Có hay không việc "lót tay" khi xử phạt vi phạm nồng độ cồn
Trả lời trực tuyến trên báo VnExpress, về xử phạt tài xế vi phạm nồng độ cồn có xảy ra tiêu cực "lót tay" trong quá trình lực lượng chức năng thực thi pháp luật hay không? Thiếu tá Đào Việt Long, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an Hà Nội cho biết: "Người vi phạm luôn tìm cách thỏa thuận với lực lượng CSGT. Nhưng trong đợt ra quân này, tôi khẳng định không có chuyện này. Với những người đã bị tổ chuyên đề của CSGT xử lý, in kết quả đo nồng độ cồn và lập biên bản thì những trường hợp này rất rõ ràng. Chúng tôi sẽ xử lý đúng người đúng hành vi.
"Khi đang làm nhiệm vụ, chúng tôi vừa kiên quyết xử lý, vừa coi đây là hình thức tuyên truyền về vấn nạn tai nạn giao thông, từ đó hình thành ý thức cho người dân. Khi ý thức người dân nâng cao, tai nạn sẽ giảm. Theo thống kê, số vụ tai nạn từ rượu bia rất nghiêm trọng đã không xảy ra trong thời gian đầu ra quân", Thiếu tá Đào Việt Long cho hay.
Cũng tại buổi trả lời trực tuyến, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông cho biết: "Trong 6 ngày, CSGT toàn quốc đã kiểm tra 25.345 trường hợp lái xe vi phạm an toàn giao thông, phạt 23.303 triệu đồng, tước 3.590 giấy phép lái xe; riêng xử lý vi phạm nồng độ độ cồn là 2.673 trường hợp. Đây là quyết tâm lớn của CSGT vì nghị định vừa ban hành và có hiệu lực từ 1/1, lực lượng CSGT đã nhanh chóng triển khai trên toàn quốc một cách thống nhất".
Nói về việc thiết bị đo nồng độ cồn và ống thổi nồng độ còn có đảm bảo vệ sinh hay không?, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật cho rằng: "Hình thức kiểm tra vi phạm nồng độ cồn có nhiều hình thức như: Kiểm tra theo chuyên đề và kiểm tra tổng quát. Đặc biệt, trong dịp nghỉ Tết chúng tôi sẽ chia ra thành 2 nhóm là kiểm tra tài xế lái xe máy, mô tô và tài xế lái xe ô tô. Đối với thiết bị có hợp vệ sinh hay không tôi khẳng định là hợp vệ sinh vì mỗi một ống thở chỉ được sử dụng 1 lần. Riêng đối với xử phạt nồng độ cồn, CSGT ở Việt Nam kiểm soát tiệm cận với các nước trên thế giới, chúng ta kiểm soát từ định tính đối với phương tiện đi qua, tách dòng để phát hiện nồng độ cồn".
"Các máy đo đang sử dụng là các máy được nhập khẩu, từ Đức, Australia, theo đúng quy định nghị định 165 của Chính phủ, nó thỏa mãn tiêu chuẩn chất lượng, được cấp kiểm định. Máy đo nhập từ nhiều nguồn khác nhau, được dán tem kiểm định. Dù máy có kiểu dáng thế nào song đều đảm bảo về pháp lý, là căn cứ xử phạt nồng độ cồn. Ngoài ra, trong công tác điều tra tai nạn cũng vẫn có kiểm soát nồng độ cồn", Thượng tá Nguyễn Quang Nhật cho biết