Cứu Vietnam Airlines phục hồi sớm sẽ giúp vực dậy nền kinh tế?
Tại phiên họp Thường kỳ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thực hiện biện pháp hỗ trợ với tất cả các hãng hàng không bị ảnh hưởng dịch Covid-19, đang thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, trong đó có hỗ trợ cho Vietnam Airlines với tư cách chủ sở hữu (Nhà nước chiếm 88% cổ phần tại Vietnam Airlines).
Theo IATA dự báo, tính đến tháng 5/2019, Covid-19 đã "đốt" gần 50% (xấp xỉ 190 tỷ USD) giá trị vốn hóa của 116 hãng hàng không trên thế giới. Doanh thu hàng không trên thế giới giảm 419 tỷ USD, các hãng hàng không lỗ 84 tỷ USD trong 2020, châu Á-Thái Bình Dương lỗ 29 tỷ đồng. Riêng với các hãng hàng không Việt Nam, IATA dự kiến mất đi doanh thu khoảng 4 tỷ USD, trong đó, Vietnam Airlines mất hơn 50.000 tỷ đồng.
Đánh giá về sự sụt giảm doanh thu, ông Dương Trí Thành, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho rằng: "Vietnam Airlines đang phát triển vững mạnh nhưng dịch Covid-19 làm đảo lộn toàn bộ khiến DN lỗ ròng 15.000 tỷ đồng. Nếu áp dụng chậm lại khấu hao, chính sách về thuế xăng dầu dự kiến bớt được 2.200 tỷ đồng nên sẽ lỗ 13.000 tỷ đồng".
Ông Thành cho hay, kịch bản xấu nhất nếu không được Chính phủ hỗ trợ, dịch Covid-19 đã tác động làm lượng khách giảm 4%, doanh thu giảm 50.000 tỷ đồng. "Dự kiến, Vietnam Airlines lỗ 29.000 tỷ đồng, dòng tiền thâm hụt 16.000 tỷ đồng. Vietnam Airlines sẽ rơi vào trạng thái mất thanh khoản từ cuối tháng 8/2020 nếu không có hỗ trợ về thanh khoản của Chính phủ với vai trò chủ sở hữu".
Tuy nhiên, theo các chuyên gia và đại diện Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp (cơ quan chủ quản Vietnam Airlines) việc hỗ trợ Vietnam Airlines vào lúc này đang gặp nhiều khó khăn do vướng các Luật.
Theo TS. Vũ Bằng, chuyên gia kinh tế cho rằng, các biện pháp cơ cấu của Vietnam Airlines chỉ là 30-35% trong khi chưa thể mở bay quốc tế nên khoản tiền vay là rất cần thiết. Do đó, với trách nhiệm là chủ sở hữu thì cơ quan quản lý Nhà nước phải có giải pháp thống nhất với các ngân hàng, xem xét giảm thuế phí kéo dài hơn không chỉ năm nay để Vietnam Airlines và các hãng hàng không có cơ hội phục hồi nhanh nhất.
"Vay ngân hàng tái cấp vốn, ngân hàng thương mại phù hợp, kết hợp các nguồn vay từ Nhà nước sẽ tăng nguồn vay tài chính của Vietnam Airlines trong thời gian này. Riêng phát hành trái phiếu (cổ đông hiện hữu phải chào bán ra công chúng khi lỗ lãi sẽ có vướng mắc và vướng vào Luật), nếu SCIC thay thế Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước thì vẫn có thể thay thế", TS. Vũ Bằng đánh giá,
Cũng theo TS. Vũ Bằng, nếu Vietnam Airlines phát hành trái phiếu riêng lẻ (phát hành thẳng cho SCIC không vướng chuyện lỗ, lãi) phải cân nhắc mức giá nào đó hài hòa giữa Nhà nước và doanh nghiệp và xin ý kiến ĐHĐCĐ; phát hành riêng lẻ trái phiếu chuyển đổi (SCIC là nhà đầu tư mua trái phiếu) cơ cấu sở hữu vẫn giữ cam kết không nắm quá nhiều.
Trong khi đó, PGS, TS. Trần Đình Thiên lại cho rằng: "Để tránh dư luận hiểu lầm rằng, Nhà nước đang thiên vị việc "xin-cho" đối với Vietnam Airlines, thì Nhà nước phải cứu và có trách nhiệm với Vietnam Airlines. Nhưng có cứu được không? Cách cứu là quan trọng nhất nhưng thủ tục vướng đủ thứ do chính ta đặt ra".
"Câu hỏi đặt ra: Chọn ai để cứu? Nhà nước không đủ tiền để cứu tất cả các doanh nghiệp mà phải cứu những thứ có tính đặc biệt, cứu là cứu nền kinh tế chứ không phải là cứu một mình Vietnam Airlines (vai trò Vietnam Airlines như thế nào với nền kinh tế và ngành hàng không)", PGS, TS. Trần Đình Thiên đặt vấn đề.
PGS, TS. Trần Đình Thiên cho biết, Nhà nước với tư cách tạo môi trường kinh doanh bình đẳng với tất cả các doanh nghiệp thì có các giải pháp như giảm phí đồng đều cho các hãng là rất đúng đắn. Đặc biệt, do là chủ sở hữu của Vietnam Airlines nên Nhà nước phải có trách nhiệm với hãng hàng không quốc gia, nhưng cần phải giải thích rõ, cứu Vietnam Airlines là cứu nền kinh tế vì hãng bay này có vai trò quan trọng với kinh tế, chính trị, xã hội, tránh dị nghị xì xèo kiểu "đi đêm, đi ngày".
Ví von trường hợp Vietnam Airlines, PGS, TS. Trần Đình Thiên cho hay, "lúc ốm nặng rồi thì chi phí sẽ đắt lên" do đó cần phải "trao kiếm lệnh" thực hiện giải pháp đặc biệt, phải thực thi khẩn cấp vì vậy nên đề xuất cứu với trường hợp Vietnam Airlines tới Thủ tướng Chính phủ. Mỗi phương án đều đặt ra yêu cầu về mặt tài chính, đây là trách nhiệm của Chính phủ, Quốc hội (Nhà nước) chứ không phải Vietnam Airlines đi xin; phương án chi phí tái cơ cấu Vietnam Airlines cần đưa vào luôn và phục hồi sớm sẽ giúp vực dậy nền kinh tế và khu vực.
Đánh giá về vai trò của Chính phủ trong việc "giải cứu" ngành hàng không, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM cho rằng: "Vai trò của Chính phủ là chủ sở hữu, là cơ quan quản lý Nhà nước tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các hãng hàng không".
TS. Nguyễn Đình Cung đặt câu hỏi: Tại sao phải chọn Vietnam Airlines? Hiện nay, ngành hàng không đang chịu tác động đầu tiên và mạnh mẽ nhất vì dịch Covid-19, tất cả các Chính phủ đều hỗ trợ trong đó, các hãng hàng không và đặc biệt là hãng hàng không Quốc gia có đầy đủ năng lực nên cần phải duy trì.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Vietnam Airlines có các số liệu đầy đủ, minh bạch, có các giải pháp để đối phó hay là vượt qua tác động, phần gì chưa thể làm được đã có các kiến nghị. Vietnam Airlines là hãng bị tác động nhưng cũng là nhân tố đầu tiên phục hồi nhanh nhất. Đây là trường hợp rất điển hình.
"Vietnam Airlines không phải là đơn vị phải xin Chính phủ "giải cứu" mà Chính phủ với tư cách là chủ sở hữu phải có trách nhiệm với các biện pháp hoặc chính sách tháo gỡ", TS Nguyễn Đình Cung đánh giá.