Có 1 đồng lãi… 4,2 đồng, Golden Gate - ông chủ Isushi, Vuvuzela, Kichi-Kichi vẫn "xin trợ giúp"
Ông lớn cũng "xin trợ giúp"
Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới rất nhiều ngành kinh tế. Ẩm thực và đồ uống (F&B) là một trong những ngành sớm "ngấm đòn" và "ngấm đòn" nặng nề nhất. Đặc biệt, trong tháng 4, khi giãn cách xã hội được thực hiện, doanh thu các cửa hàng gần như bằng 0 khiến nhiều cửa hàng, từ nhỏ đến lao đao.
Trong ngành F&B, Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) được coi là "ông lớn". Golden Gate sở hữu hơn 20 thương hiệu với 400 nhà hàng. Một số thương hiệu của Golden Gate được giới trẻ Hà Nội "nằm lòng" có thể kể đến như Isushi, Vuvuzela, Kichi-Kichi, Hutong, Ba Con Cừu, Ashima, Daruma, Gogi,…
Các chuỗi nhà hàng của Golden Gate đều nằm ở phân khúc trung cấp và cao cấp. Vì vậy, mặt bằng được chọn luôn ở nhà dãy phố và các trung tâm thương mại đắt đỏ. Chi phí mặt bằng luôn là những con số hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Tại thời điểm 31/12/2019, riêng tiền đặt cọc để thuê địa điểm của Golden Gate đã lên đến 144 tỷ đồng.
Trong điều kiện bình thường, do Golden Gate rất hút khách nên doanh thu lên đến hàng ngàn tỷ mỗi năm nên dư sức bù đắp cho chi phí. Nhưng trong bối cảnh đại dịch Covid-19, doanh thu giảm sâu, thậm chí có thời điểm không có doanh thu thì chi phí mặt bằng là gánh nặng rất lớn.
Trong đầu tháng 4, không lâu sau khi giãn cách xã hội được thực hiện, Golden Gate đã "xin trợ giúp" từ đối tác. Cụ thể, Golden Gate làm việc với các chủ mặt bằng cho thuê cũng như các trung tâm thương mại nơi Golden Gate làm nhà hàng để xin giảm, miễn giá thuê trong thời gian chống dịch.
Không chỉ có vậy, khi kinh tế phục hồi, Golden Gate muốn đề nghị các chủ nhà chuyển sang hình thức thu phí tiền thuê theo phần trăm doanh thu, chứ không phải "cố định" như hiện tại.
Kinh doanh siêu lợi nhuận
Đại dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp, cửa hàng lao đao, cạn tiền. Nhiều lãnh đạo thậm chí phải bán nhà, bán xe, cầm cố tài sản để duy trì doanh nghiệp. Vì vậy, việc "xin" các chủ mặt bằng giảm giá thuê là điều hợp lẽ.
Golden Gate chắc chắn cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, đến "đường cùng" và phải cần "máy trợ thở" như rất nhiều doanh nghiệp khác hay không lại là câu chuyện khác. Bởi lẽ, Golden Gate là một trong số ít doanh nghiệp có thể đạt mức siêu lợi nhuận.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính năm 2019, doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Golden Gate lên tới 4.776 tỷ đồng, tăng 805 tỷ đồng, tương đương 20,3% so với năm 2018.
Để có thể giúp doanh thu tăng mạnh như vậy trong bối cảnh thị trường F&B cạnh tranh rất khốc liệt, Golden Gate đã dành nhiều chi phí cho hoạt động bán hàng. Chi phí bán hàng tăng mạnh từ 1.893 tỷ đồng lên 2.219 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng từ 275 tỷ đồng lên 305 tỷ đồng. Chỉ chi phí tài chính giảm nhẹ từ 16,1 tỷ đồng xuống 15,5 tỷ đồng.
Kết quả là lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2019 của Golden Gate đạt 321 tỷ đồng, tăng 52 tỷ đồng, tương đương 19,3% so với năm 2018. Điều đáng nói, vốn góp chủ sở hữu của Golden Gate chỉ vỏn vẹn… 76,3 tỷ đồng. Điều đó có nghĩa, có 1 đồng, Golden Gate lãi tới… 4,2 đồng. Đây là mức siêu lợi nhuận, không nhiều công ty làm được.
Vì siêu lợi nhuận nên Golden Gate có tốc độ tăng trưởng lãi trong thời gian qua rất mạnh. Lợi nhuận sau thuế năm 2015 và 2016 tại Golden Gate là 229 và 154 tỷ đồng. Như vậy, sau 5 năm, lãi ròng tại công ty này tăng tới 167 tỷ đồng, tương đương 108%.
Vì siêu lợi nhuận nên sau nhiều năm hoạt động, từ vốn góp chủ sở hữu chỉ 76,3 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu của Golden Gate đã được "thổi" lên tới 1.217 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 2.171 tỷ đồng, lợi nhuận chưa phân phối lên đến 1.252 tỷ đồng.
Mạnh tay cho lãnh đạo… vay tiền
Vì kinh doanh rất hiệu quả nên Golden Gate mạnh tay chi trả thù lao cho dàn lãnh đạo. Thế nhưng, dàn lãnh đạo Golden Gate lại vay công ty số tiền không hề nhỏ.
Cụ thể, tại thời điểm 31/12/2019, Golden Gate cho ông Nguyễn Xuân Tường, thành viên Hội đồng quản trị vay 5 tỷ đồng. Khoản vay này được xác định là "Hoạt động đầu tư". Cuối năm 2018, con số này lên đến gần 7 tỷ đồng. Không chỉ vậy, ông Nguyễn Xuân Tường còn phải trả Golden Gate hơn 397 triệu đồng "Lãi dự thu từ khoản cho cổ đông sáng lập vay".
Ông Nguyễn Xuân Tường còn có 5 tỷ đồng khoản vay ngắn hạn, giảm mạnh so với con số 41,2 tỷ đồng hồi cuối năm 2018. Những khoản vay dài hạn khiến ông Tường còn phải trả Golden Gate hơn 468 triệu đồng.
Ông Nguyễn Xuân Tường là lãnh đạo duy nhất có nợ vay tại Golden Gate trong năm 2019. Nhưng 2018 thì khác, tại thời điểm cuối năm, ông Nguyễn Cao Trí vay công ty 500 triệu đồng ở khoản mục "Hoạt động đầu tư". Ông Đào Thế Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty và ông Trần Việt Trung, thành viên Hội đồng quản trị phải trả Golden Gate 4,6 tỷ đồng và 1,6 tỷ đồng "lãi dự thu từ khoản cho cổ đông sáng lập vay".
Cũng tại thời điểm cuối năm 2018, ông Đào Thế Vinh, ông Trần Việt Trung và ông Nguyễn Cao Trí lần lượt có khoản vay ngắn hạn là 29,7 tỷ đồng, 29,7 tỷ đồng và 2,5 tỷ đồng.