Cô gái trẻ biến phế thải nông nghiệp thành phân bón hữu cơ

26/03/2020 12:28 GMT+7
"Chứng kiến người dân bỏ hoang ruộng đất để đi làm công nhân, rồi lắng nghe tâm sự của những người thân khi nông nghiệp không còn mang lại giá trị quá nhiều cho kinh tế nữa, mình luôn trăn trở về việc sẽ làm một điều gì đó cho quê hương mà mình sinh sống", Đặng Thị Hòa Giám đốc Công ty Tasa Việt Nam chia sẻ.

Xuất phát điểm là con nhà nông, Đặng Thị Hòa, Giám đốc Công ty cổ phần phần phân bón hữu cơ Tasa Việt Nam, đã gắn bó với các công việc nông nghiệp từ nhỏ. Sau này, chứng kiến người dân bỏ hoang ruộng đất để đi làm công nhân, rồi lắng nghe tâm sự của những người thân khi nông nghiệp không còn mang lại giá trị quá nhiều cho kinh tế nữa, Hòa luôn trăn trở về việc sẽ làm một điều gì đó cho quê hương mà mình sinh sống.

Vậy là Tasa ra đời, Hòa nói. "Nguyên nhân khiến sản lượng giảm đi sau mỗi vụ mùa thì rất nhiều, nhưng trong đó có hậu quả từ sử dụng quá nhiều phân bón hóa học ở quá trình canh tác, khiến đất đai bắt đầu khô cằn đi, chất lượng thu hoạch được càng ngày càng ít đi nên một bộ phận những người dân đã bỏ nghề nông để đi làm công nhân để không phải lo lắng về thời tiết, mất mùa. Mình luôn muốn tìm cách để giải quyết vấn đề đó, nó cũng là động lực để mình tìm hiểu thêm về phân bón hữu cơ.

Đặng Thì Hòa với ước mơ ấp ủ một nền nông nghiệp sạch Việt Nam.

Ý tưởng đó được Hòa ấp ủ, nuôi dưỡng cả trong quá trình cô lên Hà Nội học rồi đi làm. Một lần tình cờ, cô gái nhỏ biết đến phân tằm và những đặc tính hữu ích của nó đối với cây trồng và đất.

"Lúc đầu, vì mình học kinh tế nên mảng kiến thức về nông nghiệp này rất hạn chế, tuy nhiên, khi tìm hiểu sâu hơn về phân tằm mình nhận thấy đây có thể là chìa khóa để mở ra vấn đề cải thiện chất lượng của đất mà mình đang quan tâm lâu nay", Hòa chia sẻ.

Khoảng thời gian đó, cô vừa đi làm, vừa tiếp tục nghiên cứu về loại phân hữu cơ mới với sự hướng dẫn, cố vấn của một giảng viên Học viện Nông nghiệp và Viện Công nghệ sinh học. Trong suốt quá trình gây dựng và phát triển, Hòa luôn chú trọng đến 3 tiêu chí: con người, môi trường và tính bền vững. Việc sử dụng phế phẩm nông nghiệp như phân tằm, phân gà, bò để tạo thành phân hữu cơ sẽ góp phần giải quyết một số vấn đề của xã hội như tránh xả phế thải trực tiếp ra môi trường.

Đồng thời, Hòa cũng tìm kiếm những người cùng chung chí hướng để đồng hành. Tuy nhiên, điều đó không hề dễ dàng.

"Nói về khó khăn của quá trình khởi nghiệp thì nhiều, nhưng điều làm nhớ nhất là việc liên quan đến lao động chân tay. Bản thân là con gái, lúc mới bắt đầu phải tiếp xúc với máy móc, công nghệ thông tin, và khối lượng kiến thức mới hoàn toàn khác với chuyên môn đã được học khiến mình nhiều lúc cảm thấy thật sự mệt mỏi", cô gái trẻ cười nhẹ khi kể lại chuyện xưa.

Nhưng rồi bằng sự kiên trì, bền bỉ của bản thân mình và mọi người, sản phẩm phân tinh khiết của Tasa cũng được ra đời. Bằng những kết quả đã đạt được, Hòa đã dần chứng minh cho người nông dân thấy được phân bón hữu cơ tinh khiết từ phân tằm, phân gà, phân bò... đưa lại hiệu quả tốt cho cây trồng. Ngoài ra, sản phẩm này còn góp phần cải tạo những thửa đất đã chai, bạc màu.

Bên cạnh đó khởi nghiệp với số vốn không nhiều, những bước đi ban đầu của những người trẻ vẫn đầy những khó khăn, thiếu thốn, thiếu mối quan hệ. Để bán được sản phẩm đầu tiên, họ phải mày mò tìm số điện thoại của từng nhà vườn, gõ cửa từng đại lý cây cảnh để tặng sản phẩm dùng thử, thuyết phục khách hàng trải nghiệm loại phân mới.

Cùng với kết hợp sức mạng của thương mại điện tử, trong vấn khâu quảng cáo, tiếp cận khách hàng, tham gia các cuộc thi về nghề nông… dần dần, phân bón hữu cơ và sản phẩm của Hòa được nhiều người biết đến.

Những sản phẩm rau sạch được trồng từ nguồn dinh dưỡng của Tasa

Phân bón hữu cơ sẽ là tương lai của ngành nông nghiệp sạch

Chia sẻ với Etime, Đặng Thị Hòa cho biết, hiện nay trên thị trường, Tasa có hai dòng sản phẩm để người dân có thể lựa chọn. Một dòng sản phẩm cao cấp có thể cạnh tranh với doàng sản phẩm hữu cơ nhập ngoại đến từ Nhật Bản, Hà Lan..

"Sản phẩm phân bón cao cấp này được công ty tập trung vào những khu vực nội đô, đô thị lớn, nơi có những vùng chuyên canh có diện tích trồng nhỏ nhưng đòi hỏi chất lượng, năng suất cao dùng để xuất khẩu hay thi trường cao cấp trong nước", Hòa cho hay.

Đối với thị trường bình dân, với mong muốn mang đến nhiều lợi ích cho người nông dân, Hòa phối kết hợp cùng họ để sản xuất phân bón hữu cơ. 

Trong đó, người nông dân sẽ trực tiếp thu gom phế phẩm nông nghiệp như phân gà, bò… bán lại cho công ty. "Công việc này không đòi hỏi người lao động phải có trình độ cao mà phụ nữ, người già đều có thể làm được. Vì thế, người nông dân sẽ được hưởng lợi nhiều hơn, tận dụng được phế phẩm trong nông nghiệp", Hòa cho biết.

Ngoài ra, với đặc điểm là mô hình sản xuất này, công ty của Hòa cũng tiết kiệm được nhiều chi phí như vận chuyển, kho bãi… Dẫn đến giá thành sẽ rẻ hơn cho người nông dân nhưng giá thành vẫn đảm bảo.

Theo nữ Giám đốc trẻ, việc sử dụng phân bón hóa học một cách tràn lan trong thời gian dài khiến cho nguồn đất sản xuất nông nghiệp bị mất đi phần lớn lượng hữu cơ vốn có. Đất nông nghiệp đã và đang ngày càng bạc màu, thoái hóa nghiêm trọng. Chính vì thế việc thay đổi tập quán trong sản xuất nông nghiệp, thay đổi phân hóa học sang các loại phân bón hữu cơ đang là giải pháp tối ưu nhất để phục hồi đất sản xuất nông nghiệp của nước ta hiện nay.

Phân bón hữu cơ sẽ là tương lai của nông nghiệp sạch

Ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ sẽ góp phần cải thiện trạng thái kết cấu đất, các keo mùn gắn các hạt đất với nhau tạo thành những hạt kết tốt, bền vững làm đất thông thoáng tránh sự tạo váng, xói mòn. Làm đất tơi xốp, thoáng khí, ổn định pH, giữ ẩm cho đất, tăng khả năng chống hạn cho cây trồng…. Từ đó, hiệu quả kinh tế của người nông dân sẽ được cải thiện hơn.

Tasa đã và đang nỗ lực để cùng các đơn vị khác xây dựng một nền nông nghiệp sạch. Việc sử dụng phế phẩm nông nghiệp như phân tằm, phân gà, phân bò và rơm rạ để tạo thành phân hữu cơ cũng góp phần giải quyết một số vấn đề của xã hội khác như nạn đốt rơm rạ khiến cho bầu không khí ô nhiễm đến mức báo động. 

Điều đó cũng góp phần giúp có thêm phần thu nhập cho người nông dân trồng dâu nuôi tằm, bảo tồn truyền thống trồng dâu nuôi tằm của người Việt. Những ruộng rau xanh giảm bớt dư lượng hóa chất có hại cho sức khỏe con người, những mảnh đất khô cằn thoái hóa được cải tạo bằng chính những loại phân bón cho cây.

“Chúng mình hi vọng, từ chính những nỗ lực của người trẻ sẽ góp phần thay đổi ý thức làm nông nghiệp của người nông dân. Từ đó, chúng ta sẽ góp phần phát triển nền nông nghiệp bền vững trong tương lai” – Hòa tâm sự.

Quang Dân
Cùng chuyên mục