Trái phiếu doanh nghiệp: Cần "liệu pháp" riêng cho các nhà phát hành có rủi ro

18/12/2022 08:34 GMT+7
Nhằm lấy lại niềm tin cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp và duy trì kênh vốn, cần có liệu pháp riêng cho các nhà phát hành có rủi ro. Bên cạnh đó, có thể cho phép bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cho nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ nếu được ngân hàng thẩm định và bảo lãnh thanh toán…

Huy động vốn từ trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) hiện đã có quy mô tăng trưởng lớn hơn tăng ròng tín dụng trung và dài hạn của hệ thống ngân hàng. Trong khi đó, huy động qua thị trường chứng khoán còn rất hạn chế. Thống kê cho thấy, mỗi năm có khoảng 200 – 350 doanh nghiệp tham gia phát hành trái phiếu riêng lẻ.

Hiện số dư trái phiếu lưu hành khoảng 1,3 triệu tỷ VNĐ đến từ 627 doanh nghiệp. Ngược lại, chào bán ra công chúng còn quá ít với chỉ 10-14 doanh nghiệp thực hiện phát hành/năm. Trái phiếu chào bán trên thị trường quốc tế cũng rất ít, doanh nghiệp chủ yếu tiếp cận các khoản vay ngoại tệ.

Trái phiếu doanh nghiệp: Cần "liệu pháp" riêng cho các nhà phát hành có rủi ro - Ảnh 1.

TPDN đã và đang là một kênh dẫn vốn quan trọng và hiệu quả trong giai đoạn vừa qua.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup đánh giá, TPDN đã và đang là một kênh dẫn vốn quan trọng và hiệu quả trong giai đoạn vừa qua, nhằm huy động nguồn lực trong dân cho phát triển doanh nghiệp và kinh tế.

Do đó, sự khủng hoảng của thị trường TPDN sẽ gây ra các rủi ro lớn với hệ thống tài chính cũng như tăng trưởng kinh tế.

Chủ tịch FiinGroup chỉ ra 5 rủi ro chính đối với mục tiêu duy trì ổn định hệ thống tài chính và hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao.

Thứ nhất, tâm lý nhà đầu tư tiếp tục tiêu cực ảnh hưởng đến thị trường tài chính. Cụ thể, tâm lý nhà đầu tư tiếp tục tiêu cực sẽ khiến cho vai trò đầu tư của thị trường vốn giảm sút. Việc huy động vốn mới khó khăn; tái cấp vốn khó khăn, kể cả doanh nghiệp tốt. Từ đó, tác động dây chuyền tiếp tục trên thị trường vốn.

Hai là, trường hợp vi phạm nghĩa vụ nợ trái phiếu ở mức cao cũng sẽ ảnh hưởng chéo sang nợ xấu ngân hàng và thị trường chứng khoán.

Rủi ro thứ ba, là mất thanh khoản doanh nghiệp trên diện rộng, do doanh nghiệp mất khả năng thanh toán nợ nói chung. Từ đó, ảnh hưởng hoạt động thương mại và hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hai rủi ro khác được ông Thuân đề cập đó là, sự giảm sút của đầu tư khối tư nhân và ảnh hưởng đến dòng vốn nước ngoài (FDI và FII).

Từ thực tiễn, để lấy lại niềm tin cho thị trường và duy trì kênh vốn này, ông Thuân cho rằng, cần có liệu pháp riêng cho các nhà phát hành có rủi ro, khu trú các doanh nghiệp yếu và sở hữu nhiều bởi nhà đầu tư cá nhân nhằm đưa ra phương án ổn định tâm lý và bảo vệ nhà đầu tư và đẩy nhanh tiến độ xử lý và tái cấu trúc nợ; có thể cho phép bán TPDN riêng lẻ cho nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ nếu được ngân hàng thẩm định và bảo lãnh thanh toán…

Trái phiếu doanh nghiệp: Cần "liệu pháp" riêng cho các nhà phát hành có rủi ro - Ảnh 2.

Tổng hợp các giải pháp đề xuất nhằm khôi phục thị trường TPDN.

Về trung, dài hạn, theo ông Thuân, cần tiếp tục hoàn thiện nền tảng thị trường theo 3 nhóm giải pháp: chuẩn hóa chất lượng cung hàng, hạ tầng trung gian về giao dịch và minh bạch thông tin; mở rộng nhà đầu tư định chế.

"Mặc dù thị trường có nhiều thách thức, những doanh nghiệp vi phạm trong việc huy động và kinh doanh trái phiếu chỉ là số ít. Vì vậy, mọi giải pháp cần xuất phát từ sự chủ động minh bạch của doanh nghiệp và các định chế trung gian liên quan", ông Thuân nhấn mạnh.

Chủ tịch FiinGroup cũng lưu ý, hoạt động huy động TPDN là theo nguyên tắc tự vay tự trả và là mối quan hệ dân sự. Do đó các doanh nghiệp nên chủ động đánh giá khả năng trả nợ, minh bạch cho nhà đầu tư và có các biện pháp phù hợp, bao gồm tái cấu trúc qua việc giãn, hoãn nợ với các điều khoản mới. Minh bạch là chìa khóa của mọi giải pháp, theo Chủ tịch FiinGroup.

Tính đến ngày 25/11/2022, khối lượng phát hành TPDN là 331.811 tỷ đồng, giảm 31,6% so với cùng kỳ năm 2021 và có xu hướng giảm dần qua các Quý 1. Về cơ cấu phát hành, các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp bất động sản, xây dựng vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng khối lượng phát hành.

Tính đến ngày 25/11/2022, các NHTM phát hành chiếm 41%, các doanh nghiệp bất động sản và xây dựng chiếm lần lượt 28,59 % và 7,73% tổng khối lượng phát hành, doanh nghiệp sản xuất chiếm 6,72% tổng khối lượng phát hành.

Nhận định thị trường trái phiếu, TS Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, vấn đề thanh khoản của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và rủi ro liên thông giữa thị trường này với thị trường tiền tệ, thị trường tài sản sẽ là rủi ro mang tính trọng yếu trong năm 2023 - 2024. Chính phủ cần chỉ đạo có phương án, giải pháp cụ thể, khả thi giải quyết rủi ro cho TPDN.


Huyền Anh
Cùng chuyên mục