Các đại gia Golden Gate, Redsun thắng thế sau khi Huy Việt Nam "thất bát"
Tại thị trường Việt Nam, hai doanh nghiệp lớn và nổi tiếng nhất trong lĩnh vực kinh doanh chuỗi nhà hàng ẩm thực hiện nay là Công ty CP TMDV Cổng Vàng (Golden Gate) và Cổ phần CP Đầu tư TMQT Mặt Trời Đỏ (Redsun).
Cả hai doanh nghiệp này hiện sở hữu hàng trăm cửa hàng ăn uống trên cả nước, tập trung chính vào các món lẩu, nướng, bia tươi và đồ ăn Nhật Bản, Hàn Quốc...
Cuộc đua mở rộng của Huy Việt Nam, Golden Gate và Redsun
Thị trường này, dù hiện diện nhiều doanh nghiệp sở hữu hàng chục cửa hàng ẩm thực như Pizza 4PS, QSR Việt Nam… nhưng chỉ có Công ty TNHH Chế biến Thực phẩm Huy Việt Nam đủ tiềm lực là đối trọng của hai ông lớn trong ngành lẩu, nướng.
Với số vốn điều lệ hơn 600 tỷ đồng, gấp 3 lần Redsun và gấp 8 lần Golden Gate, Huy Việt Nam là một trong những chủ chuỗi nhà hàng ẩm thực có vốn điều lệ lớn nhất.
Trước thời điểm đóng cửa hầu hết cửa hàng Món Huế, Huy Việt Nam sở hữu 210 cửa hàng với 9 thương hiệu trên cả nước, gồm Món Huế, Cơm Thố Cháy, Phở Ông Hùng, Great Bánh mì & Cafe, Phở 99, Iki Sushi, Shilla - Korean BBQ Restaurant, TP Tea, Mỳ Quảng Bếp Tâm.
Trong đó, Món Huế là chuỗi nhà hàng lớn nhất với 77 cửa hàng, theo sau là Phở Ông Hùng với 55 cửa hàng. Đáng chú ý, tại nhiều điểm kinh doanh, Món Huế và Phở Ông Hùng được mở cùng một mặt bằng, việc đóng cửa mới đây của Món Huế cũng kéo theo nhiều cửa hàng Phở Ông Hùng phải dẹp bỏ.
Trong khi đó, Golden Gate hiện sở hữu 20 thương hiệu với những cái tên nổi tiếng như Ashima, Kichi-Kichi, Hutong, Gogi House… Tương tự, Redsun với 14 thương hiệu gồm ThaiExpress, King BBQ, Hotpot Story, Sushi Kei, Bukbuk, Khaolao…
Xét về số lượng cửa hàng, Golden Gate hiện là doanh nghiệp đứng đầu với 278 cửa hàng trên địa bàn 30 tỉnh, thành phố. Trong khi đối thủ lớn nhất - Redsun hiện cũng sở hữu 219 cửa hàng tại 26 tỉnh.
Về phía ông chủ Món Huế, dù sở hữu 210 cửa hàng trên toàn hệ thống nhưng các điểm kinh doanh của công ty tập trung chủ yếu ở 5 thành phố lớn gồm Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, Hải Phòng và Đồng Nai.
Ông chủ đứng sau các chuỗi nhà hàng
Theo thông tin đăng ký doanh nghiệp, Huy Việt Nam được thành lập từ tháng 6/2015, trong đó, chủ doanh nghiệp là pháp nhân Huy Vietnam Limited có trụ sở ở Hong Kong.
Trong lần điều chỉnh vốn gần nhất vào tháng 4 vừa qua, doanh nghiệp này đã giảm một nửa vốn điều lệ từ 1.200 tỷ đồng xuống còn hơn 600 tỷ đồng, 100% vốn nước ngoài.
Trước năm 2017, đại diện pháp luật của công ty là bà Trần Thị Thanh Tâm, sinh năm 1948. Tuy nhiên, đến tháng 5/2017, vai trò người đại diện theo pháp luật của Huy Việt Nam được chuyển sang cho ông Huy Nhật (sinh năm 1974). Vị doanh nhân này đồng thời giữ chức danh Tổng giám đốc.
Thực tế, ông Huy Nhật và bà Thanh Tâm có chung địa chỉ đăng ký hộ khẩu thường trú tại quận Tân Bình, TP.HCM.
Golden Gate được sáng lập lần đầu bởi 5 cổ đông cá nhân. Tuy nhiên, hiện tại chỉ còn 3 cá nhân sáng lập sở hữu vốn gồm ông Trần Việt Trung, Đào Thế Vinh và Nguyễn Xuân Tường.
Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niêm 2019, cơ cấu cổ đông hiện tại của công ty gồm nhóm trong nước sở hữu 62,08% và 37,92% còn lại do nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ. Trong đó, 3 cá nhân sáng lập nắm giữ 17,8%; Công ty CP Golden Gate Partners nắm 44,2%; còn lại là cổ đông nước ngoài Prosperity Food Concepts Pte Ltd nắm hơn 37,9%.
Golden Gate Partners cũng chính là pháp nhân do các cổ đông trong nước hiện tại lập ra để quản lý và sở hữu vốn.
Với Redsun, người đại diện pháp luật đồng thời là Tổng giám đốc hiện tại của công ty là bà Phan Thị Kim Chi.
Công ty này cũng được sáng lập bởi 5 cổ đông cá nhân 100% vốn trong nước. Đến đầu năm 2018, 2 cổ đông cá nhân đã thoái vốn, 3 cổ đông còn lại là bà Phan Thị Kim Chi nắm 52,58%, ông Lê Vũ Minh nắm 22,24% và ông Phạm Cao Vinh nắm 16,18%.
Đáng chú ý, ông Phạm Cao Vinh chính là Chủ tịch HĐQT của Công ty Cổ phần Goldsun Việt Nam. Ông Vinh từng cho biết hệ thống các nhà hàng của Redsun thuộc sở hữu của Goldsun.
Như vậy, cả 2 ông lớn lĩnh vực chuỗi ẩm thực đều thuộc sở hữu của các ông chủ trong nước, còn Huy Việt Nam lại là doanh nghiệp với 100% vốn nước ngoài.
Kết quả kinh doanh của các ông trùm ẩm thực
3 năm gần nhất, doanh thu của Món Huế được báo cáo duy trì mức 200 tỷ đồng mỗi năm. Trong khi đó, lợi nhuận của doanh nghiệp xuống dốc nhanh. Từ chỗ có lãi năm 2016, trong 2 năm 2017 và 2018, mỗi năm Món Huế lỗ hơn 50 tỷ đồng. Lỗ luỹ kế của Món Huế tới cuối năm 2018 là trên 100 tỷ đồng.
Cùng thời điểm cuối năm 2018, nợ phải trả của Món Huế là 841 tỷ đồng.
Trong khi kết quả kinh doanh của Huy Việt Nam gặp khó trong vài năm trở lại đây thì kết quả kinh doanh của Golden Gate và Redsun đang tăng trưởng nhanh.
Doanh thu và lợi nhuận của Golden Gate đã tăng liên tục từ năm 2010 đến nay. Năm 2018, doanh nghiệp này ghi nhận 3.970 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 17% so với năm trước, và gấp 18 lần số thu của năm 2010. Nhờ vậy mà chuỗi nhà hàng này cũng thu về hơn 339 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm vừa qua.
Trong khi đó, số liệu từ Công ty Cổ phần nghiên cứu ngành và tư vấn Việt Nam - Virac cho biết, doanh thu năm 2018 của công ty mẹ Redsun đạt 623 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2017. Trước đó, doanh thu năm 2017 của chuỗi này cũng đã tăng 51%.
Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của công ty mẹ Redsun lại kém xa so với Golden Gate khi lợi nhuận trước thuế thu về cùng năm đạt vỏn vẹn 1,4 tỷ đồng. Những năm trước đó, dù ghi nhận hàng trăm tỷ doanh thu, lợi nhuận trước thuế mà công ty đạt được cũng chỉ trên dưới 1 tỷ đồng.
Dù vậy, Redsun hiện vẫn đang là đối trọng lớn nhất của Golden Gate trên thị trường kinh doanh chuỗi ẩm thực khi cả hai đang liên tục cạnh tranh mở mới hàng chục cửa hàng mới mỗi năm.
Ngược lại, Huy Việt Nam đang hụt hơi khi phải đóng cửa hầu hết cửa hàng thuộc chuỗi Món Huế.