"Cuộc đua" người giàu nhất Việt Nam: Ông Trương Gia Bình trở lại ngoạn mục
Người giàu nhất đầu tiên
2006 là năm "lịch sử" của thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung và của Công ty cổ phần FPT cũng như ông Trương Gia Bình nói riêng.
Xuất hiện từ năm 2000 nhưng thị trường chứng khoán "chìm nghỉm" giữa những kênh đầu tư phổ biến của người Việt là bất động sản, vàng, ngoại tệ. Nhưng đến năm 2006, mọi chuyện đã khác, thị trường chứng khoán lên cơn sốt chưa từng có với hàng loạt cổ phiếu "nóng" có mức tăng điên cuồng. FPT của Công ty cổ phần FPT (tên thời điểm đó của FPT là Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư Công nghệ FPT) là gương mặt nổi bật nhất.
FPT chào sàn ngày 13/12/2006. Chỉ nửa tháng sau đó, cổ phiếu này tăng gấp rưỡi lên mức giá cao kỷ lục 460.000 đồng/CP so với thời điểm FPT giao dịch trên thị trường OTC. Với mức giá cao chót vót như vậy, FPT đã biến Tập đoàn FPT trở thành nơi "sản sinh" hàng loạt tỷ phú. Trong đó, ông Trương Gia Bình là người giàu nhất.
Tại thời điểm 2006, với khối tài sản khoảng 2.400 tỷ đồng trong tay, ông Trương Gia Bình khi ấy đang nắm giữ cùng lúc hai chức vụ Chủ tịch và Tổng giám đốc FPT đã trở thành người giàu nhất FPT, và quan trọng hơn là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Với thành tích này, ông Trương Gia Bình chính là người "mở hàng" cho danh hiệu "Người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam". FPT sáng chói tới mức "người FPT" chiếm trọn Top 3. Ngoài ông Trương Gia Bình còn có ông Lê Quang Tiến và ông Bùi Quang Ngọc.
Tuy nhiên, ông Trương Gia Bình không giữ "ngôi vương" được lâu. Chỉ 1 năm sau, ông rớt xuống vị trí thứ 7 với khối tài sản "chỉ" còn khoảng 1.700 tỷ đồng. Người thế chỗ ông Bình là ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc KBC.
Sau này, hàng loạt đại gia khác xuất hiện đã khiến cái tên Trương Gia Bình hoàn toàn bị lu mờ. Giới đầu tư chứng khoán thường hay nhắc nhiều đến ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Vingroup, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần FLC,…
Cái tên Trương Gia Bình hoàn toàn bị lãng quên trong danh sách "Những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam". Có thời điểm ông thậm chí còn không lọt nổi vào Top 30. Tại thời điểm cuối năm 2018, ông đứng ở vị trí 33 với khối tài sản "chỉ" là 1/848 tỷ đồng.
Đang trở lại ngoạn mục
Cổ phiếu FPT không còn nóng, ông Trương Gia Bình bị "lãng quên" trong danh sách "Những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam". Đây là điều đáng tiếc vì ông Bình đã có công "mở hàng" và "khai phá" danh hiệu đáng được trân quý của các doanh nhân Việt Nam.
Thế nhưng, một điều bất ngờ đang xảy ra. Kể từ đầu năm đến nay, cổ phiếu FPT tăng rất mạnh, "hâm nóng" tên tuổi vị đại gia nổi danh vì giàu có một thời. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 20/9/2019, cổ phiếu FPT dừng ở mức 58.200 đồng/CP, tăng 21.310 đồng/CP, tương ứng 58% so với phiên cuối cùng của năm 2018. Điều đó đồng nghĩa với việc giá trị tài sản của ông Trương Gia Bình cũng tăng 58%.
Cụ thể, tại ngày 20/9, với việc nắm giữ hơn 43 triệu cổ phiếu FPT, ông Bình có 2.516 tỷ đồng. Cộng với giá trị cổ phiếu của gần 1,2 triệu cổ phiếu TPB (Ngân hàng TMCP Tiên Phong), ông Bình sở hữu khối tài sản trị giá hơn 2.800 tỷ đồng trên sàn chứng khoán.
Với việc tài sản tăng chóng mặt, vị trí trên sàn chứng khoán Việt Nam của ông Bình tăng 13 bậc lên Top 20. Hiện tại, cổ phiếu FPT vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt xu hướng tăng nên tài sản của ông Bình vẫn hứa hẹn có nhiều bước tiến mới.
Dù vậy, con đường trở lại "ngôi vương" của ông Trương Gia Bình vẫn là điều không tưởng vì chênh lệch tài sản của ông Bình với các tỷ phú còn lại là vô cùng lớn, gần như không thể vượt qua, trừ khi ông Bình sở hữu thêm nhiều cổ phiếu của các công ty khác và những cổ phiếu này sớm niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Hiện tại, ông Phạm Nhật Vượng là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với khối tài sản lên đến 222.703 tỷ đồng, nhiều gấp 80 lần tài sản của ông Bình. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Công ty cổ phần hàng không Vietjet đứng thứ hai với 28.853 tỷ đồng.
Thậm chí, con đường vào Top 15 của ông Trương Gia Bình cũng rất khó khăn khi bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, cổ đông lớn của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đang sở hữu lượng cổ phiếu TCB trị giá hơn 4.000 tỷ đồng.