"Cởi trói" để ngân hàng đẩy mạnh cho vay trực tuyến

25/08/2023 14:35 GMT+7
Trong xu thế hàng loạt ngân hàng đang triển khai ứng dụng phương tiện điện tử vào quy trình cho vay, cùng với hàng loạt quy định về cho vay trực tuyến sắp được luật hóa và việc "tiếp cận mỏ vàng" dữ liệu dân cư sẽ giúp ngân hàng đứng trước cơ hội bùng nổ cho vay trực tuyến trong thời gian tới.

Các chuyên nhận định, việc cởi trói về mặt pháp lý sẽ khiến thị trường cho vay online ngày càng cạnh tranh với sự tham gia của nhiều chủ thể: ngân hàng, trung gian thanh toán, fintech, công ty tài chính...

Ngân hàng bắt đầu đẩy mạnh cho vay online

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó tổng giám đốc Vietcombank cho hay, với các khoản vay nhỏ, cho vay online phát triển sẽ giải quyết được nhu cầu của người dân và cả ngân hàng. Tuy nhiên, thời gian qua, các ngân hàng vẫn còn thận trọng trong cho vay online bởi nhiều lý do như: Dữ liệu khách hàng thời gian qua còn lẫn nhiều dữ liệu rác, chưa xác thực được khách hàng. Đồng thời, việc thẩm định, phê duyệt tín dụng tự động do hạn chế về dữ liệu, cơ sở pháp lý chưa rõ ràng.

Bên cạnh đó là cơ chế thu hồi nợ, trong đó có việc thiếu thông tin về khách hàng để thu hồi nợ khiến ngân hàng cũng e dè khi cho vay online.

Trong khi chờ đợi hành lang pháp lý về số hóa hoạt động cho vay hoàn thiện, các ngân hàng đã chạy đua đầu tư nền tảng công nghệ và cơ sở dữ liệu khách hàng để chào bán các sản phẩm, dịch vụ trên môi trường số.

"Cởi trói" để ngân hàng đẩy mạnh cho vay trực tuyến - Ảnh 1.

"Cởi trói" để ngân hàng đẩy mạnh cho vay trực tuyến

Điển hình như OCB đang đẩy mạnh cho vay mua nhà trực tuyến. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc OCB cho biết: Đến nay có hơn 1.000 khoản vay đã được giải ngân, với thời hạn vay lên tới 35 năm và lãi suất ưu đãi.

Bên cạnh người dân, các doanh nghiệp cũng có thể vay online. Dựa trên các dữ liệu về thuế, về lịch sử tín dụng thu thập được của gần 300.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ trên thị trường, MSB đã cho phép giải ngân đến 15 tỷ cho vay trực tuyến, không cần tài sản thế chấp.

Bà Đinh Thị Tố Uyên, Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối chiến lược MSB, cho biết: "Khi khách hàng cung cấp các thông tin cơ bản về doanh nghiệp của mình với hệ thống máy học đã có và những thông tin chúng tôi đã tập hợp, trong vòng 10 giây, chúng tôi có thể cung cấp cho khách hàng được hạn mức dự kiến chúng tôi có thể cho khách hàng vay".

Ngay sau khi nộp hồ sơ vay trực tuyến, Công ty CP Tập đoàn HDC đã nhanh chóng được cán bộ ngân hàng đánh giá, thẩm định hồ sơ. "Chỉ trong vòng 2 ngày ngân hàng đã giải ngân khoảng vay tín chấp hơn 3 tỷ đồng. Giải pháp này giúp gỡ thế khó của hàng trăm nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay", lãnh đạo doanh nghiệp này cho hay.

Các ngân hàng nhận định, với hàng loạt quy định về cho vay trực tuyến sắp được luật hóa cùng với việc được phép tiếp cận "mỏ vàng" dữ liệu dân cư sẽ giúp ngân hàng đứng trước cơ hội bùng nổ cho vay trực tuyến trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, hàng loạt ngân hàng cũng đã triển khai ứng dụng phương tiện điện tử vào quy trình cho vay, chú trọng phát triển và hoàn thiện các giải pháp công nghệ nhằm hỗ trợ hoặc thay thế các khâu tác nghiệp thủ công.

Chẳng hạn, Agribank đẩy mạnh các giải pháp nhằm cải tiến hồ sơ, thủ tục cho vay; BIDV cũng triển khai ứng dụng phương tiện điện tử từ việc tiếp nhận nhu cầu vay vốn (ibank) đến khởi tạo, thực hiện và quản lý khoản vay (qua CROMS – khách hàng tổ chức, RLOS – khách hàng bán lẻ) hướng tới tăng cường tính tự động trong quy trình cấp tín dụng; Đối với sản phẩm cho vay cầm cố sổ tiết kiệm, LPBankđã triển khai theo hình thức online (tháng 1/2018) từ đề nghị đến giải ngân thông qua ứng dụng ngân hàng…

"Cởi trói" để ngân hàng đẩy mạnh cho vay trực tuyến - Ảnh 2.

Dự báo năm 2024 cho vay online bùng nổ.

Dự báo năm 2024 cho vay online bùng nổ

Tại hội thảo về chuyển đổi số được tổ chức gần đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng chia sẻ: Định hướng lớn Ngân hàng Nhà nước đang tập trung, đó là cho vay trên nền tảng điện tử.

Ông cho rằng, kinh doanh ngân hàng gồm ba trụ cột chính đó là huy động, tín dụng và thanh toán. Lĩnh vực thanh toán hiện được xử lý khá tốt, người dân hiện cũng dễ dàng gửi tiết kiệm online. Tuy nhiên, làm sao để cho vay nhỏ lẻ trên môi trường điện tử, giúp người dân có thể tiếp cận tài chính toàn diện, đặc biệt với những người dân vùng sâu, vùng xa có thể tiếp cận được dịch vụ tài chính ngân hàng.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong tổng số lượng giao dịch 6 tháng đầu năm 2023, các giá trị giao dịch từ 10 triệu đồng trở lên chỉ chiếm khoảng 10%, còn từ 20 triệu đồng trở lên chỉ trên dưới 5%, như vậy mức độ ảnh hưởng đến trải nghiệm của người dùng là rất ít.

Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng cho vay online là xu hướng và sẽ phát triển như vũ bão thời gian tới. Việc cởi trói về mặt pháp lý sẽ khiến thị trường cho vay online ngày càng cạnh tranh với sự tham gia của nhiều chủ thể: ngân hàng, trung gian thanh toán, fintech, công ty tài chính...

Liên quan tới hành lang pháp lý, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, Nghị định sửa đổi Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt đã được NHNN trình Chính phủ hơn 4 năm. Ngày 8/8 vừa qua, Thường trực Chính phủ đã họp để xem xét, về cơ bản thống nhất với đề xuất trong Dự thảo Nghị định sửa đổi và đã có thông báo yêu cầu Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

"Chúng tôi rất kỳ vọng nghị định này sẽ được Chính phủ ký ban hành trong quý III/2023. Nghị định về sandbox cũng đã trình Chính phủ khoảng 2 năm nay, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng là Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện trình Chính phủ trong tháng 8/2023. Chúng tôi sẽ phấn đấu trình Chính phủ trước ngày 20/8", ông Tuấn cho biết.

Theo ông Tuấn, nếu trong quý III/2023, hai nghị định trên được Chính phủ ký ban hành, ngay lập tức Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành 7 thông tư hướng dẫn liên quan. Trong thời gian tới, sau khi Nghị định được ký, thì Thông tư cũng sẽ được đăng báo để lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội và các bộ, ban, ngành liên quan. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ chính thức ban hành các thông tư liên quan, có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.

Các chuyên gia nhận định, hai Nghị định có hiệu lực từ đầu năm tới sẽ giúp thị trường cho vay tiêu dùng, cho vay online khởi sắc.


H.Anh
Cùng chuyên mục