hiểm cần có quầy bán riêng… Việt Nam có thể tham khảo thêm kinh nghiệm của quốc gia này, theo ông Lực.

Về phía người dân, theo vị này, cần nắm rõ mục đích mình mua bảo hiểm và đọc kĩ hợp đồng.

TS Cấn Văn Lực cũng đặc biệt nhấn mạnh, bảo hiểm là kênh phòng ngừa rủi ro chứ không phải lĩnh vực đầu tư. Với mục đích đầu tư, người dân nên lựa chọn lĩnh vực khác.

"Tôi cho rằng đây là thời điểm chúng ta cần phải sốc lại thị trường bảo hiểm", ông Lực nhấn mạnh thêm.

H.Anh
Cùng chuyên mục