CTCP Âu Lạc của bà Ngô Thu Thúy lỗ hơn 18 tỷ trong quý III/2024

19/10/2024 15:42 GMT+7
Trong quý III, Âu Lạc lỗ trước thuế 18,2 tỷ đồng, lỗ sau thuế 14,5 tỷ đồng, giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2023 (lãi trước thuế 50,6 tỷ đồng, sau thuế 40,5 tỷ đồng).

CTCP Âu Lạc đã công bố báo cáo tài chính quý III/2024 với doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 373,6 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá vốn tăng vọt 48% lên 362,6 tỷ đồng đã khiến lợi nhuận gộp "bốc hơi" 83% chỉ còn gần 11 tỷ đồng.

Kỳ này, Âu Lạc lỗ hoạt động tài chính hơn 12,6 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ năm 2023, chủ yếu doanh thu đến từ lãi chênh lệch tỷ giá hối đoái đã thực hiện. Chi phí bán hàng ghi nhận 5,7 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp 11,9 tỷ đồng, đều tăng nhẹ.

Kết quả, Âu Lạc lỗ trước thuế 18,2 tỷ đồng, lỗ sau thuế 14,5 tỷ đồng, giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2023 (lãi trước thuế 50,6 tỷ đồng, sau thuế 40,5 tỷ đồng).

CTCP Âu Lạc của bà Ngô Thu Thúy lỗ hơn 18 tỷ trong quý III/2024- Ảnh 1.

Nguồn: CTCP Âu Lạc.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Âu Lạc báo lãi trước thuế 195,4 tỷ đồng, lãi sau thuế 156,6 tỷ đồng, lần lượt tăng 17% và 19% so với năm 2023. Năm 2024, Âu Lạc đặt mục tiêu lãi trước thuế đạt 187 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng, doanh nghiệp này đã hoàn thành vượt 4% kế hoạch năm đề ra.

Tại ngày 30/9/2024, Âu Lạc ghi nhận tổng tài sản giảm 10% so với cuối năm 2023, còn 2.169,6 tỷ đồng, trong đó, tài sản ngắn hạn là 1.024 tỷ đồng.

Trữ tiền tại thời điểm cuối quý III/2024 tăng vọt so lên 825,53 tỷ đồng, bao gồm: tiền gửi ngân hàng của Âu Lạc gấp gần 3 lần so với đầu năm, ở mức 341,4 tỷ đồng; các khoản tương đương tiền 404,08 tỷ đồng và 119,1 triệu tiền mặt.

Thuyết minh cho thấy, khoản tiền gửi ngân hàng bao gồm 12,1 tỷ đồng và hơn 13,18 triệu USD. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn tại VietinBank trị giá 2,73 triệu USD đã được cầm cố cho khoản vay ngắn hạn. Và tiền gửi không kỳ hạn tại Ngân hàng MB trị giá 370.000 USD, tương ứng hơn 9,2 tỷ đồng đã được cầm cố cho khoản vay dài hạn của công ty.

Đáng chú ý, tại ngày 31/12/2023, Âu Lạc đầu tư 79,15 tỷ đồng vào mã cổ phiếu ACB. Tuy nhiên, tại ngày 30/9, Âu Lạc không còn ghi nhận khoản đầu tư này.

Bảng cân đối cho thấy, các khoản phải thu ngắn hạn gấp hơn 2 lần số cuối năm ngoái ghi nhận 86,8 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là phải thu ngắn hạn khách hàng 79,8 tỷ đồng, tăng 241% và chiếm 92% các khoản phải thu ngắn hạn. Hàng tồn kho giả 21% còn 92,1 tỷ đồng.

Tính đến hết quý III, tổng nợ phải trả của Âu Lạc giảm 29% còn 853,5 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tài chính giảm 66% còn 445,7 tỷ đồng.

Ngoài ra, báo cáo cũng hé mở thu nhập của các thành viên HĐQT và Ban Tổng giám đốc trong 9 tháng đầu năm. Trong đó, bà Ngô Thu Thúy - Chủ tịch HĐQT Âu Lạc nhận mức thù lao 562 triệu đồng, tăng 84% so với năm trước.

Cuối tháng 8/2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành quyết định số 951/QĐ-XPHC xử phạt 350 triệu đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán của CTCP Âu Lạc.

Theo đó, UBCKNN phạt 350 triệu đồng theo quy định tại điểm e khoản 3 Điều 18 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP do Không đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán.

Nguyên nhân do CTCP Âu Lạc trở thành công ty đại chúng ngày 06/08/2007. Tuy nhiên cho đến nay, CTCP Âu Lạc không thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết cổ phiếu trên Sở giao dịch chứng khoán.

Nhóm cổ đông liên quan đến bà Ngô Thu Thúy sở hữu hơn 3,7% vốn Ngân hàng ACB

Trước đó, bà Ngô Thu Thúy và CTCP Âu Lạc nhận được nhiều sự quan tâm khi nhóm cổ đông liên quan đến bà Thúy chi phối hơn 3,7% vốn Ngân hàng ACB.

Cụ thể, cập nhật tại ngày 10/9, Ngân hàng TMCP Á Châu (HoSE: ACB) đã bổ sung danh sách cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ của ngân hàng, bao gồm 2 cá nhân và 3 tổ chức.

Ba cổ đông là các tổ chức được công bố trong lần này gồm: CTCP Đầu tư Thương mại Giang Sen, CTCP Đầu tư Thương mại Bách Thanh và CTCP Làng Giáo dục Quốc tế Thiên Hương.

Trong đó, CTCP Đầu tư Thương mại Giang Sen là cổ đông lớn nhất trong danh sách mới công bố. Doanh nghiệp này hiện sở hữu gần 80,3 triệu cổ phiếu ACB, tương ứng với tỷ lệ sở hữu là 1,798%.

Người có liên quan cổ đông này sở hữu 228,1 triệu cổ phần ACB, tương đương 5,107% vốn điều lệ ngân hàng.

CTCP Âu Lạc của bà Ngô Thu Thúy lỗ hơn 18 tỷ trong quý III/2024- Ảnh 2.

Trích báo cáo quản trị bán niên năm 2024 của ACB.

Xếp thứ hai là CTCP Làng Giáo dục Quốc tế Thiên Hương, sở hữu gần 58,6 triệu cổ phần ACB, người có liên quan đến cổ đông tổ chức này nắm hơn 107,7 triệu cổ phần; tương ứng tỷ lệ sở hữu lần lượt là 1,311% và 2,412%.

Dữ liệu cho thấy, CTCP Làng Giáo dục Quốc tế Thiên Hương do bà Ngô Thu Thuý, Chủ tịch HĐQT CTCP Âu Lạc làm người đại diện theo pháp luật .

Cổ đông là tổ chức cuối cùng là CTCP Đầu tư Thương mại Bách Thanh sở hữu 55,9 triệu cổ phiếu ACB, tương đương tỷ lệ 1,252% vốn điều lệ ACB. Số cổ phần sở hữu của người có liên quan đến cổ đông này là trên 250,2 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu là 5,609%.

CTCP Âu Lạc của bà Ngô Thu Thúy lỗ hơn 18 tỷ trong quý III/2024- Ảnh 3.

Danh sách cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ của ngân hàng công bố ngày 10/9. Nguồn: ACB.

Hai cổ đông cá nhân còn lại là hai người con của bà Ngô Thu Thuý: Nguyễn Thiên Hương JENNY và Nguyễn Đức Hiếu JONNY cũng xuất hiện trong danh sách này.

Cụ thể, cổ đông Nguyễn Thiên Hương JENNY nắm giữ hơn 60 triệu cổ phiếu, tỷ lệ sở hữu 1,344% vốn điều lệ; cổ đông Nguyễn Đức Hiếu JONNY sở hữu trên 47,7 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu là 1,069%.

Như vậy, nhóm cổ đông liên quan đến bà Ngô Thu Thuý hiện sở hữu 166,3 triệu cổ phiếu ACB, tương đương 3,724% vốn điều lệ ACB.

Linh Anh
Cùng chuyên mục