Cua biển ngon nhất miền Tây tăng giá trở lại sau dịch Covid-19
Clip: Người dân Cà Mau vui mừng thu hoạch cua biển
Giá của biển tăng trở lại khiến người nuôi vui mừng
Ngày 4-7, theo ghi nhận của Báo Người Lao Động, giá cua biển trên thị trường Cà Mau tăng trên dưới 50.000 đồng/kg (tùy loại). Theo đó, cua gạch được thương lái thu mua với giá 500.000 đồng/kg; cua y loại 1 giá 300.000 đồng/kg; cua y tứ (dưới 300 gram/con) giá 180.000 đồng/kg…
Nông dân Cà Mau thu hoạch cua bằng cách đặt rập
Tuy cua biển có thể được nuôi ở nhiều địa phương ở miền Tây Nam Bộ nhưng cua biển vùng Cà Mau được xem là cua ngon nhất, thực khách ưa chuộng nhất bởi chất lượng thịt thơm ngon.
Cua biển Cà Mau sau khi được người dân thu hoạch
Trước đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên cua biển Cà Mau có thời điểm trượt giá "không phanh". Đặc biệt, có lúc thương lái ngưng thu mua cua thương phẩm do thị trường truyền thống Trung Quốc bị "đóng băng". Từ đó, khiến cho nhiều hộ nuôi cua ở vùng đất cực Nam tổ quốc "đứng ngồi không yên".
Thương lái đến tận nhà chủ vuông thu mua cua
Thời gian gần đây, giá cua biển tăng trở lại do tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước được kiểm soát, việc giao thương trở lại bình thường.
Ông Nguyễn Văn Đoàn (ngụ huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau), chia sẻ: "Tôi rất mừng vì cua tăng giá trở lại, hiện mỗi ngày đặt rập tôi bắt được khoảng 5kg cua, thu về hơn 1,5 triệu đồng. Sau dịch Covid-19, gia đình nào ít nhiều cũng bị ảnh hưởng và đây là khoản tiền hữu ích để người dân tái vụ mới".
Cách kiểm tra cua gạch của người dân Cà Mau
Tuy nhiên, không phải hộ nuôi nào cũng hưởng niềm vui trọn vẹn như hộ ông Đoàn. Ông Nguyễn Văn Út (ngụ huyện Năm Căn) cho hay trước đó ông đã canh thời điểm thích hợp để thả 6.000 con cua giống nhằm thu hoạch đúng dịp Tết nguyên đán với mong muốn bán với giá cao. Tuy nhiên, năm nay vào đúng thời điểm thu hoạch giá cua lại giảm mạnh do dịch Covid-19 hoành hành.
Cua 2 da (cua cốm) được chế biến thành món ăn
"Vụ cua này, tôi mất hàng chục triệu đồng do không gặp may. Trong tháng tới, khi độ mặn ở vuông nuôi giảm tôi sẽ bắt con giống để thả vụ mới", ông Út chia sẻ.
Theo thống kê, Cà Mau có hơn 300.000 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó diện tích nuôi cua kết hợp với nuôi tôm, nuôi cua thâm canh và bán thâm canh đã chiếm gần 250.000ha. Các huyện như: Năm Căn, Ngọc Hiển, Cái Nước, Đầm Dơi là những địa phương có diện tích cũng như sản lượng cua thương phẩm lớn nhất tỉnh.
Mô hình nuôi tôm - cua kết hợp đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp cho đời sống nhiều hộ dân ngày càng cải thiện và vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.