Sau "cú sốc" Tân Hoàng Minh, gửi tiền ngân hàng là một yếu tố "hay" và dự báo "nóng" về lãi suất điều hành

Huyền Anh Thứ hai, ngày 29/08/2022 06:26 AM (GMT+7)
Các yếu tố hấp dẫn của thị trường chứng khoán, bất động sản không còn nữa, đặc biệt sau vụ Tân Hoàng Minh, niềm tin của nhà đầu vào trái phiếu doanh nghiệp bị bào mòn. Trong khi đó, lãi suất tiết kiệm tăng, theo chuyên gia việc gửi tiền ngân hàng là một yếu tố "hay".
Bình luận 0

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, cuối tháng 6/2022, tiền gửi từ dân cư tại hệ thống tổ chức tín dụng đạt kỷ lục gần 5,62 triệu tỷ đồng, tăng 6,02% so với đầu năm. Người dân đã gửi ròng vào ngân hàng khoảng 320.000 tỷ đồng chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, gần gấp đôi mức tăng ròng của cả năm 2021.

Trong khi đó, sau 2 năm bùng nổ, thị trường chứng khoán và bất động sản trong 4 tháng gần đây đã trở nên ảm đạm rõ rệt.

VnIndex có lúc rớt xuống dưới 1.150 điểm vào đầu tháng 7, dù sang tháng 8 có hồi phục nhưng hiện vẫn chỉ quanh 1.260 điểm.

Giao dịch trên thị trường bất động sản cũng không mấy tích cực. Theo báo cáo "Thị trường bất động sản quý II/2022" của Hội môi giới bất động sản (VARS), 6 tháng đầu năm, tổng nguồn cung trên thị trường có 22.769 sản phẩm nhưng chỉ giao dịch trên 14.392 sản phẩm, tỷ lệ hấp thụ 50,9%.

Gửi tiền ngân hàng là một yếu tố "hay", ngân hàng chấp nhận trả lãi suất tiết kiệm 7% cho kỳ hạn 12 tháng

Ông Nguyễn Duy Thành - Trưởng phòng Phân tích khách hàng doanh nghiệp của Công ty Chứng khoán Pinetree đánh giá, trong khi các kênh đầu tư phổ thông như chứng khoán, bất động sản hay vàng đều chậm lại và suy giảm, tiền gửi, đặc biệt tiền gửi vào ngân hàng lại là kênh đầu tư ổn định nhất 8 tháng đầu năm 2022.

Sau "cú sốc" Tân Hoàng Minh, gửi tiền ngân hàng là một yếu tố "hay" và dự báo "nóng" về lãi suất điều hành - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Duy Thành - Trưởng phòng Phân tích khách hàng doanh nghiệp của Công ty Chứng khoán Pinetree. (Ảnh chụp màn hình)

Ông Thành nói: Có một hiện tượng không thường thấy là động lực chính cho tăng trưởng huy động những tháng đầu năm (3,78%) lại là tăng trưởng tiền gửi dân cư (6,02%), trong khi tăng trưởng tiền gửi từ doanh nghiệp chỉ có 3%. Điều này, luôn chịu tác động từ hai chiều.

Thứ nhất, kênh đầu tư truyền thống  như vàng, chứng khoán hay bất động sản không còn hấp dẫn nữa. Trong giai đoạn 2021, có những câu khẩu hiệu là "bán là thua, mua là thắng".

"Điều này đúng về mặt thống kê khi trong năm 2021, xác xuất tạo ra 20% lợi nhuận từ chứng khoán, lên đến 83%. Tức là, xác xuất rất lớn để tạo ra lợi nhuận trong một năm đầu tư. Bất động sản không phủ nhận cũng đã có một năm bùng nổ," ông Thành nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này ngay khi bước sang quý I năm nay, những yếu tố hấp không còn nữa và trong giai đoạn chuyển giao thì lớp nhà đầu tư F0 (dân cư), chuyển từ kênh đầu cơ sang kênh an toàn hơn là gửi ngân hàng.

Hai là, lãi suất tiết kiệm đã tăng lên. Theo quan sát của vị chuyên gia này, có những ngân hàng chấp nhận trả đến 7% cho kỳ hạn 12 tháng. Nguyên nhân, là do tăng trưởng tín dụng năm nay nóng nhất và cao nhất trong 3 năm dịch bệnh (trên 9% ngay từ tháng 6). Điều này khiến cho nhiều ngân hàng muốn tăng lãi suất tiết kiệm cao lên, tạo một nền lãi suất hấp dẫn hơn đối với người gửi tiền.

Cũng theo vị chuyên gia này, đối với thị trường trái phiếu, đặc biệt là sau vụ việc của Tân Hoàng Minh thì niềm tin của nhà đầu tư trái phiếu cũng bị bào mòn mạnh, do đó người dân tìm đến các kênh đầu tư khác. Và trong lúc đang đi tìm, thì việc gửi tiền ngân hàng là một yếu tố "hay".

Dự báo "nóng" về lãi suất điều hành

Lãi suất tiết kiệm được dự báo tiếp tục "nóng" từ nay cho tới cuối năm. Cùng với đó, theo ông Thành lãi suất cơ bản nhiều khả năng sẽ điều chỉnh tăng, với mức tăng dự báo khoảng 1%.

Nhìn lại bối cảnh vĩ mô từ đầu năm đến nay, vị chuyên gia này cho hay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã rất nỗ lực để ổn định tình hình vĩ mô. Đơn cử như tỷ giá tăng thấp nhất so với các nước trong khu vực, thậm chí là cả những nền kinh tế lớn như Hàn Quốc.

Trong khi đó, lạm phát của Việt Nam khi so với các nền kinh tế lớn như châu Âu hay Mỹ, thì cũng ở mức thấp khoảng 3,14%. Như vậy, không thể phủ định được những nỗ lực của NHNN.

Tuy nhiên làn sóng tăng lãi suất trên thế giới vẫn đang tiếp tục, như Mỹ dự tính tăng dự tính tăng lãi suất lên 3,6% và các nước khác, chỉ ngoại trừ Trung Quốc, đều tăng lãi suất. Động thái này, sẽ tác động gián tiếp lên tỷ giá, có nghĩa là tác động trực tiếp vào lạm phát vì nền kinh tế của chúng ta có độ mở lớn, nhập khẩu nhiều xăng dầu, hoá chất thậm chí cả thức ăn chăn nuôi. Do đó, áp lực lạm phát trong thời gian tới là rất lớn.

Trong bối cảnh đó, việc bán USD cũng có giới hạn bởi. Dẫn số liệu từ IMF, ông Thành cho biết, duy trì dự trữ ngoại hối từ 12-14 tuần nhập khẩu là một ngưỡng được tính là đủ. Trong khi, kế hoạch nâng xếp hạng tín dụng nhà nước của Việt Nam lại muốn tăng lượng dự trữ ngoại hối lên duy trì khoảng 16 tuần nhập khẩu. Vì thế phương án bán ngoại hối không nên được duy trì trong lâu dài.

Vì thế, việc tăng lãi suất lại là phương án tốt, đặc biệt khi NHNN đã cố gắng duy trì điều kiện tỷ giá ổn định trong một thời gian để các doanh nghiệp có điều kiện chuẩn bị. Ngoài ra, xét ở một góc độ khác, tăng lãi sất không phải là xấu bởi vì đến hiện tại, FDI là một kênh khá quan trọng.

"FDI của Việt Nam tính đến tháng 8 này đang thấp hơn con số của năm ngoái. Một phần vì nhà đầu tư FDI khi đưa ra quyết định giải ngân thì họ cũng đưa độ ổn định tỷ giá là một trong những yếu tố để cân nhắc và khi tỷ giá ổn định thì tốc độ giải ngân sẽ nhanh hơn.

Sau "cú sốc" Tân Hoàng Minh, gửi tiền ngân hàng là một yếu tố "hay" và dự báo "nóng" về lãi suất điều hành - Ảnh 3.

Sau "cú sốc" Tân Hoàng Minh, gửi tiền ngân hàng là một yếu tố "hay". (Ảnh: LT)

Thông tin thêm, vị chuyên gia này cho biết sau giai đoạn tiền rẻ, các kênh đầu tư chủ chốt là bất động sản và chứng khoán. Trong đó, bất động sản là kênh đã bùng nổ trong giai đoạn 2020 – 2021. 

Từ góc độ phát triển bất động sản, nguồn vốn từ bất động sản thường đến từ 3 nguồn chính: vốn tự có, khách hàng trả nước và vốn vay. Tuy nhiên, các kênh này đến nay đều "co hẹp lại".

"Thống kê của chúng tôi, lượng hàng tồn kho hiện tại của 20 doanh nghiệp lớn nhất đã tăng lên khoảng 23% , lượng bán hàng trong các dự án bất động sản đang được doanh nghiệp triển khai cũng tăng lên khoảng 11% so với năm ngoái. 2 con số này rất mất cân bằng, tức là khả năng hấp thụ trên thị trường giảm xuống trong khi nguồn cung tăng lên. Đây là khó khăn cho nhóm ngành bất động sản chung từ nay tới  cuối năm. Doanh nghiệp dựa trên nguồn vốn vay ngân hàng, trái phiếu đương nhiên gặp khó khăn", ông Thành phân tích.

Còn theo nghiên cứu của Công ty Cổ phần FIDT, người Việt Nam phân bổ chiếm tới 60 - 80% tài sản của mình vào bất động sản.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem