Chuyên gia VinaCapital bật mí về danh mục đầu tư năm 2023

26/12/2022 10:25 GMT+7
Theo chuyên gia của VinaCapital, năm 2023 sẽ cân nhắc tăng tỷ trọng các ngân hàng có lợi thế cạnh tranh về các chỉ số thanh khoản, danh mục cho vay đa dạng và quản trị rủi ro tốt

Chia sẻ chiến lược lựa chọn danh mục, tại Talkshow Chọn danh mục kỳ thứ 9 do báo Đầu tư tổ chức với chủ đề "Nhận diện biến số 2023", bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc Đầu tư, Người điều hành Quỹ Đầu tư Cổ phiếu Tiếp cận Thị trường Việt Nam (VESAF) thuộc VinaCapital cho biết, nửa năm 2022 các quỹ khá thận trọng, nhất là khi chính sách tiền tệ vẫn ở trạng thái thắt chặt, gần đây có các yếu tố tích cực về chính sách thì bắt đầu giải ngân.

Năm 2023 vẫn sẽ khá thách thức cho thị trường cổ phiếu, chủ yếu là do những yếu tố hỗ trợ nói trên mang tính không chắc chắn về mặt thời gian. Thị trường chứng khoán có thể vẫn biến động trong biên độ hẹp trong nửa đầu năm, trước khi bước vào giai đoạn tăng tốc trong nửa cuối năm.

"Nửa cuối 2022, chúng tôi không phân bổ nhiều vào ngân hàng, nhưng năm 2023 sẽ cân nhắc tăng tỷ trọng các ngân hàng có lợi thế cạnh tranh về các chỉ số thanh khoản, danh mục cho vay đa dạng và quản trị rủi ro tốt. Khi lãi suất có xu hướng tăng chậm lại, có thể nghĩ đến cổ phiếu các công ty chứng khoán có sự phân bổ đồng đều về các dịch vụ sinh lời", bà Phương nói.

Chuyên gia VinaCapital bật mí về danh mục đầu tư năm 2023 - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc Đầu tư, Người điều hành Quỹ Đầu tư Cổ phiếu Tiếp cận Thị trường Việt Nam (VESAF). Ảnh Báo Đầu tư

Các công ty trong ngành hưởng lợi từ các yếu tố hỗ trợ vĩ mô như vật liệu xây dựng, bán lẻ, các công ty xuất khẩu chọn lọc, dầu khí, cảng biển.

Bà Phương cũng chia sẻ, một chủ đề đầu tư mà VinaCapital vẫn yêu thích đó là các doanh nghiệp hưởng lợi từ chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Apple có kế hoạch sản xuất Macbook ở Việt Nam từ giữa 2023, các doanh nghiệp may mặc Nhật Bản chuyển bớt sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, Lego có nhà máy đầu tiên và tiếp tục mở rộng ở Việt Nam, đều là những minh chứng cho triển vọng tích cực thu hút FDI của Việt Nam trong các năm tới.

"Tóm lại, chúng tôi bớt bi quan hơn khi cơ cấu danh mục, sẽ có thêm tỷ trọng cổ phiếu có tính chất biến động hơn, nhưng cũng vẫn thận trọng trong chọn lọc doanh nghiệp trong 2023. VISAF và các quỹ Vina xuyên suốt các năm qua không thay đổi nhiều, chỉ là thay đổi về mặt tỷ trọng cổ phiếu, tiền mặt, hoặc tỷ trọng vào các công ty có mức rủi ro cao hơn là phòng thủ…đó là cách xây dựng danh mục và điều chỉnh tỷ trọng sao cho giảm rủi ro khi tt giảm, tăng tốc nhanh hơn khi tt bật lại. Năm 2023 cũng vậy, nếu 2022 chúng tôi cảm thấy bi quan và phòng thủ hơn, thì 2023 mức độ phòng thủ giảm đi nhiều, và chúng tôi tăng tỷ trọng cổ phiếu hơn, và tăng ngành rủi ro hơn trước khi kinh tế phục hồi", bà Phương nói.

Chia sẻ về chủ đề này, bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc SSI Research cho rằng, đối với dòng vốn ngoại, nếu cần soi kỹ thông thường đến từ hai nhóm ETF là quỹ đầu tư thụ động và nhóm chủ động. Nhóm quỹ đầu tư chủ động thông thường tập trung vào việc chọn cổ phiếu của VinaCapital nhìn nhận và lựa chọn danh mục đầu tư như thế nào. Còn với các quỹ ETF, thông thường đó là quỹ đầu tư bị động nên họ sẽ phân bổ theo dòng cổ phiếu đã được định sẵn từ trước và cách phân bổ của họ khá nhanh.

Sự khác biệt giữa hai loại hình này với quỹ chủ động  có thời hạn đầu tư khá dài và nhìn vào triển vọng tăng trưởng Việt Nam trong thời gian dài. Còn ETF có thời hạn đầu tư tương đối ngắn hơn, với việc rút ra đảo chiều có thể khá nhanh. "Nhưng thời gian gần đây chúng tôi không quan sát thấy việc đảo chiều đó diễn ra quá bất ngờ, nhất là trong thời điểm thị trường Việt Nam đang ở định giá thấp như vậy, có lẽ là chúng ta cũng không kỳ vọng có những sự đảo chiều quá nhanh sau khi có dòng vốn mới vào", bà Phương nói.

Phân bổ tỷ trọng đồng đều

Đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư, bà Nguyễn Hoài Phương cho rằng, muốn có danh mục an toàn hơn, đồng thời có cơ hội bứt phá tốt nhất là phân bổ đồng đều, tỷ trọng ở những doanh nghiệp mang tính phòng thủ, có dòng tiền tốt, cổ tức cao. Đồng thời chọn doanh nghiệp có sự bứt phá, kinh doanh vẫn đang trong giai đoạn tốt, có cơ hội lấy được thị phần trong điều kiện kinh tế khó khăn. Vậy nên tập trung công ty có yếu tố cơ bản thực sự tốt, không nên tập trung quá nhiều vào những cổ phiếu có các chất xúc tác" ngắn hạn vì sẽ đối diện rủi ro đảo chiều nhanh khi thị trường đảo chiều.

Trong khi đó, bà Hoàng Việt Phương cho rằng, với đầu tư dài hạn chúng ta thấy rất nhiều cơ hội trong thời điểm này, có những doanh nghiệp đầu ngành chúng ta chỉ mua được giờ này với mức giá rất thấp và chỉ cần chọn thời điểm thích hợp để mua vào dần dần trong khoảng thời gian 6 tháng sắp tới chẳng hạn.

Với trường phái đầu tư ngắn hạn sẽ khó hơn nhiều, như đã trao đổi, có thể thấy năm 2023 vẫn sẽ là một năm gập ghềnh có những đợt lên xuống do có những rủi ro của thị trường vẫn còn. Do vậy, việc xác định các nhóm ngành như thế nào, SSI vẫn khuyến nghị không nên vào nhóm ngành có mức độ rủi ro cao liên quan đến các thị trường đang gặp các vấn đề, cho đến khi các vấn đề đó được giải quyết ít nhất là phần lớn hoặc về mặt chính sách. Đó là những yếu tố các nhà đầu tư ngắn hạn có thể nhìn để xác định và có thể mua tại thời điểm có định giá ở mức chiết khẩu rất lớn.

Nhà đầu tư nên chuẩn bị tâm lý vững vàng để nhìn xa hơn, đặt mục tiêu mua lúc này để có lợi nhuận tốt hơn cho năm sau thay vì chỉ nhìn đến Tết là bán. Đây là cách để mua được ở thời điểm tốt và bán được giá cao hơn ở tương lai.


An Vũ
Cùng chuyên mục