Chuyên gia Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đề xuất bỏ hạn mức tín dụng, hạn chế tình trạng “xin cho” mở room

08/12/2021 16:11 GMT+7
Các chuyên gia trường Đại học Kinh tế Quốc dân khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu để bỏ hạn mức tín dụng, tránh tình trạng nặng nề về thủ tục và can thiệp hành chính cũng như tình trạng xin, cho để được mở room tín dụng.

Tham luận tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam tổ chức mới đây, nhóm nghiên cứu của trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, mặc dù đã đạt được một số kết quả, nhưng thực tiễn triển khai chính sách tiền tệ còn có những vấn đề hạn chế còn tồn tại.

Lại đề xuất bỏ hạn mức tín dụng, hạn chế tình trạng "xin cho" để được mở room

Thứ nhất, lãi suất cho vay mặc dù đã được giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, cao hơn so với các nước trong khu vực. Lãi suất cho vay khách hàng là hộ thoát nghèo và hộ cận nghèo của ngân hàng chính sách gần tương đương lãi suất cho vay khách hàng của ngân hàng thương mại.

Hai là, công cụ dự trữ bắt buộc chưa được Ngân hàng Nhà nước điều hành linh hoạt nên chưa phát huy hiệu quả trong việc tăng khả năng cung ứng tín dụng, giảm chi phí tín dụng, tăng khả năng tạo tiền để từ đó tác động làm giảm mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế.

Lại đề xuất bỏ hạn mức tín dụng, hạn chế tình trạng “xin cho” để được mở room  - Ảnh 1.

Đề xuất bỏ hạn mức tín dụng, hạn chế tình trạng "xin cho" để được mở room. (Ảnh: ABB)

Ba là, điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước chưa có tác động giảm lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng.

Minh chứng là Ngân hàng Nhà nước còn phải thông qua đầu mối Hiệp hội ngân hàng để kêu gọi, thuyết phục các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay, giảm lãi suất đối với khách hàng. Từ đó có 16 Ngân hàng thống nhất và cam kết giảm lãi suất cho vay.

Bốn là, Ngân hàng Nhà nước duy trì quá lâu công cụ hành chính đó là hạn mức tín dụng, thậm chí là thông báo kế hoạch "nhỏ giọt", tạo ra cơ chế xin cho của Ngân hàng Nhà nước đối với Ngân hàng thương mại.

Do đó, nhóm nghiên cứu đặc biệt khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu để bỏ hạn mức tín dụng đối với các NHTM đáp ứng được các tiêu chí của Basel II và có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% nhằm giải phóng năng lực và tăng tính chủ động trong việc cấp tín dụng lành mạnh của các tổ chức tín dụng đó. Tránh tình trạng nặng nề về thủ tục và can thiệp hành chính cũng như tình trạng xin, cho để được mở room tín dụng.

Áp "trần" là công cụ hữu hiệu trước mắt

Thực tế không phải thời điểm này đề xuất bỏ trần tín dụng mới được đặt ra. Trước đó, cũng đã không ít chuyên gia đề xuất nên bãi bỏ hạn mức tăng trưởng tín dụng giao cho các ngân hàng từng năm. Bởi cơ chế này mang tính hành chính, có thể làm triệt tiêu động lực kinh doanh của các ngân hàng.

"Kkhông nhất thiết phải áp trần tăng trưởng tín dụng với từng ngân hàng, thay vào đó có thể kiểm soát dòng vốn tín dụng của các tổ chức bằng các yếu tố khác, đó là tính thanh khoản, tỷ lệ dư nợ tín dụng trên vốn huy động, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, tỷ lệ an toàn vốn, kiểm soát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích", TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính ngân hàng đề cập.

Đây cũng là quan điểm của TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia. "Về lâu dài, cần quản lý các ngân hàng bằng các chỉ số tài chính thay vì công cụ hành chính là trần tăng trưởng tín dụng. Đến nay, rất ít quốc gia trên thế giới còn sử dụng công cụ giao chỉ tiêu tín dụng," ông Lực nói.

Lại đề xuất bỏ hạn mức tín dụng, hạn chế tình trạng “xin cho” để được mở room  - Ảnh 3.

Trần tín dụng là giải pháp điều hành quan trọng của Ngân hàng Nhàn nước thời gian qua, góp phần quản lý chất lượng tín dụng. (Ảnh: ACB)

Vì sao nhà điều hành vẫn muốn giữ cơ chế này trong bối cảnh hiện nay?

Trong văn bản giải trình của Thống đốc Nguyễn Thị Hồng về ý kiến của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Phương - Đoàn Đại biểu tỉnh Gia Lai liên quan đến vấn đề bỏ hạn mức tăng trưởng tín dụng mới đây, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết: Từ thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế, thị trường vốn, thị trường chứng khoán có vai trò chủ đạo cung cấp vốn trung dài hạn cho nền kinh tế, hệ thống ngân hàng chủ yếu cung cấp vốn ngắn hạn.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, do thị trường vốn, thị trường chứng khoán còn chưa phát triển đúng với vai trò, vị thế của mình, nên việc cân đối vốn cho nền kinh tế (đặc biệt là vốn trung dài hạn) vẫn dựa nhiều vào vốn ngân hàng, từ đó luôn tiềm ẩn rủi ro kỳ hạn, rủi ro thanh khoản đối với hệ thống ngân hàng (huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn), kéo theo sức ép và rủi ro.

Hiện nay, tỷ lệ tín dụng trên GDP vẫn của Việt Nam hiện vẫn ở mức khá cao và có xu hướng tăng, quy mô tín dụng đã rất lớn (theo như khuyến cáo của World Bank). Do đó tăng trưởng tín dụng quá cao không chỉ tiềm ẩn rủi ro bất ổn vĩ mô chung cho nền kinh tế mà còn gia tăng rủi ro đối với từng tổ chức tín dụng (TCTD), ảnh hưởng đến an toàn của hệ thống ngân hàng.

Đây cũng là bài học kinh nghiệm cho ngành ngân hàng sau giai đoạn tăng trưởng tín dụng nóng, dẫn đến những hệ lụy phải xử lý nợ xấu, tái cơ cấu các TCTD.

Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn hệ thống, kiểm soát chặt chẽ nợ xấu, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước kiên định kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng theo hướng đưa ra chỉ tiêu tín dụng định hướng đầu năm và thông báo cho từng TCTD.

Trước đó, tại cuộc họp báo hồi giữa năm, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đã nhấn mạnh, tín dụng ngân hàng là nguồn cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế, có vai trò và sứ mệnh quan trọng, trong khi ở các nước khác, nguồn cung ứng vốn đến từ nhiều thị trường khác như chứng khoán và trái phiếu.

"Vì vậy, trần tín dụng là giải pháp điều hành quan trọng của Ngân hàng Nhàn nước thời gian qua, góp phần quản lý chất lượng tín dụng. Nếu không quản lý tốt việc tăng trưởng một cách hài hòa, hợp lý, các ngân hàng tăng trưởng tín dụng ồ ạt, không kiểm soát được thì nợ xấu có nguy cơ tăng mạnh. Tuy nhiên, phương thức áp trần tín dụng có thể thay đổi trong tương lai, trong điều kiện thị trường phát triển, vốn đầu tư trung và dài hạn được giải ngân ở thị trường tài chính, không phải huy động vốn ngắn hạn để cho vay dài hạn như hiện nay ", Phó Thống đốc nói.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục