“Cuộc chiến” tàu khách Sa Kỳ - Lý Sơn: Bao giờ dứt kiểu “cùng dắt nhau đến bờ phá sản”? (Bài cuối)

02/08/2023 12:49 GMT+7
Tình trạng “không khách vẫn chấp nhận chạy”, giữa các chủ tàu khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn không phải đến bây giờ, mà trước đó đã xảy ra và kéo dài nhiều tháng sau mới được giải quyết. Câu hỏi đặt ra, kiểu cạnh tranh “cùng dắt tay đến bờ phá sản” tái diễn đến bao giờ?.

Tự lấy đá "ghè" chân nhau

Sáng 2/8, cũng là ngày thứ 2 mà các doanh nghiệp chủ quản tàu khách hoạt động trên tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại, thực hiện kế hoạch chạy tàu đã gửi cho cấp thẩm quyền, với số lượt đăng ký dày đặc đến bất thường.

“Cuộc chiến” tàu khách Sa Kỳ - Lý Sơn: Bao giờ dứt kiểu “cùng dắt nhau đến bờ phá sản”? (Bài cuối) - Ảnh 1.

Tàu đang đón, trả khách tại đầu cảng Sa Kỳ. Ảnh: Công Hoàng.

Trao đổi với PV Etime về số lượng khách tại đầu cảng Sa Kỳ (đất liền), ra Lý Sơn trong ngày đầu tháng 8 vừa qua (1/8), Giám đốc BQL cảng Sa Kỳ - Lý Sơn Nguyễn Hữu Đoan cho biết, ước khoảng 750 lượt. Dự kiến thời điểm cuối tuần lượng khách ra đảo nhiều hơn, nhưng cũng chỉ tầm trên dưới 1000 lượt khách/ngày.

Cũng theo BQL cảng Sa Kỳ - Lý Sơn, thời điểm khách mua vé ra đảo Lý Sơn những ngày bình thường (thứ 2-5), tập trung đông và nhiều nằm trong tầm từ 7 giờ 30 – 11 giờ 30 phút; thời gian còn lại trong ngày ít hơn rất nhiều.

Dù lượng khách ra đảo Lý Sơn vào hôm qua, ngày 1/8, như vậy (chỉ khoảng 750 lượt), nhưng tại đầu cảng Sa Kỳ, có đến 9 lượt tàu xuất bến, với thời gian cách nhau chỉ 45 phút – 1 giờ/lượt tàu; trong đó tàu chở ít nhất là 139 khách/chuyến và nhiều nhất trên 240 khách/chuyến.

Vì vậy đại diện BQL cảng Sa Kỳ - Lý Sơn cho biết, nhiều tàu khi xuất bến (tại đầu cảng Sa Kỳ), chỉ có 30-40 khách/chuyến, chỉ bằng 1/6 - 1/3 so với số lượng khách mà tàu được phép chở.

Theo các chủ tàu khách, chưa tính khấu hao và tiền trả cho nhân viên phục vụ, lái tàu…chỉ riêng chi phí nhiên liệu và phí dịch vụ cảng khách, mỗi lần xuất bến tốn khoảng 10 triệu đồng/chuyến.

Giá vé bán (đi Lý Sơn) tại đầu cảng Sa Kỳ khoảng trên 200.000 đồng/vé/lượt/người, thì với số lượng khách đi như đã nói trên, hàng loạt tàu khi xuất bến, đã chịu lỗ với số tiền tính bằng triệu, nhiều triệu đồng/chuyến.

“Cuộc chiến” tàu khách Sa Kỳ - Lý Sơn: Bao giờ dứt kiểu “cùng dắt nhau đến bờ phá sản”? (Bài cuối) - Ảnh 3.

Hành khách đang đợi tàu tại đầu cảng Sa Kỳ. Ảnh: Công Hoàng.

Và với lịch chạy tàu của tháng 8/2023 mà các doanh nghiệp đã đăng ký, gửi cho BQL cảng và cơ quan thẩm quyền Quảng Ngãi, ngày ít nhất là 9 chuyến/đầu bến và nhiều nhất là 14 chuyến/đầu bến, tiền lỗ mà hàng loạt tàu phải gánh tính bằng con số hàng chục, nhiều chục triệu đồng/tàu/tháng.

Đâu là nguyên nhân?

Được biết, kiểu cạnh tranh "tự lấy đá ghè chân nhau", chấp nhận "nắm tay cùng đi đến bờ phá sản", tái diễn trở lại sau khi doanh nghiệp ngoài tỉnh đầu tiên là Phú Quốc Express, được cấp thẩm quyền chấp thuận và chính thức đưa phương tiện vào tham gia hoạt động trên tuyến này (khai trương vào ngày 19/7/2023).

“Cuộc chiến” tàu khách Sa Kỳ - Lý Sơn: Bao giờ dứt kiểu “cùng dắt nhau đến bờ phá sản”? (Bài cuối) - Ảnh 4.

Một tàu khách trên đường rời bến ra đảo Lý Sơn. Ảnh: Công Hoàng.

Theo đó giữa các doanh nghiệp nội tỉnh hoạt động trên cùng tuyến và doanh nghiệp mới ngoài tỉnh (Phú Quốc Express), nảy sinh trong việc đăng ký số lượng phiên, chuyến và thời gian xuất bến…

Một nguyên nhân sâu xa đáng chú ý nữa, đó là sự "ấm ức" của doanh nghiệp tàu khách trong tỉnh, khi cấp thẩm quyền đồng ý cho phép doanh nghiệp ngoài tỉnh (Phú Quốc Express), tham gia hoạt động vận tải khách trên tuyến này, vốn lâu nay do doanh nghiệp trong tỉnh đảm nhận.

Cụ thể trong văn bản đã gửi cho cấp thẩm quyền Quảng Ngãi trước đó (đề nghị không cấp phép cho Phú Quốc Express tham gia vận chuyển khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn), cùng 1 số lý do khác, các doanh nghiệp của tỉnh (đang hoạt động) trên tuyến này cho rằng, với số phương tiện mà họ (các doanh nghiệp trong tỉnh) hiện có, thừa sức đáp ứng nhu cầu vận chuyển khách trên tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại.

Tuy nhiên phản ứng và đề nghị này của các doanh nghiệp tàu khách trong tỉnh, bị cấp thẩm quyền Quảng Ngãi gạt bỏ.

“Cuộc chiến” tàu khách Sa Kỳ - Lý Sơn: Bao giờ dứt kiểu “cùng dắt nhau đến bờ phá sản”? (Bài cuối) - Ảnh 6.

Hành khách trên đường ra đảo Lý Sơn. Ảnh: Công Hoàng.

Điều đáng nói là dù đã nhiều lần giải thích, bản thân các chủ tàu cũng thừa hiểu, quy định không cấm doanh nghiệp ngoài tỉnh đăng ký tham gia vận tải khách trên địa bàn Quảng Ngãi; cạnh tranh hợp pháp trong vận tải khách là được phép, đúng quy luật.

"Địa ngục" không lối vẫn cứ tìm vào.

Một cán bộ cảng Sa Kỳ - Lý Sơn kể, khi thấy thực tế lượng khách đi lại trên tuyến không nhiều, nhưng lịch chạy đăng ký dày đặc như vậy, thì mỗi chuyến xuất bến chủ tàu khách sẽ bị lỗ nặng nên đã can ngăn và đề nghị xem xét, điều chỉnh giảm (lượt, tần suất chạy) cho phù hợp.

Tuy nhiên câu trả lời của các chủ tàu là, lâu nay chạy đã thu hồi vốn lại rồi, giờ cứ chơi đến nơi, ai chịu không nổi, yếu sức thì tự bỏ cuộc (?).

“Cuộc chiến” tàu khách Sa Kỳ - Lý Sơn: Bao giờ dứt kiểu “cùng dắt nhau đến bờ phá sản”? (Bài cuối) - Ảnh 7.

Tàu khách Phú Quốc đang chuẩn bị cập cảng Sa Kỳ để đón khách. Ảnh: Công Hoàng.

Trả lời PV Etime về thẩm quyền can thiệp vào đăng ký lượt chuyến của các chủ tàu khách, Giám đốc BQL cảng Sa Kỳ - Lý Sơn Nguyễn Hữu Đoan cho biết, không thể và không có thẩm quyền. Việc đăng ký số lượng phiên, lượt chạy bao nhiêu, là do họ (các chủ tàu khách) quyết định.

Quyền của BQL cảng là xem xét cơ sở hạ tầng tại các đầu bến, có đáp ứng và đảm bảo được theo số lượng lượt, phiên mà các chủ tàu đăng ký xuất và cập cảng; nếu đảm bảo, thì chấp thuận, còn không thì yêu cầu giảm.

“Cuộc chiến” tàu khách Sa Kỳ - Lý Sơn: Bao giờ dứt kiểu “cùng dắt nhau đến bờ phá sản”? (Bài cuối) - Ảnh 8.

Giám đốc BQL cảng Sa Kỳ - Lý Sơn Nguyễn Hữu Đoan. Ảnh: Công Hoàng.

Lãnh đạo BQL cảng Sa Kỳ - Lý Sơn bày tỏ, cũng đã nhìn nhận kế hoạch chạy tàu trong tháng 8/2023, mà các doanh nghiệp đăng ký dày đặc như vậy là bất hợp lý, sẽ bị lỗ.

Thế nhưng lời góp ý và phân tích của BQL cảng Sa Kỳ - Lý Sơn, về việc cùng nhau (doanh nghiệp) ngồi lại tìm tiếng nói chung, giảm lượt xuất bến xuống cho phù hợp, đã bị các doanh nghiệp hoạt động vận tải khách của tuyến này, bỏ ngoài tai.

Và như vậy, "cuộc chiến" giữa các doanh nghiệp vận tải khách trên tuyến đường thuỷ Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại, đã, đang và sẽ còn tiếp diễn dài dài.

Công Hoàng
Cùng chuyên mục