CPI tháng 6 chịu tác động mạnh từ giá xăng dầu

29/06/2022 15:47 GMT+7
CPI tháng 6/2022 tăng 0,69% so với tháng trước, tăng 3,18% so với tháng 12/2021 và tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước... Giá xăng dầu, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng đã đẩy chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 6 tăng 0,69% so với tháng trước, trong khi GDP cũng tăng 6,42%.

Tổng cục Thống kê vừa công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2022 tăng 0,69% so với tháng trước, tăng 3,18% so với tháng 12/2021 và tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng của CPI tháng 6/2022 được ghi nhận  là cao nhất trong giai đoạn 2016-2022.

Giá xăng dầu trong nước liên tục tăng cao theo giá nhiên liệu thế giới, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển là những nguyên nhân chủ yếu làm CPI tháng 6 tăng.

Như vậy, CPI bình quân quý 2/2022 tăng 2,96% so với quý 2/2021. Bình quân 6 tháng đầu năm, CPI tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, so với tháng trước, tháng 6/2022 có 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.

Trong đó, nhóm giao thông có mức tăng cao nhất với 3,62% (làm CPI chung tăng 0,35 điểm phần trăm) do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu theo giá nhiên liệu thế giới vào ngày 01/6/2022, 13/6/2022 và 21/6/2022 làm cho giá xăng tăng 8,23%; giá dầu diezen tăng 8,5%.

CPI tháng 6 chịu tác động mạnh từ giá xăng dầu - Ảnh 1.

Tốc độ tăng/giảm CPI tháng 6, quý II và 6 tháng các năm giai đoạn 2018-2022 (%).Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Bên cạnh đó, giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 4,98% so với tháng trước do giá nhiên liệu tăng. Trong đó, giá vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng 13,38%; bằng đường bộ tăng 3,02%; taxi tăng 2,91%; đường sắt tăng 2,67%; xe buýt tăng 1,69%.

Đáng quan tâm, giá xe ô tô mới, giá xe máy tăng lần lượt 0,62%, 0,86% do thiếu nguồn cung linh kiện bán dẫn khi Trung Quốc thực hiện chính sách "Zero Covid" khiến nhiều nhà máy phải sản xuất cầm chừng, thậm chí đóng cửa.

Trong khi đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,8% (tác động CPI chung tăng 0,27 điểm phần trăm). Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,52% chủ yếu do giá dịch vụ du lịch trong nước tăng 2,11%; du lịch ngoài nước tăng 1,29% và khách sạn, nhà khách tăng 0,63% do nhu cầu du lịch nội địa tăng cao vào mùa hè.

Đồng thời, giá thiết bị văn hóa trong tháng tăng 0,05% so với tháng trước; giá dịch vụ thể thao tăng 1,52%, thiết bị cụng cụ thể thao tăng 0,29% do nhu cầu tăng trong dịp hè.

Tổng cục Thống kê cũng chỉ rõ, hai nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm gồm: Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,01% chủ yếu do giá gas giảm 6,17% so với tháng trước vì từ ngày 01/6/2022, giá gas trong nước điều chỉnh giảm 31.000 đồng/bình 12 kg sau khi giá gas thế giới giảm 105 USD/tấn (từ mức 855 USD/tấn xuống mức 750 USD/tấn). Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,16%.

Ở góc độ khác, Tổng cục Thống kê cho biết, lạm phát cơ bản tháng 6/2022 tăng 0,44% so với tháng trước, tăng 1,98% so với cùng kỳ năm 2021. Với kết quả này, bình quân 6 tháng đầu năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 1,25% so với cùng kỳ năm 2021.

Việc lạm phát cơ bản thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,44%) đã phản ánh, biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.

Trong khi đó, chỉ số giá USD tháng 6/2022 tăng 0,72% so với tháng trước và tăng 1,23% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân 6 tháng đầu năm 2022 giảm 0,2%.

Chỉ số giá vàng tháng 6/2022 giảm 1,14% so với tháng trước; tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2021. Bình quân 6 tháng đầu năm 2022 tăng 6,63%.



PV
Cùng chuyên mục