Có cần “giải cứu” tôm hùm giá 299.000 đồng/con vì dịch Covid-19?
Những ngày gần đây, một số hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch nổi tiếng tại các phố Nguyễn Thị Thập, Trung Hòa, Nguyễn Tuân… (Hà Nội) đồng loạt thông báo mặt hàng tôm hùm xanh được bán ra với giá hấp dẫn cho người tiêu dùng để kích cầu tiêu thụ. Cụ thể, giá tôm hùm xanh nếu trước kia từ 400.000-500.000 đồng/con thì nay giảm xuống chỉ còn từ 299.000-350.000 đồng/con (loại 350-400 gram).
Theo các nhân viên bán hàng tại một số cơ sở, hiện tại, giá tôm hùm xanh đang được ưu đãi ở mức 1.095.000 đồng/kg (giá trước kia 1.500.000 đồng/kg). Số tôm hùm này được thu gom và vận chuyển từ vùng nuôi tôm của Khánh Hòa về Hà Nội.
Không chỉ tại Hà Nội, chuỗi cửa hàng Đảo Hải Sản ở TP.HCM cũng chung tay hỗ trợ tiêu thụ tôm hùm. Theo chia sẻ của đại diện Đảo Hải Sản, nhằm hỗ trợ các hộ nuôi tôm hùm gặp khó khăn do không thể xuất khẩu sang Trung Quốc, thương hiệu này đang thu mua tôm hùm baby với giá 600.000-700.000 đồng/kg.
Trong 5 ngày qua, cửa hàng đã bán được gần nửa tấn tôm hùm cho người dân TP.HCM - mức tiêu thụ nhanh gấp nhiều lần trước đó. Được biết, tôm hùm baby thay vì bán 1,2 triệu đồng nay chỉ bán với giá 750.000 đồng/kg (loại 200-300 gram/con). Với loại 3 con một kg, giá chỉ 900.000 đồng, giảm 27% so với tuần trước đó.
Theo thông tin từ các chủ thương hiệu thực phẩm nói trên, ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19p do virus corona gây ra, lượng tôm hùm sản xuất trong nước đang bị ách tắc, không thể xuất khẩu sang Trung Quốc. Do đó, các doanh nghiệp có thể thu mua với giá rẻ và phân phối thị trường nội địa.
Về vấn đề trên, trao đổi với Dân Việt, các chuyên gia, nhà quản lý phân tích, thời điểm hiện tại, khi không thể xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp tiêu thụ trong nước với giá rẻ, hợp lý hơn, đó là quy luật của thị trường. Do đó, người dân có thể mua tôm hùm vì nhu cầu sử dụng bình thường, không nhất thiết phải hô hào khẩu hiệu “giải cứu”.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay, hiện tại, sản lượng tôm hùm sản xuất trong nước không quá lớn. Do đó, việc tiêu thụ sản phẩm vẫn theo nhu cầu của thị trường một cách bình thường, không nên gây tâm lý, làm xáo động dư luận xã hội.
“Theo tôi, không nên đặt vấn đề là “giải cứu” tôm hùm. Từ trước đến giờ tôm hùm vẫn là một mặt hàng xa xỉ phẩm, có nhóm đối tượng khách hàng đặc thù. Đối với mặt hàng tôm hùm, doanh nghiệp luôn hướng tới thị trường Trung Quốc. Có thể khi mức sống tăng lên, mặt hàng này sẽ hướng tới thị trường nội địa. Hiện tại, các nhà hàng còn phải đi nhập tôm hùm của nước ngoài để tiêu thụ. Nguyên nhân vì khách hàng có khi không sử dụng tôm hùm nuôi trong nước mà hướng tới các sản phẩm như từ tôm hùm từ Alaska hoặc Caribe”, ông Đông nhận định.
Đồng quan điểm trên, Tiến sĩ Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam phân tích thêm, căn cơ của tình trạng “giải cứu” hàng hóa, nhất là nông sản, là do các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam quá phụ thuộc vào 1, 2 thị trường chủ lực, điển hình là Trung Quốc.
Do đó, để tôm hùm nói riêng và các mặt hàng nông, lâm, thủy sản nói chung không rơi vào tình trạng phải “giải cứu”, các đơn vị sản xuất, phân phối cần nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đa dạng hóa thị trường, giảm thiểu rủi ro.
Theo TS Thế Anh, tôm hùm xanh cũng như một số mặt hàng khác của Việt Nam đang hơi bị phụ thuộc vào thương lái Trung Quốc. Tôm hùm thuộc phân khúc thị trường cao cấp, ở Việt Nam hiện nay cũng rất phát triển. Tuy nhiên, mặt hàng này chưa phổ biến ở thị trường nội địa có lẽ do các kênh sản xuất, phân phối chưa kết nối được với nhau.
"Các kênh phân phối của Việt Nam vẫn phải đi nhập khẩu tôm hùm từ nước ngoài, tuy nhiên, một phần cũng là để đa dạng được các mặt hàng. Đối với các mặt hàng nói chung và tôm hùm nói riêng cần đa dạng hóa các thị trường, không thể phụ thuộc vào 1 hoặc 2 thị trường. Qua đó, giảm thiểu rủi ro, không nên lúc nào cũng trông chờ vào giải cứu vì bản thân hoạt động này sẽ làm thất thoát giá trị rất lớn”, Tiến sĩ Đào Thế Anh thông tin thêm.