Thị trường liên ngân hàng có lúc "chao đảo", TS Nguyễn Quốc Hùng tiết lộ lý do bất ngờ

15/12/2022 17:24 GMT+7
TS Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng thừa nhận, có đôi lúc sự tin tưởng lẫn nhau giữa các ngân hàng không được như trước. Từ đó, dẫn đến tình trạng thị trường liên ngân hàng có lúc bị "chao đảo", thậm chí hoạt động không suốt như trước.

Ngày 07/12/2022, Hiệp hội Ngân hàng đã tổ chức cuộc họp với các ngân hàng hội viên để kêu gọi thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm (kể cả các khoản khuyến mại cộng lãi suất) ổn định mặt bằng lãi suất huy động, đảm bảo an toàn thanh khoản hệ thống ngân hàng, đặc biệt trong những tháng cuối năm, trên cơ sở đó tiết giảm chi phí nhằm giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp.

Sau cuộc họp ngày 07/12/2022, Hiệp hội Ngân hàng đã có Công văn số 454/HHNH-PLNV ngày 09/12/2022 báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kết quả cuộc họp và kiến nghị Thống đốc một số giải pháp hỗ trợ các ngân hàng thương mại (NHTM) liên quan đến hỗ trợ thanh khoản từ nay đến hết Tết nguyên đán 2023, đồng thời thống nhất mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm (kể cả các khoản khuyến mại cộng lãi suất).

Tuy nhiên, trên thực tế lãi suất huy động tại thị trường dân cư vẫn rất cao.

Tính đến ngày 14/12/2022, lãi suất huy động kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng đa số dao động ở mức từ 6,1% - 8,3%/năm, có ngân hàng huy động lãi suất lên đến 11% (số tiền từ 1 tỷ đồng trở lên)…

Như vậy, so với cuối năm 2021, nhìn chung, lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng hiện nay đã tăng khoảng 3% – 4% ở các kỳ hạn trên 6 tháng và trên 12 tháng.

Trong bối cảnh đó, ngày 15/12, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức Hội nghị bàn các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh từ nay đến năm 2023. 

TS Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã có chia sẻ với PV xung quanh vấn đề này.

Thị trường liên ngân hàng có lúc bị "chao đảo", TS Nguyễn Quốc Hùng tiết lộ lý do bất ngờ - Ảnh 1.

TS Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.

Tại Hội nghị bàn các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh từ nay đến năm 2023, 100 hội viên của Hiệp hội đã đồng thuận 2 nội dung liên quan đến lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Xin ông chia sẻ cụ thể về 2 nội dung này?

- Thứ nhất, các hội viên đồng thuận huy động lãi suất tiền gửi cao nhất chỉ ở mức cao nhất 9,5%/năm, trên tất cả các kỳ hạn, không được thưởng liên quan đến lãi suất. Như vậy, sẽ không để xảy ra tình trạng cạnh tranh lãi suất giữa các tổ chức tín dụng.

Hai là, ngoài việc đảm bảo lãi suất tiền gửi tối đa 9,5%/năm, các tổ cũng rất đồng thuận giảm lãi suất cho vay tối đa 0,5-2% tùy theo khả năng tài chính của các tổ chức tín dụng (TCTD). Đến thời điểm này đã có 16 TCTD đăng ký giảm lãi suất cho vay, cá biệt có TCTD giảm tới 3,5%/năm.

Tôi cho rằng, đây là sự cố gắng quyết tâm của các TCTD trong việc tiết giảm chi phí và chia sẻ khó khăn đối với các doanh nghiệp.

Đồng thời tại buổi họp, một số TCTD đã thể hiện rõ quan điểm của mình là không thiếu vốn để đầu tư cho DN sản xuất kinh doanh nếu đủ điều kiện, kể cả khách hàng cá nhân, DN sản xuất kinh doanh, nông nghiệp nông thôn,…

Trước mắt kinh tế thế giới biến động khó lường, cộng thêm tình hình thanh khoản có thời điểm căng thẳng. NHNN cũng như Hiệp hội có động thái ra sao để trợ giúp các ngân hàng, thưa ông?

- Khi đồng thuận lãi suất huy động tối đa 9,5%/năm và giảm lãi suất cho vay, các TCTD cũng đã có kiến nghị liên quan đến thanh khoản, chính sách vĩ mô,…

Thực tế đối với hệ thống ngân hàng trong giai đoạn hiện nay hay kể cả giai đoạn khó khăn, về tổng thể thanh khoản hệ thống không thiếu. Việc thiếu thanh khoản chỉ xảy ra ở cục bộ một số ngân hàng.

Ngoài ra, cũng có đôi lúc sự tin tưởng lẫn nhau giữa các TCTD không được như trước. Từ đó, dẫn đến tình trạng thị trường liên ngân hàng có lúc bị "chao đảo", thậm chí hoạt động không suốt như trước.

Vì vậy, có lúc có nơi xảy ra tình trạng thiếu thanh khoản tức thời. Nhưng trong bối cảnh đó, NHNN đã nhận thấy và kịp thời điều chỉnh chính sách cho phù hợp bơm vốn kịp thời hài hòa đảm bảo thanh khoản hệ thống ổn định.

Mặc dù vậy, Hiệp hội Ngân hàng cũng lưu ý các TCTD từ nay đến cuối năm, đặc biệt là dịp Tết nguyên đán phải tập trung đảm bảo thanh khoản.

Hiệp hội cũng mong muốn NHNN xem xét tạo điều kiện hỗ trợ thanh khoản qua thị trường liên ngân hàng, qua kênh OMO và các công cụ khác đảm bảo làm sao TCTD ổn định thanh khoản, hỗ trợ vốn cho nền kinh tế.

Thị trường liên ngân hàng có lúc bị "chao đảo", TS Nguyễn Quốc Hùng tiết lộ lý do bất ngờ - Ảnh 3.

Tình trạng thiếu thanh khoản xảy ra cục bộ tại một số ngân hàng.

Vậy Hiệp hội làm thế nào giám sát các ngân hàng thực thi đúng cam kết về lãi suất huy động và cho vay?

- Chúng tôi đã có kinh nghiệm trước đây triển khai hỗ trợ Covid-19. Theo đó, Hiệp hội Ngân hàng phối hợp với các Vụ, cục NHNN kiểm tra giám sát đối chiếu từng khoản giảm lãi suất của các TCTD.

Đồng thời, phối hợp cơ quan chức năng của NHNN theo dõi đánh giá, tổng kết qua trình tổ chức, thực hiện đối với NHTM cam kết. Khi các ngân hàng thực hiện đúng cam kết sẽ có chính sách thỏa đáng hỗ trợ để làm sao khuyến khích những đơn vị đã đồng thuận với những kêu gọi của Hiệp hội cũng như chỉ đạo của CP, NHNN.

Xin cảm ơn ông!

Huyền Anh
Cùng chuyên mục