Cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến: 'Tôi chịu trách nhiệm trước tổ chức, đồng đội'
Thừa nhận lỗi cá nhân trong vụ Quân chủng Hải quân mất quyền quản lý, sử dụng 3 lô đất vàng trong 49 năm, bị cáo Nguyễn Văn Hiến nói ông hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Thừa nhận lỗi cá nhân trong vụ Quân chủng Hải quân mất quyền quản lý, sử dụng 3 lô đất vàng trong 49 năm, bị cáo Nguyễn Văn Hiến nói ông hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Chiều 19/5, 8 bị cáo trong vụ án Quân chủng Hải quân mất quyền quản lý, sử dụng 3 lô đất vàng ở TP.HCM trong 49 năm được các luật sư xét hỏi để làm rõ các tình tiết trong vụ án.
Cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến khi được thẩm vấn đã phân trần về việc thiếu kiểm tra, giám sát khiến sai phạm không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời.
“Tôi nhận phần lỗi của mình”
Theo cáo trạng, quá trình thực hiện chủ trương của Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân về làm kinh tế, ông Hiến đã không kiểm tra, tin tưởng vào cấp dưới nên phê duyệt các văn bản để đưa 3 khu đất quốc phòng vào liên doanh trái quy định, không kiểm tra và chỉ đạo kiểm tra năng lực thực tế đối tác là Công ty Yên Khánh.
Ngoài ra, ông Hiến còn không kiểm tra việc góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng 3 khu đất, không kiểm tra việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của bộ trưởng về cấm góp vốn bằng đất và thiếu giám sát dẫn đến việc bị đối tác mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đi thế chấp, chuyển nhượng quyền sở hữu cho bên thứ ba.
Viện kiểm sát Quân sự Trung ương đánh giá hành vi của bị cáo Hiến do chủ quan, tin tưởng vào sự tham mưu của một số cán bộ dưới quyền, cùng thời điểm phải thực hiện nhiều chức trách, nhiệm vụ của Tư lệnh Hải quân và tin tưởng vào sự bàn bạc thảo luận tập thể.
Phân trần trước tòa, cựu Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiến nói được đào tạo 9 năm ở nước ngoài về chỉ huy quân sự, chưa từng được học về quản lý đất đai. Với vai trò Tư lệnh Hải quân, bị cáo chỉ huy cấp dưới thực hiện liên doanh làm kinh tế theo nghị quyết thường vụ và đề xuất của cơ quan tham mưu, bộ phận tư vấn pháp luật.
Thừa nhận đã thiếu kiểm tra, giám sát, ông Hiến khai khi bộ trưởng cấm các đơn vị làm kinh tế góp vốn bằng đất, bị cáo đã ra lệnh tổng kiểm tra từng dự án. Nhưng do chưa sát sao, quyết liệt và truy đến cùng nên Quân chủng Hải quân chưa phát hiện ra sai phạm tại 3 lô đất ở đường Tôn Đức Thắng.
Giải thích về việc này, cựu thứ trưởng nói giai đoạn 2005-2015, ông bận nhiều công việc như nghiên cứu tài liệu, đi công tác và tham gia nhóm nghiên cứu sinh tiến sĩ khoa học quân sự... Những công việc này, bên cạnh nhiệm vụ chính của hải quân, theo bị cáo là chiếm nhiều thời gian, khiến ông gần như không có ngày nghỉ.
Cựu Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiến bảo lưu quan điểm đã trình bày: “Tôi vẫn nhận phần lỗi của mình và tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước tổ chức, pháp luật, anh em và đồng đội”.
Đứng tên giám đốc vì mang ơn Út “Trọc”
Sau buổi đối chất chiều qua, Đinh Ngọc Hệ (Út “Trọc”, cựu Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng) và Vũ Thị Hoan (cháu gọi ông Hệ là cậu) tiếp tục được luật sư đặt câu hỏi về việc nhờ đứng tên Giám đốc Công ty Yên Khánh - đơn vị liên kết thực hiện dự án trên lô đất 7-9 Tôn Đức Thắng, quận 1, TP.HCM.
Bị cáo Hoan khai khi còn là sinh viên đã mang ơn ông Hệ. Hoan được cậu cho ăn ở và chu cấp tiền khi đi học, còn mẹ và các chị của bị cáo cũng được ông Hệ hỗ trợ. “Bị cáo phụ thuộc vào cậu nên khi cậu nhờ đứng tên, bị cáo nghĩ mang ơn nên mới đứng tên giùm”.
Khi tốt nghiệp cao đẳng và về làm việc tại Công ty Yên Thành, Hoan không có phòng riêng dù đứng tên giám đốc. Bị cáo nói ngồi chung phòng với các nhân viên kế toán khác, cũng không sử dụng xe của công ty.
“Bị cáo chỉ nhận được mức lương kế toán từ công ty mà không nhận bất cứ chế độ nào”, Hoan khai thêm việc đứng tên giám đốc vì nghe lời ông Hệ, chứ không phải để hưởng lợi. Bị cáo nói việc bản thân không hay biết về hoạt động công ty, không được họp bàn hay đàm phán thực hiện dự án.
Vũ Thị Hoan nói chỉ được trả lương kế toán. Năm 2018, bị cáo vừa được nâng lương lên mức 25 triệu đồng được 2 tháng thì bị bắt. “Bị cáo không nhận thức được hành vi sai trái vì tin bộ phận pháp chế tư vấn. Bị cáo chỉ đứng tên, không được hưởng lợi gì vì nếu biết sai thì không ký hồ sơ”, Hoan nói khi luật sư đề cập đến cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nhân chứng Trần Văn Lâm (cựu Tổng giám đốc điều hành Công ty CP phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P) cũng thừa nhận ở Công ty Yên Khánh, Hoan không có vai trò gì, chỉ ký hồ sơ. Ông Lâm khẳng định thẩm quyền quyết định cao nhất là ông Đinh Ngọc Hệ.
Còn Út “Trọc” nói chuyện tình cảm gia đình không nhớ hết. Hoan ở cùng mẹ của ông Hệ, còn ông ta ở nhà khác. Bị cáo cho Hoan tiền vì cháu gái ở cùng mẹ của ông ta, đó không phải cưu mang.
Sáng 19/5, khi tòa cho chất vấn, ông Hệ phủ nhận lời khai của Vũ Thị Hoan và một số người khác về việc nhờ cháu gái đứng tên giám đốc. Út "Trọc" nhiều lần nói không biết Công ty Yên Khánh.
HĐXX liên tục truy vấn và trình chiếu nhiều giấy tờ, hình ảnh cho thấy Đinh Ngọc Hệ có mối quan hệ thân thiết với Công ty Yên Khánh. Tuy nhiên, bị cáo vẫn bác cáo buộc đứng sau chỉ đạo doanh nghiệp này.