Cổ phiếu ngành thủy sản ai còn ai mất?

Quốc Hải Thứ ba, ngày 16/05/2017 10:54 AM (GMT+7)
Từng là lựa chọn hàng đầu của giới đầu tư, thế nhưng gần đây cổ phiếu nhóm ngành thủy sản dần bị “thất sủng” bởi tình hình kinh doanh của nhiều doanh nghiệp thủy sản luôn trong tình trạng thua lỗ. Giá cổ phiếu ngành thủy sản vì thế cũng giảm không phanh, thậm chí có nhiều mã bị bắt buộc hủy niêm yết khiến nhà đầu tư nếm không ít trái đắng...
Bình luận 0

Nếu như thời điểm 2014-2015 trở về trước, cổ phiếu nhóm ngành thủy sản được giới đầu tư săn lùng thì đến nay chỉ còn một số ít cái tên được giới đầu tư quan tâm như VHC, HVG, FMC, ABT,...

Ai còn ai mất?

Còn nhớ, thời điểm chào sàn vào ngày 7.12.2007, cổ phiếu ANV của Công ty CP Nam Việt chỉ sau 2 phiên đã tăng lên mức giá 102.000 đồng/CP. Tuy nhiên, giờ đây cổ phiếu “vàng” của công ty này đang “chật vật” loanh quanh mệnh giá suốt nhiều năm nay. Thời điểm hiện tại, cổ phiếu ANV chỉ có giá 9.520 đồng/CP. Nguyên nhân khiến ANV sụt giảm nhiều được lý giải là do trót đầu tư gần ngàn tỷ đồng vào hàng loạt lĩnh vực như phân bón, ngân hàng, bảo hiểm… nhưng hiệu quả mang lại không lớn.

img

Nhiều mã cổ phiếu thủy sản đang khiến nhà đầu tư nếm không ít trái đắng (Ảnh: IT)

Cũng “làm mưa làm gió” một thời là cổ phiếu ATA của Ntaco. Từng niêm yết tại HOSE nhưng do kết quả kinh doanh tụt dốc mạnh trong 3 năm liên tiếp, cụ thể nếu năm 2013, lợi nhuận sau thuế của ATA còn đạt 321 triệu đồng thì sang năm 2014 lại lỗ tới 14 tỷ đồng; năm 2015 lỗ 425 tỷ đồng khiến ATA phải đăng ký giao dịch tại UPCoM.

Thời điểm hiện tại, ATA được giao dịch với giá 700 đồng/CP nhưng lại bị hạn chế giao dịch do tổ chức kiểm toán có ý kiến kiểm toán trái ngược đối với báo cáo tài chính 2016; chỉ tiêu vốn chủ sở hữu được phản ánh trong báo cáo tài chính 2016 là số âm.

Thê thảm hơn là cổ phiếu AVF của Việt An, thời điểm hiện tại AVF có thị giá thấp nhất thị trường chứng khoán với mức giá chỉ 300 đồng/CP, chỉ mua được 1/10... ly trà đá. Nguyên nhân là do kết quả kinh doanh của AVF trong mấy năm qua thua lỗ trầm trọng. Cụ thể, năm 2014 doanh nghiệp này lỗ 735 tỷ đồng; năm 2015 lỗ 31 tỷ đồng; năm 2016 lỗ 524 tỷ đồng. Tổng lỗ lũy kế trong 3 năm lên đến 1.290 tỷ đồng.

Hiện tại, cổ phiếu AVF bị đưa vào diện hạn chế giao dịch do vốn chủ sở hữu âm tại 31.12.2015, từ chối đưa ra ý kiến kiểm toán báo cáo tài chính năm 2015.

Ngoài ra, một loạt các mã cổ phiếu thủy sản khác thậm chí còn bị hủy niêm yết bắt buộc.

Chẳng hạn, ngày 23.3 vừa qua, cổ phiếu của VNH của Công ty Thủy sản Việt Nhật bị hủy niêm yết bắt buộc tại HOSE. Nguyên nhân chính dẫn đến hậu quả này là do kết quả kinh doanh của công ty bị thua lỗ trong nhiều năm liên tục (lợi nhuận sau thuế từ năm 2014 đến năm 2016 lỗ đến âm 70 tỷ đồng).

Tương tự, cổ phiếu CAD của Công ty Cadovimex cũng đã buộc phải hủy niêm yết sau 3 năm thua lỗ liên tiếp.

Sẽ tiếp tục khó khăn trong năm 2017?

Bên cạnh những công ty thủy sản thua lỗ hoặc bị hủy niêm yết, vẫn còn một vài doanh nghiệp vẫn kiên trì bám vững thị trường. Chẳng hạn, cổ phiếu VHC của Công ty Thủy sản Vĩnh Hoàn là một điển hình. Từ mức giá 31.000 - 32.000 đồng/CP thời điểm cuối năm 2014, hiện tại giá cổ phiếu VHC đạt 53.500 đồng/CP, dù trong quá trình kinh doanh cũng gặp không ít bất lợi về nguồn nguyên liệu, thị trường xuất khẩu, thậm chí là bị đối tác “xù” tiền hàng…  

Tương tự, dù không mấy nổi bật trong kinh doanh nhưng đến thời điểm hiện tại cổ phiếu ABT của Công ty XNK Thủy sản Bến Tre vẫn giữ được đà tăng trưởng dù trị giá hiện tại không cao bằng thời điểm những năm 2014 - 2015 về trước. Hiện tại, cổ phiếu ABT đang ở mức 42.350 đồng/CP...

Dù vậy, nhiều chuyên gia kinh tế dự báo năm 2017 sẽ là một năm khó khăn cho ngành thủy sản Việt Nam khi thị trường các nước nhập khẩu sẽ khắt khe hơn, đặc biệt là đạo luật Farm Bill của Hoa Kỳ sẽ chính thức có hiệu lực trong thời gian tới. Nên nhớ, năm 2016, Mỹ vẫn duy trì vị trí đứng đầu với 21% giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, nhờ xuất khẩu tôm, cá tra, cá ngừ.

Trước tình hình này, nhiều doanh nghiệp cũng đang tìm cách ứng phó nếu không muốn mất thị trường xuất khẩu.

Chẳng hạn, tại Vĩnh Hoàn, doanh nghiệp này đang phải tìm kiếm các thị trường mới tại Nam Phi, châu Á và tập trung vào thị trường Tây Ban Nha tại EU. Đặc biệt, thời gian gần đây Vĩnh Hoàn còn tích cực khai thác thị trường Trung Quốc để không bị giảm sút sản lượng. Đồng thời, Vĩnh Hoàn cũng đã thành lập công ty con để hỗ trợ bạn hàng Trung Quốc trong khâu thanh toán và thủ tục nhập khẩu khi cần...

Không chỉ các nhà xuất khẩu cá tra, các công ty xuất khẩu tôm cũng đang đối mặt với các thách thức lớn. Chẳng hạn, Công ty Camimex cũng vừa báo thua lỗ dù đây là doanh nghiệp tiên phong trong nuôi tôm sinh thái với các dự án đầu tiên triển khai từ năm 2000 và là doanh nghiệp đã hoạt động trong ngành thủy sản 30 năm qua. Cụ thể, đến hết năm 2016, công ty đang có khoảng lỗ 51 tỷ đồng. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem