Cổ phiếu doanh nghiệp BOT sau "lùm xùm" BOT Cai Lậy?

Quốc Hải Thứ hai, ngày 21/08/2017 18:42 PM (GMT+7)
Dù doanh nghiệp (DN) sở hữu các dự án BOT được đánh giá là có dòng tiền ổn định, lãi suất hoàn vốn nội bộ được đảm bảo và duy trì ở mức cao từ 12%-14%; trong khi dự án chủ yếu được tài trợ bằng vốn vay ngân hàng với thời hạn trả nợ kéo dài... Tuy nhiên, thị giá cổ phiếu của các DN sở hữu BOT vẫn chưa cao như mong đợi.
Bình luận 0

Theo ghi nhận, hiện các DN sở hữu các dự án BOT lớn, đáng chú ý trên sàn chứng khoán có thể kể đến là CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (mã CII), CTCP Đầu tư Phát triển Hạ tầng IDICO (mã HTI), CTCP Đầu tư Phát triển Cường Thuận IDICO (mã CTI), Công ty CP Tasco (mã HUT) và CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (mã DLG)...

img

BOT Cai Lậy đang gặp phản ứng dữ dội từ người dân (Ảnh: IT)

Cổ phiếu không “rung lắc” bởi BOT Cai lậy

Nếu những ngành kinh doanh khác thường hay bị ảnh hưởng bởi thông tin thị trường thì thời gian qua, những thông tin không mấy tích cực từ BOT Cai Lậy không ảnh hưởng nhiều đến các mã cổ phiếu các DN sở hữu các dự án BOT trên thị trường chứng khoán. Cụ thể với HTI, từ đầu tháng 8 đến nay, mã này có phiên tăng, phiên giảm nhưng vẫn xoay quanh mức giá khoảng 19.000 đồng/CP. Đây cũng là doanh nghiệp đang sở hữu 2 dự án BOT (khu vực TP.HCM) tính đến cuối năm 2016.

Tương tự với CTI (doanh nghiệp hiện đang sở hữu 6 dự án BOT tại khu vực phía Nam), tính từ đầu tháng 8 đến nay, cổ phiếu CTI cũng có phiên tăng, phiên giảm nhưng dao động chủ yếu quanh vùng giá 30.000 - 32.000 đồng/CP. HUT cũng có phiên tăng, phiên giảm nhưng không biến động nhiều, xoay quanh vùng giá 11.400 - 12.000 đồng/CP. Đây cũng là DN có khá nhiều dự án BOT ở khu vực phía Bắc (7 dự án tính đến cuối năm 2016).

Riêng với DLG (sở hữu 4 dự án BOT khu vực Tây Nguyên), dù không biến động nhiều nhưng giá cổ phiếu DLG lại rất thấp so với các doanh nghiệp cùng ngành. Hiện DLG chỉ dao động quanh vùng giá 4.000 đồng/CP.

Trong khi đó với CII (8 dự án BOT), sau khi xảy ra vụ BOT Cai Lậy, cổ phiếu này còn có nhiều phiên tăng giá mạnh. Từ mức giá 33.000 đồng/CP, CII tăng lên mức “đỉnh” là 36.750 đồng/CP, sau đó giảm dần về mức hiện tại là 35.550 đồng/CP.

Đánh giá về cổ phiếu các DN hạ tầng, đặc biệt là các DN sở hữu các dự án BOT, đại diện Công ty CP Chứng khoán TP.HCM cho rằng, các DN đầu tư BOT có được các mặt lợi như: được tài trợ khoảng 80%-85% bằng vốn vay ngân hàng. Thời hạn trả nợ kéo dài, tương ứng với thời gian thu hồi vốn của dự án, đồng thời thời gian thu phí đối với các dự án BOT cũng kéo dài, khoảng 10-11 đến 20-30 năm tùy quy mô từng dự án. Đặc biệt, các dự án BOT giao thông thường được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp với mức thuế suất 10% trong 15 năm... nên cổ phiếu các DN này cũng rất đáng để đầu tư.

“Có thể nói, lợi thế của những doanh nghiệp tham gia đầu tư hạ tầng các dự án BOT là thu được “tiền tươi” từ phí và doanh nghiệp ít phải lo lắng về vấn đề dòng tiền. Tuy nhiên, tính ra thì tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) thường chỉ ổn định trên dưới 10%, trong khi vốn đầu tư lại bị ‘giam’ quá lâu nên hiệu quả đầu tư trong ngắn hạn không thể so với những ngành đang tăng trưởng nóng khác”, đại diện HSC, bình luận.

Các DN sở hữu dự án BOT đang kinh doanh ra sao?

Được biết, trong các DN sở hữu dự án BOT thì CTI là đơn vị bước chân sớm nhất vào lĩnh vực này khi bắt đầu thu phí từ năm 2006. Năm 2016, CTI đạt doanh thu 1.027 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cả năm đạt 113 tỷ đồng. Năm 2017, CTI đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 1.426 tỷ đồng, tăng 38,8% với mức lợi nhuận sau thuế ước đạt 145,6 tỷ đồng, tăng trưởng 28,8% so với thực hiện năm 2016.

Trong đó riêng 3 dự án BOT, CTI dự kiến năm 2017 sẽ thu về gần 59 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế gồm: Dự án BOT QL91 dự kiến mang về cho CTI 178 tỷ đồng doanh thu thuần và 18,24 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; dự án BOT QL1 dự kiến thu về 313 tỷ đồng doanh thu thuần và 39,65 tỷ đồng lợi nhuận; dự án BOT đường chuyên dùng dự kiến thu 10 tỷ doanh thu và 1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Với CII, DN này bắt đầu có doanh thu thu phí BOT từ năm 2013. Thời gian gần đây, CII đang “bứt tốc” khá mạnh mẽ, trong đó chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2017, doanh thu CII đã tăng tới 204% so với cùng kỳ. Mức lãi ròng cũng lên đến 348 tỷ, tăng 150% so với cùng kỳ nâng con số lũy kế 6 tháng đầu năm 2017 lên 1.578 tỷ đồng, cao gấp nhiều lần so với con số 164,8 tỷ đồng cùng kỳ và vượt 10% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2017

Riêng đối với DLG, hoạt động thu phí bắt đầu đóng góp doanh thu cho DN này từ nửa cuối năm 2015. Với lợi thế hơn so với các DN cùng ngành là chi phí bảo trì tại khu vực các tỉnh Tây Nguyên không cao do đặc thù vị trí địa lý - khí hậu, đi kèm với lưu lượng xe được dự báo sẽ tăng mạnh nên doanh thu dự kiến từ thu phí BOT cũng được đánh giá khả quan.

Còn với HUI, doanh nghiệp này mới đây lại quyết định dừng đầu tư vào lĩnh vực BOT dù đã gắn bó gần 10 năm. Theo lãnh đạo DN này thì, đến thời điểm hiện tại, HUI đã đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng vào lĩnh vực BOT. Trong đó, vốn chủ sở hữu của HUT chiếm 20%, tương đương 3.000 tỷ đồng. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) mỗi năm ổn định khoảng 11.5%. Theo đánh giá của HUT, mức lợi nhuận này không đột phá trong khi vốn chủ đầu tư bị “giam” quá lâu nên muốn tập trung khai thác những cơ hội mới để tìm kiếm mức lợi nhuận cao hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem