Công ty chào mua mía giá bèo, nông dân từ chối bán
700 đồng/kg không bao gồm chi phí vận chuyển là mức giá thu mua mía niên vụ 2019 - 2020 vừa được Công ty Mía đường Cần Thơ chính thức công bố trong sáng 3/10. Với giá bán này, nông dân cầm chắc thua lỗ. Lý do là giá thành sản xuất mía đã vào khoảng 800 đồng/kg. Bên cạnh đó, giá thuê nhân công thu hoạch mía đang ngày càng tăng cao.
Tại Long An, ông Nguyễn Chí Thiện - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An, vừa qua Công ty CP Mía đường Thành Thành Công chào giá 630.000 – 700.000 đồng/tấn mía, Nhà máy mía đường ở Hậu Giang chào giá 700.000 – 750.000 đồng/tấn mía, nhưng nông dân trồng mía ở Long An vẫn từ chối.
"Đã có những buổi làm việc để thỏa thuận giá cả với nhau nhưng không thành công. Nguyên nhân là do theo bà con nông dân, giá mía công ty chào quá thấp", ông Thiện cho biết.
Bà Trần Thị Thúy Diễm (ấp 1, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức) cho biết, gia đình làm mía nhiều năm nay. Hai năm liền bị lỗ vốn do thương lái thu mua giá quá thấp, buộc lòng vừa qua gia đình đã phải phá 1ha để trồng mì, 2ha còn lại chưa có tiền đầu tư nên vẫn "treo" đó.
"Dù đất đang bỏ hoang, rất cần để sản xuất, nhưng nếu công ty chào giá thấp quá, không có lợi nhuận, thì nông dân trồng mía cũng từ chối", bà Diễm thổ lộ.
Một nông dân trồng mía khác ở Bến Lức cũng cho rằng, thà trồng mía bán cho các quán giải khát dù khối lượng ít nhưng còn có lời, chứ trồng bán cho công ty với giá chào quá thấp như hiện nay thì chắc chắn thua lỗ.
Như vậy, trong khoảng 3 năm trở lại đây, người trồng mía liên tục rơi vào cảnh thua lỗ khi giá thu mua luôn thấp hơn giá thành sản xuất. Điều này sẽ khiến nhiều nông dân tiếp tục bỏ cây mía trong niên vụ tới, nhiều công ty mía đường sẽ tiếp tục đóng cửa.
Chưa thực thi ATIGA, doanh nghiệp mía đường đã lao đao
Mới đây, theo Công văn số 108/CV-HHMĐ do ông Lê Hồng Thái - Quyền Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đề nghị tiếp tục hoãn thời hạn thực thi Hiệp định ATIGA nhằm giải quyết những khó khăn cho ngành mía đường hiện tại.
Thông tin từ VSSA, niên vụ 2018/2019 là năm thứ 3 liên tiếp giá đường mía trong nước giảm mạnh, tình trạng sản xuất, kinh doanh của nhiều nhà máy đường giảm sút, thua lỗ trầm trọng. Từ niên vụ 2015-2016, có 17/30 nhà máy đường trên cả nước thua lỗ nghiêm trọng, nhiều nhà máy đã mất vốn chủ sở hữu.
Trước những khó khăn trên, sức ép đối với với ngành đường Việt Nam sẽ nặng thêm khi có "quả tạ" ATIGA bởi đường nước ngoài thâm nhập vào thị trường nội địa nhiều hơn với giá rất rẻ.
Cũng theo thông tin từ bộ Công Thương, việc xóa bỏ hạn ngạnh thuế quan nhập khẩu đường từ ASEAN theo cam kết ATIGA là không thể trì hoãn được nữa. Điều này có nghĩa, sau ngày 1/1/2020 đường trợ giá của Thái Lan với mức giá dự kiến 8.000 – 9.000 đ/kg từ Thái Lan sẽ tràn vào chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Sức ép từ thị trường ngoài và giá thành sản xuất cao có thể sẽ khiến nhiều doanh nghiệp Việt "chết" trên chính sân nhà.