Cựu phó chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Tài đã tham nhũng tình dục?

04/01/2020 09:40 GMT+7
Bình luận về những sai phạm cựu Phó chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Tài vướng lao lý, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, vị cán bộ này đã tham nhũng tình dục dẫn đến những sai phạm nghiêm trọng. Còn với trường hợp các quan chức ở Đà Nẵng trong vụ án Vũ "nhôm" đang được xét xử nguyên nhân đầu tiên nhắc tới đó là lòng tham.

Phiên tòa xét xử 2 cựu Chủ tịch Đà Nẵng, Vũ “nhôm” cùng 18 bị cáo trong vụ thâu tóm nhà đất công sản ở Đà Nẵng đang diễn ra khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Một vụ việc khác cũng có tính chất tương tự, đó là cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài bị cáo buộc vì tình cảm cá nhân, giao 5.000 m2 đất "vàng" trái luật cho công ty Hoa Tháng Năm của bà Lê Thị Thanh Thúy, người được đồn là người tình của ông Tài khiến dư luận quan tâm.

Câu hỏi được nhiều người đặt ra là, vì sao các quan chức vướng vòng lao lý liên quan đến doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp về đất đai ngày càng nhiều? Số tiền thiệt hại cho Nhà nước là rất lớn ở những vụ án này là rất, vậy cần phải làm gì để ngăn chặn các vụ án tương tự?

Xung quanh vấn đề này, Góc nhìn chuyên gia của Dân Việt đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương (CIEM) để dẫn giải không ít minh chứng và đưa ra các giải pháp mà các nước trên thế giới đã thành công trong việc ngăn chặn tội phạm tham nhũng giống như hai vụ việc nói trên.

 
Cựu phó chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Tài đã tham nhũng tình dục? - Ảnh 1.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương (CIEM)

Ông Nguyễn Thành Tài đã tham nhũng tình dục

Sai phạm trong vụ Vũ “nhôm” ở Đà Nẵng và sai phạm của ông Nguyễn Thành Tài ở TP.HCM đang khiến dư luận rất bức xúc. Câu chuyện về quan chức vướng lao lý có liên quan đến doanh nghiệp, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng cho nhà nước ngày càng nhiều. Vậy theo ông đâu là nguyên dẫn đến những vụ án nghiêm trọng này?

Hai cựu Chủ tịch Đà Nẵng đang bị xét xử trong vụ án Vũ “nhôm” và vụ cựu Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài vì bà Lê Thị Thanh Thuý được đồn là "người tình" mà ký nhiều văn bản sai phạm là những câu chuyện buồn và cần phải bàn! Nguồn cơn dẫn đến những sai phạm của các quan chức của chúng ta có rất nhiều nguyên nhân.

Đầu tiên phải nhắc đến đó lòng tham. Cả hai vụ việc nói trên đều liên quan đến đất công. Trong khi giá đất của nhà nước để đền bù rất thấp so với giá thị trường, vì số tiền chênh lệch quá lớn này nên họ đã nảy sinh lòng tham.

Các dự án này đều nằm ở vị trí đắc địa, như người ta nói là “đất vàng” thì khi nhân lên với giá thị trường thì họ có thể kiếm được số tiền mà nhiều người không dám mơ tới. Theo đó, chỉ cần làm ăn trót lọt 1 một vụ thôi, cũng đủ họ trở lên siêu giàu và sống sung sướng đến cuối đời. Nếu vụ việc không bị bại lộ, phanh phui thì thật sự, chẳng có cách gì có thể kiếm tiền nhanh như vậy. Sự cám dỗ là rất lớn, vì thế họ đã nảy sinh lòng tham.

Thứ hai, quy trình giám sát của chúng ta không đủ chặt chẽ, nếu không muốn nói là quá lỏng lẻo. Trong trường hợp liên quan đến các vấn đề công cần phải công khai đấu thầu, công khai giá đất, quy trình bàn giao như vậy thì các cơ quan liên quan cần phải có ý kiến.

Nhưng những quy trình này rõ ràng là có lỗ hổng, giám sát không đầy đủ. Thực tế cần thừa nhận rằng, việc giám sát của chúng ta giống như có “vùng cấm”. Nghĩa là, cơ quan giám sát có thể kiểm tra, giám sát nhân viên, cấp dưới nhưng những người đứng đầu như thủ trưởng, chủ tịch cơ quan giám sát thì ai sẽ làm? Hoặc như Bí thư Tỉnh ủy ai sẽ giám sát?

 
Cựu phó chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Tài đã tham nhũng tình dục? - Ảnh 2.

Vụ án Vũ "nhôm" đang được dư luận hết sức quan tâm.

Vậy chúng ta đã có cơ chế để đảm bảo việc giám sát chưa? Ở các nước khác cũng có những cơ hội như vậy, quan chức các nước khác không phải họ không muốn làm mà bởi vì các quy định, quy trình giám sát của họ quá chặt chẽ. Theo đó, chỉ cần làm sai ở bước đầu, chưa gây thiệt hại gì đã bị chặn lại.

Tôi lấy ví dụ như ở Nhật Bản, Bộ Tài chính của họ giám sát chặt chẽ từng khâu nhỏ một. Bất kỳ ai làm gì, mỗi văn bản quyết định phải có 2, 3 chữ ký tắt vào đó. Và những người ký những văn bản này cũng phải liên đới chịu trách nhiệm. Nếu có bất cứ vấn đề gì xảy ra thì những người này cũng đều bị xử lý.

Họ làm chặt chẽ như vậy nhưng vẫn để lọt tội phạm. Ý tôi muốn nói là, không có gì là tuyệt đối, nhưng rõ ràng việc lỏng lẻo trong giám sát của chúng ta chính là cơ hội khiến Nguyễn Thành Tài hay hai cựu Chủ tịch Đà Nẵng có cơ hội phạm tội.

Thứ 3, nguyên nhân xuất phát từ cá nhân. Những quan chức này có thể họ không chịu tự rèn luyện ý chí, hoặc họ cho mình là ở vị trí cao rồi muốn làm gì thì làm và dù có làm thì cũng không ai phát hiện được.

Hiện TAND TP.Hà Nội đang xét xử vụ án Vũ “nhôm”, các bị cáo như Phan Văn Ít, Huỳnh Tấn Lộc đều khai rằng, việc mua bán đất công sản đều do cố Bí thư Nguyễn Bá Thanh giới thiệu cho Vũ “nhôm”. Ông bình luận thế nào về việc này?

Vụ án đang được xét xử, đúng sai thế nào sẽ được tòa xét hỏi, phân xử. Nhưng cố Bí thư Nguyễn Bá Thanh là người có quyền lực tuyệt đối ở Đà Nẵng. Người ta vẫn hay truyền nhau cái câu là "Trời của Thanh đất của Thanh, con chim trên cành cũng của Bá Thanh”. Ý là không có cái gì ở Đà Nẵng là không phải của Bá Thanh. Nếu trường hợp đúng như các bị cáo trong vụ án Vũ “nhôm” nói là do Bá Thanh chỉ đạo, yêu cầu làm thì cũng có thể xảy ra.

Việc này cũng giống như ở trên tôi đã nói, giám sát của chúng ta còn lỏng lẻo, chưa đủ cụ thể. Nếu những người đứng đầu có sai phạm thì chỉ đến khi họ nghỉ hưu, mất chức thì mới phát hiện, truy tố. Còn khi những quan chức này còn đương chức  gần như chúng ta rất khó phát hiện, khó truy đến cùng.

Đây là điều đáng tiếc trong cơ chế bộ máy của chúng ta!

Cựu phó chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Tài đã tham nhũng tình dục? - Ảnh 4.

Bà Lê Thị Thanh Thúy, Chủ tịch Công ty Hoa Tháng Năm là người đã đẩy ông Nguyễn Thành Tài, cựu Phó Chủ tịch TP.HCM vào vòng lao lý

Liên quan đến những sai phạm của cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài, cơ quan chức năng xác định, ông Tài không được hưởng lợi ích vật chất trong việc ký văn bản, quyết định trái pháp luật từ đó, Bộ Công an áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Ông bình luận thế nào về chi tiết này?

Nếu đúng như những gì cơ quan chức năng xác nhận, ông Nguyễn Thành Tài là dạng tham nhũng tình dục, cũng có thể về vật chất ông ấy được hưởng lợi gì. Vì bà Lê Thị Thanh Thúy có sắc đẹp nên đã "qua lại" với ông Tài để đổi lại những chữ ký quan trọng.

Ông Tài đã bị say nắng và nhận hối lộ tình dục nên dẫn đến những sai phạm nghiêm trọng.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Thụy Điển từ chức vì một chai champagne!

Vậy cần phải làm gì để hạn chế những vụ án tương tự thưa ông?

Các vụ việc này gây ra những thiệt hại rất lớn đến ngân sách, kinh tế. Đặc biệt nó làm giảm uy tín về cán bộ, làm mất tin tưởng của người dân.

Ngoài việc cần tìm những lỗ hổng về quy trình giám sát thì chúng ta nên công khai minh bạch. Tức là những gì anh quyết, ai quyết, hồ sơ nào đang làm, dự án nào bao nhiêu tiền.. cần phải đưa ra phải công khai, đưa lên trên mạng, báo chí chẳng hạn.

Nhiều nước trên thế giới họ làm rất tốt vấn đề này, điển hình như Thụy Điển. Họ công khai từng chi tiết như Thủ tướng đi công tác bằng máy bay gì, mất bao nhiêu tiền, Thủ tướng ăn mấy món, mất bao nhiêu tiền. Nếu uống rượu thì chỉ được uống rượu vang, muốn uống rượu cao cấp hơn thì tự bỏ tiền túi.

Tôi rất ấn tượng với câu chuyện của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Thụy Điển bị mất chức chỉ vì một tờ hóa đơn. Đây là người bạn của tôi. Một lần sang Thụy Điển công tác, tôi bất ngờ vì không thấy ông ấy đến dự họp.Tôi có hỏi một đồng nghiệp của ông ấy, thì biết được rằng, hiện ông này đã xin từ chức, không muốn gặp ai, thậm chí điện thoại cũng không sử dụng vì xấu hổ. Ông ấy xin từ chức chỉ vì một tờ hóa đơn uống thêm chai champagne!

Chuyện là, một lần ông ấy sang Paris (Pháp) công tác. Buổi làm việc kéo dài  suốt 12 giờ đồng hồ nên ông rất mệt mỏi, căng thẳng. Kết thúc buổi làm việc, ông này mới đến một địa điểm vũ y để giải trí. Tại đây ông có dùng một chai champagne mất khoảng 280 USD. Sau đó, ông cầm biên lai về và đưa cho kế toán của Bộ Ngoại giao yêu cầu thanh toán. Khi đưa biên lai, kế toán đã gạt đi nói không thể thanh toán khoản riêng này nhưng ông này vẫn ép kế toán nhận.

Đến cuối năm, kiểm toán đến làm việc và phát hiện biên lai này. Cơ quan này đã mang biên lai đi photo và công khai trên báo chí. Ngay sau khi sự việc bị phanh phui, lập tức ông này xin từ chức.

Qua đây mới thấy sức mạnh của công khai minh bạch. Bất cứ ai làm gì, ai quyết, sử dụng tiền vào mục đích gì chỉ cần công khai lên là không gì có thể giấu giếm. Bởi vậy, tham nhũng ở Thụy Điện thấp hơn nhiều so với các nước khác.

Xin cảm ơn ông!

Ong Lý/Dân Việt
Cùng chuyên mục